Điện Biên: Tiêu hủy hơn 200kg hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 21-5, Sở Y tế tỉnh Điện Biên thông tin: Lực lượng chuyên môn của cơ quan này vừa thực hiện đợt kiểm tra (từ ngày 24-4 đến 16-5) đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, sữa trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Lực lượng chức năng buộc tiêu hủy hơn 200kg các mặt hàng không rõ xuất xứ.
Quá trình kiểm tra, có 8 cơ sở vi phạm. Hàng hóa, thực phẩm phát hiện tại các cơ sở vi phạm này gồm 13 loại, chủ yếu là: Chân gà, xúc xích (các loại to, nhỏ), bánh, kẹo, củ cải muối và sữa. Các loại thực phẩm này đều được đóng gói trong bao bì có in chữ Trung Quốc, nhưng các cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tổng trọng lượng số hàng hóa, thực phẩm này khoảng hơn 200kg.
Toàn bộ hơn 200 kg hàng hóa, thực phẩm này Thanh tra Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã buộc các chủ hàng phải tiêu hủy.
Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình kiểm tra trên 300 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dinh dưỡng
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Công Thương, ngày 28/4/2025 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức ra quân đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với hàng hoá là sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng.
Trong ngày đầu ra quân, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, giám sát đối với hơn 300 cơ sở kinh doanh, nhà phân phối ở tất cả các địa bàn các huyện, thành phố, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như: sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, các nhu yếu phẩm như mì chính, hạt nêm, dầu ăn…. đặc biệt là các sản phẩm nằm trong danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa triệt phá trong thời gian qua.
Qua những ngày đầu kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát hiện hàng giả, hàng nhái trong danh mục bị thu hồi. Trong đợt cao điểm này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tiến hành đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Đây cũng là giải pháp nâng cao ý thức kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đề xuất tăng mạnh mức phạt tội phạm về an toàn thực phẩm
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất tăng mạnh mức xử phạt đối với tội phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, tội phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng; án tù tối thiểu nâng từ 1 năm lên 3 năm, tối đa 20 năm.
Cụ thể, tại Điều 317 của dự thảo, các hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Hai tội nằm trong nhóm bị nâng mức phạt cao nhất là tội phạm môi trường, “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” (Điều 236) và “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317), đều được đề xuất tăng tiền phạt gấp 6 lần.
Mức tiền phạt này tùy theo số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng tới bao nhiêu người. Hiện, mức tiền phạt tối đa đang áp dụng với hành vi vi phạm này ở mức 500 triệu đồng.
Đối với mức phạt tù, dự thảo cũng đề xuất nâng mức án tù tối thiểu với người phạm tội này từ 1 năm lên thành 3 năm. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất, do đó chuyển từ 1 - 5 năm lên tới 3 - 7 năm. Trong khi đó, với khung hình phạt cao nhất cũng được đề xuất từ 12 - 20 năm từ thành 15 - 20 năm tù.
Ngoài ra, một thay đổi đáng chú ý với nhóm hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm là việc người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm dù có biết hay không thì đều chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi này chỉ bị quy trách nhiệm hình sự nều biết chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Tương tự, người phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193) bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 - 100 triệu lên 40 - 100 triệu đồng.
Cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1 - 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ đồng).
Pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại cũng bị đình chỉ vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.
Thông qua soi chiếu 5.300 container ngành Hải quan phát hiện nhiều vi phạm về khai sai chủng loại, số lượng hàng hoá nhập khẩu
Năm 2025, ngành Hải quan chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu, cảng biển tăng cường soi chiếu hàng hóa trong quá trình xếp dỡ tại các máy soi cảng biển; từng bước hoàn thiện phương án, triển khai mở rộng lựa chọn soi chiếu hàng hoá xuất khẩu tại một số khu vực cảng biển; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện soi chiếu và việc kiểm tra thực tế đối với các trường hợp qua soi chiếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, xác định trọng điểm theo chuỗi cung ứng hàng hóa; kiểm soát rủi ro theo lĩnh vực, mặt hàng, đối tượng trọng điểm. Ngành chỉ đạo các đơn vị điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có thể thực hiện soi chiếu qua máy soi đặt tại địa bàn cảng biển hoặc đặt tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu.
Kết quả thực hiện công tác soi chiếu: Từ 16/01-15/02/2025, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 2.718 cont (trung bình 209 cont/ngày), tăng 5,15% so với tháng 01/2025; phát hiện nghi vấn 84 cont (chiếm 3,1% tổng cont soi chiếu), phát hiện vi phạm 12 cont (chiếm 14,3% tổng cont nghi vấn). Các vi phạm chủ yếu là khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện… So với cùng kỳ tháng 01/2025, tổng lượng conainer soi chiếu của toàn Ngành tăng 5,15%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng lượng container soi chiếu của toàn Ngành giảm 77%.
Lũy kế từ 01/01-15/02/2025, toàn Ngành thực hiện soi chiếu tổng số 5.300 cont (giảm 72% so với cùng kỳ năm 2024). Nguyên nhân do nhiều địa bàn có máy soi gặp sự cố dừng hoạt động kéo dài như 02 máy soi ở Cát Lái (TP.HCM); Cục Hải quan: Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ninh…
Bình Thuận: Bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ gần 100 kg pháo nổ
Ngày 13-1, Công an xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã bàn giao người, tang vật gần 100 kg pháo nổ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Linh lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó vào chiều 12-1, tổ tuần tra Công an xã Đông Hà phát hiện một nam thanh niên chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra hành chính. Quá trình kiểm tra, phát hiện người này đang tàng trữ 8 hộp pháo hoa nổ loại 49 ống phóng.
Nguyễn Văn Biên cùng tang vật.
Khai thác nhanh, người này khai tên là Nguyễn Văn Biên (32 tuổi, ngụ xã Đông Hà, vừa mua số pháo trên từ một đầu mối ngụ cùng xã.
Khám xét nhà Trần Văn Ánh, công an phát hiện tàng trữ gần 100 kg pháo nổ các loại.
Từ lời khai trên, Công an xã Đông Hà đã khám xét khẩn cấp nhà ở của Trần Văn Ánh,thu giữ 37 hộp pháo hoa nổ; 40 bịch pháo bi, 99 viên pháo bi và 2 hộp pháo dây; tổng khối lượng pháo thu giữ gần 100 kg pháo nổ các loại.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.