Đăng nhập

Điện Biên: Tiêu hủy hơn 200kg hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 21-5, Sở Y tế tỉnh Điện Biên thông tin: Lực lượng chuyên môn của cơ quan này vừa thực hiện đợt kiểm tra (từ ngày 24-4 đến 16-5) đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, sữa trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Lực lượng chức năng buộc tiêu hủy hơn 200kg các mặt hàng không rõ xuất xứ.

Quá trình kiểm tra, có 8 cơ sở vi phạm. Hàng hóa, thực phẩm phát hiện tại các cơ sở vi phạm này gồm 13 loại, chủ yếu là: Chân gà, xúc xích (các loại to, nhỏ), bánh, kẹo, củ cải muối và sữa. Các loại thực phẩm này đều được đóng gói trong bao bì có in chữ Trung Quốc, nhưng các cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tổng trọng lượng số hàng hóa, thực phẩm này khoảng hơn 200kg.

Toàn bộ hơn 200 kg hàng hóa, thực phẩm này Thanh tra Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã buộc các chủ hàng phải tiêu hủy.

Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình kiểm tra trên 300 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dinh dưỡng

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Công Thương, ngày 28/4/2025 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức ra quân đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với hàng hoá là sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng.

Trong ngày đầu ra quân, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, giám sát đối với hơn 300 cơ sở kinh doanh, nhà phân phối ở tất cả các địa bàn các huyện, thành phố, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như: sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, các nhu yếu phẩm như mì chính, hạt nêm, dầu ăn…. đặc biệt là các sản phẩm nằm trong danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa triệt phá trong thời gian qua. 

Qua những ngày đầu kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát hiện hàng giả, hàng nhái trong danh mục bị thu hồi. Trong đợt cao điểm này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tiến hành đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Đây cũng là giải pháp nâng cao ý thức kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đề xuất tăng mạnh mức phạt tội phạm về an toàn thực phẩm

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất tăng mạnh mức xử phạt đối với tội phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, tội phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng; án tù tối thiểu nâng từ 1 năm lên 3 năm, tối đa 20 năm.

Cụ thể, tại Điều 317 của dự thảo, các hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Hai tội nằm trong nhóm bị nâng mức phạt cao nhất là tội phạm môi trường, “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” (Điều 236) và “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317), đều được đề xuất tăng tiền phạt gấp 6 lần.

Mức tiền phạt này tùy theo số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng tới bao nhiêu người. Hiện, mức tiền phạt tối đa đang áp dụng với hành vi vi phạm này ở mức 500 triệu đồng.

Đối với mức phạt tù, dự thảo cũng đề xuất nâng mức án tù tối thiểu với người phạm tội này từ 1 năm lên thành 3 năm. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất, do đó chuyển từ 1 - 5 năm lên tới 3 - 7 năm. Trong khi đó, với khung hình phạt cao nhất cũng được đề xuất từ 12 - 20 năm từ thành 15 - 20 năm tù.

Ngoài ra, một thay đổi đáng chú ý với nhóm hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm là việc người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm dù có biết hay không thì đều chịu trách nhiệm hình sự.

Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi này chỉ bị quy trách nhiệm hình sự nều biết chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Tương tự, người phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193) bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 - 100 triệu lên 40 - 100 triệu đồng.

Cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1 - 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ đồng).

Pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại cũng bị đình chỉ vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.

Thông qua soi chiếu 5.300 container ngành Hải quan phát hiện nhiều vi phạm về khai sai chủng loại, số lượng hàng hoá nhập khẩu

Năm 2025, ngành Hải quan chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu, cảng biển tăng cường soi chiếu hàng hóa trong quá trình xếp dỡ tại các máy soi cảng biển; từng bước hoàn thiện phương án, triển khai mở rộng lựa chọn soi chiếu hàng hoá xuất khẩu tại một số khu vực cảng biển; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện soi chiếu và việc kiểm tra thực tế đối với các trường hợp qua soi chiếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, xác định trọng điểm theo chuỗi cung ứng hàng hóa; kiểm soát rủi ro theo lĩnh vực, mặt hàng, đối tượng trọng điểm. Ngành chỉ đạo các đơn vị điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có thể thực hiện soi chiếu qua máy soi đặt tại địa bàn cảng biển hoặc đặt tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu.

Kết quả thực hiện công tác soi chiếu: Từ 16/01-15/02/2025, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 2.718 cont (trung bình 209 cont/ngày), tăng 5,15% so với tháng 01/2025; phát hiện nghi vấn 84 cont (chiếm 3,1% tổng cont soi chiếu), phát hiện vi phạm 12 cont (chiếm 14,3% tổng cont nghi vấn). Các vi phạm chủ yếu là khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện… So với cùng kỳ tháng 01/2025, tổng lượng conainer soi chiếu của toàn Ngành tăng 5,15%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng lượng container soi chiếu của toàn Ngành giảm 77%.

Lũy kế từ 01/01-15/02/2025, toàn Ngành thực hiện soi chiếu tổng số 5.300 cont (giảm 72% so với cùng kỳ năm 2024). Nguyên nhân do nhiều địa bàn có máy soi gặp sự cố dừng hoạt động kéo dài như 02 máy soi ở Cát Lái (TP.HCM); Cục Hải quan: Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ninh…

Lưu Hương: soi thế này thì thoát sao được
Thiết Mộc Lan: lách làm sao được với các anh
Nẵng Vỡ Mơ Tan: lưới trời lồng lộng thưa mà khó thoát

Bình Thuận: Bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ gần 100 kg pháo nổ

Ngày 13-1, Công an xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã bàn giao người, tang vật gần 100 kg pháo nổ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Linh lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó vào chiều 12-1, tổ tuần tra Công an xã Đông Hà phát hiện một nam thanh niên chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra hành chính. Quá trình kiểm tra, phát hiện người này đang tàng trữ 8 hộp pháo hoa nổ loại 49 ống phóng.

Nguyễn Văn Biên cùng tang vật.

Khai thác nhanh, người này khai tên là Nguyễn Văn Biên (32 tuổi, ngụ xã Đông Hà, vừa mua số pháo trên từ một đầu mối ngụ cùng xã.

Khám xét nhà Trần Văn Ánh, công an phát hiện tàng trữ gần 100 kg pháo nổ các loại.

Từ lời khai trên, Công an xã Đông Hà đã khám xét khẩn cấp nhà ở của Trần Văn Ánh,thu giữ 37 hộp pháo hoa nổ; 40 bịch pháo bi, 99 viên pháo bi và 2 hộp pháo dây; tổng khối lượng pháo thu giữ gần 100 kg pháo nổ các loại.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 6 cá thể tê tê trái phép

Ngày 28-12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Đakrông bắt quả tang nam thanh niên dùng xe máy vận chuyển trái phép 6 con tê tê.

Đối tượng bị bắt quả tang là Hồ Văn Manh (SN 1991), ngụ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Hồ Văn Manh cùng tang vật liên quan.

Trước đó, vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 27-12, tại khu vực nghĩa địa thuộc khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, Hồ Văn Manh bị lực lượng chức năng phát hiện đang vận chuyển trái phép 6 con tê tê, thuộc nhóm 1B, danh mục các loại động vật rừng quý hiếm.

Lực lượng chức năng đang tạm giữ người và tang vật để tiếp tục điều tra, xử lý.

Gia Lai: Bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển pháo hoa nổ trái phép

Ngày 18-12, lực lượng Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đak Đoa cho biết, đã bắt quả tang 2 đối tượng gồm Nguyễn Mạnh Cường (SN 2003, trú tại phường Trà Bá và Trương Tấn Lực (SN 1998, trú tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku) để điều tra về hành vi vận chuyển hàng cấm.

Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 16-12, Công an huyện Đak Đoa triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Đak Đoa) thì phát hiện xe ô tô BKS 81A-13239 do Lực điều khiển, chở theo Cường có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng xe để kiểm tra.

Hai đối tượng cùng tang vật. 

Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trong cốp xe có 1 thùng giấy được dán kín, bên trong có 10 hộp giấy hình trụ in hình pháo hoa, tổng trọng lượng khoảng 18 kg. Các đối tượng khai nhận 10 hộp giấy nêu trên là pháo hoa nổ.

Số pháo hoa nổ bị lượng Công an thu giữ. 

Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đak Đoa đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Thanh Hóa: Bắt tạm giam đối tượng buôn lậu 17 tấn dược liệu qua biên giới

Ngày 29/10/2024, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh vừa bắt tạm giam Nguyễn Bằng Giang (SN 1980) trú ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát về hành vi buôn lậu.

Trước đó, qua nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện Nguyễn Bằng Giang có nhiều biểu hiện nghi vấn hoạt động buôn lậu, vận chuyển loại dược liệu quí là thảo đậu khấu nam (tên thường gọi là mắc cá hoặc bo bo) từ Lào về Việt Nam qua các đường mòn, lối mở trên địa bàn huyện Mường Lát.

Nguyễn Bằng Giang và tang vật.

Sau khi lập án đấu tranh, vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp Công an huyện Mường Lát tiến hành kiểm tra thủ tục giấy tờ hàng hóa khi đối tượng đang sang hàng tại bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát để vận chuyển đi tiêu thụ.

Quá trình làm việc, Nguyễn Bằng Giang khai báo hàng hóa được đối tượng mua tại Lào vận chuyển về qua lối mở Mường Chanh, không có thủ tục giấy tờ theo quy định. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác định tổng khối lượng hàng hóa bắt quả tang là trên 17 tấn dược liệu có trị giá gần 1 tỷ đồng.

Hồ Chí Minh: Bắt giữ 3 đối tượng buôn lậu gần 18.000 bao thuốc lá điếu

Ngày 8/10/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.

Cụ thể, ngày 03/10/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Công an phường Bình Thuận, Quận 7 phát hiện, bắt quả tang Ngô Tấn Tài (sinh năm 1988; hộ khẩu thường trú: huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang dừng xe ô tô ở khu vực đường N2, phường Bình Thuận để giao 06 kiện hàng chứa gần 3.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet, Hero các loại cho Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1974; hộ khẩu thường trú: xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; nơi ở hiện nay: phường Bình Thuận, Quận 7).

3 đối tượng Nguyễn Văn Phong, Ngô Tấn Tài và Tô Nhựt Minh.

Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã tiến hành khám xét khẩn cấp địa điểm 350/42A Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, Quận 7, phát hiện và thu giữ thêm gần 15.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet, Hero, Esse, 555...

Một số tang vật vụ án.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định Tô Nhựt Minh (sinh năm 1986; hộ khẩu thường trú: xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; nơi ở hiện nay: 350/42A Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, Quận 7) là chủ kho hàng trên và là đối tượng cầm đầu, thuê Nguyễn Văn Phong vận chuyển, giao nhận hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu.

Số lượng lớn thuốc lá lậu bị thu giữ

Qua đấu tranh, 03 đối tượng trên đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với các đối tượng này để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Khánh Hòa: Thu hồi toàn quốc bột pha hỗn dịch uống Compacin

Ngày 24-9, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, sở vừa có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc về việc thu hồi toàn quốc bột pha hỗn dịch uống Compacin.

Theo đó, Sở Y tế nhận được thông báo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2. Loại thuốc bị thu hồi là bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg), Số GĐKLH: VD-29775-18, Số lô: 011123, NSX: 02/11/23, HD: 02/11/26 do Công ty cổ phần dược phẩm Medisun sản xuất. Lý do thu hồi: Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng (vi phạm mức độ 2).

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc kiểm tra, rà soát, dừng ngay việc kinh doanh, sử dụng bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg). Giao trách nhiệm cho thanh tra sở, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.

Compacin là thuốc thường được dùng chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh nhạy cảm với Ciprofloxacin như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn xương và khớp...