Đăng nhập

Hồ Chí Minh: Bắt giữ 3 đối tượng buôn lậu gần 18.000 bao thuốc lá điếu

Ngày 8/10/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.

Cụ thể, ngày 03/10/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Công an phường Bình Thuận, Quận 7 phát hiện, bắt quả tang Ngô Tấn Tài (sinh năm 1988; hộ khẩu thường trú: huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang dừng xe ô tô ở khu vực đường N2, phường Bình Thuận để giao 06 kiện hàng chứa gần 3.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet, Hero các loại cho Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1974; hộ khẩu thường trú: xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; nơi ở hiện nay: phường Bình Thuận, Quận 7).

3 đối tượng Nguyễn Văn Phong, Ngô Tấn Tài và Tô Nhựt Minh.

Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã tiến hành khám xét khẩn cấp địa điểm 350/42A Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, Quận 7, phát hiện và thu giữ thêm gần 15.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet, Hero, Esse, 555...

Một số tang vật vụ án.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định Tô Nhựt Minh (sinh năm 1986; hộ khẩu thường trú: xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; nơi ở hiện nay: 350/42A Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, Quận 7) là chủ kho hàng trên và là đối tượng cầm đầu, thuê Nguyễn Văn Phong vận chuyển, giao nhận hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu.

Số lượng lớn thuốc lá lậu bị thu giữ

Qua đấu tranh, 03 đối tượng trên đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với các đối tượng này để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Khánh Hòa: Thu hồi toàn quốc bột pha hỗn dịch uống Compacin

Ngày 24-9, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, sở vừa có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc về việc thu hồi toàn quốc bột pha hỗn dịch uống Compacin.

Theo đó, Sở Y tế nhận được thông báo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2. Loại thuốc bị thu hồi là bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg), Số GĐKLH: VD-29775-18, Số lô: 011123, NSX: 02/11/23, HD: 02/11/26 do Công ty cổ phần dược phẩm Medisun sản xuất. Lý do thu hồi: Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng (vi phạm mức độ 2).

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc kiểm tra, rà soát, dừng ngay việc kinh doanh, sử dụng bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg). Giao trách nhiệm cho thanh tra sở, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.

Compacin là thuốc thường được dùng chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh nhạy cảm với Ciprofloxacin như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn xương và khớp...

Đà Nẵng: Phát hiện và tạm giữ gần 2.000 đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 12/9/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phát hiện hơn 1.900 sản phẩm hàng hóa là đồ chơi trẻ em nhập lậu có trị giá hơn 101 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng phối hợp Phòng An ninh kinh tế (PA04), Công an thành phố Đà Nẵng thực hiện kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Đoàn kiểm tra phát hiện gần 2.000 sản phẩm đồ cho trẻ em nhập lậu

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hơn 1.900 đơn vị sản phẩm là đồ chơi trẻ em các loại, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không có tem chứng nhận hợp quy (CR) theo quy định; có tổng trị giá hàng hóa hơn 101 triệu đồng.

Lô hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu ước giá trị hơn 100 triệu đồng

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không có dấu hợp quy (CR) theo quy định; tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc, xử phạt theo quy định.

Tiền Giang: Kiểm tra, phát hiện 03 trường hợp kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, từ ngày 21 đến 23/8/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 3 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn huyện Cái Bè và thành phố Mỹ Tho.

Qua công tác nắm bắt tình hình, Đội Quản lý thị trường số 6 phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các cá nhân, tổ chức đang lợi dụng mạng xã hội Facebook để rao bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau quá trình theo dõi, xác minh kỹ lưỡng, Đoàn kiểm tra đã quyết định tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa điểm nghi vấn.

Đoàn công tác kiểm tra các sản phẩm mỹ phẩm

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các cơ sở trên, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 100 sản phẩm mỹ phẩm các loại như nước hoa, sữa tắm, kem dưỡng da,... Tất cả các sản phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn là hàng nhập lậu.

Trước những bằng chứng rõ ràng, các chủ cơ sở không thể cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến lô hàng trên. Theo quy định của pháp luật, toàn bộ số hàng hóa trên bị coi là hàng nhập lậu và bị tịch thu để xử lý theo quy định.

Ngày 26/8/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 15 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa vi phạm trị giá gần 15 triệu đồng đã bị tiêu hủy.

Quảng Bình: Phát hiện thu giữ hơn 11 tấn mỡ bò các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện, thu giữ hơn 11 tấn sản phẩm động vật là mỡ bò các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá gần 300 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, thông qua công tác quản lý địa bàn, ngày 13/8/2024, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phát hiện xe ô tải mang biển kiểm soát 73G-012.98 nhận hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại một địa điểm tập kết hàng tại Tổ dân phố Bến Chợ, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để vận chuyển đi tiêu thụ.

Vào lúc 20h40 phút ngày 13 tháng 8 năm 2024, tại km 611 trên tuyến Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 3 phối hợp Tổ Tuần tra kiểm soát giao thông 141 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện vận tải là xe ô tô tải mang biển kiểm soát 73G-012.98 do ông Phan Tri Thức có địa chỉ tại thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình điều khiển để kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải mang biển kiểm soát 73G-012.98 nêu trên. Qua khám phương tiện phát hiện trên xe vận chuyển hàng hóa gồm 11.236 kg sản phẩm động vật là mỡ bò các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ được đựng trong 225 bao tải dứa, trong đó gồm 7.763 kg mỡ dạng lỏng - đông đặc (144 bao) và 3.473 kg mỡ dạng khô (81 bao). Trị giá ước tính của toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên gần 300 triệu đồng.

Theo khai nhận ban đầu của ông Phan Tri Thức, ông được thuê chở số hàng hóa nêu từ phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn đến địa điểm giao hàng tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, trên đường đi thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Đội Quản lý thị trường số 3 thiết lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định.

Hải Phòng: Xử phạt  hộ kinh doanh "chém" giá du khách tại Đồ Sơn

Ngày 2/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 8 thông tin cho biết,  đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một hộ kinh doanh dịch vụ ô ghế tại bãi tắm Khu II, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, do có hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết đối với du khách.

Trước đó, Ngày 16 tháng 7 năm 2024, Đội QLTT số 8 nhận được nhiều phản ánh của du khách về việc bị "hét giá" khi thuê dịch vụ ô ghế tại điểm kinh doanh của ông D.V.T. Ngay lập tức, đội đã cử tổ công tác xuống hiện trường để kiểm tra và làm rõ thông tin.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện hộ kinh doanh này đang bán dịch vụ ô ghế cao hơn giá niêm yết. Cụ thể, ông D.V.T đã thu của khách hàng số tiền chênh lệch là 90.000 đồng.

Để xử lý nghiêm hành vi vi phạm này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8 đã ban hành Quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh dịch vụ ô ghế D.V.T với số tiền 7.500.000 đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch đã thu của khách hàng cũng được buộc phải hoàn trả.

Cục QLTT Bình Thuận xử phạt 181 triệu đồng về thương mại điện tử

Tăng cường công tác kiểm tra các Website thương mại điện tử vi phạm trên địa bàn

Thương mại điện tử (TMĐT) là phương thức kinh doanh mới với nhiều tiện lợi góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh ưu điểm, thì hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nếu không được quản lý sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các Website vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 05/6/2024 đến ngày 20/6/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 08 vụ liên quan Website TMĐT; phát hiện và xử lý 08 vụ vi phạm. Về các hành vi vi phạm:

- Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng;

- Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

- Kinh doanh hàng hoá nhập lậu;

- Không công bố trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website;

- Không thông báo sửa đổi, bổ sung theo quy định khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng sau khi đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

- Công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 181.000.000 đồng. Tịch thu: 20 cái cục sạc do Trung Quốc sản xuất; 41 cái máy hút tinh dầu do Trung Quốc sản xuất; 25 cái máy hút tinh dầu do Trung Quốc sản xuất.

Xác định công tác kiểm tra, kiểm soát về TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các đội Quản lý thị trường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra về TMĐT nhằm từng bước lập lại trật tự kinh doanh góp phẩn bình ổn thị trường trong tỉnh.

Hải Dương: Phát hiện 30kg bánh phở chứa phoóc môn

Ngày 20/6, Cục QLTT tỉnh Hải Dương cho biết, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Chí Linh giám sát việc tiêu huỷ 30kg bánh phở chứa phoóc môn.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, sáng 30 tháng 05 năm 2024, Đội QLTT số 2 phối hợp tổ chức khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải mang BKS 99C - 234.61 do ông Nguyễn Minh Chính là chủ xe đồng thời là chủ hàng.

Kết quả khám, test nhanh phát hiện trên xe vận chuyển 30kg bánh phở dương tính với phoóc môn (Formaldehyde hay thường gọi là formol); lực lượng chức năng đã lấy mẫu, gửi giám định tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đồng thời tạm giữ số bánh phở nghi ngờ vi phạm.

Kết quả giám định cho kết quả 8,55mg Formaldehyde/kg bánh phở, ông Nguyễn Minh Chính bị xử phạt tổng số tiền 52,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ bánh phở vi phạm.

Hòa Bình: Công an huyện Mai Châu bắt đối tượng vận chuyển trái phép gần 0,5 kg ma tuý  

Ngày 6/6. Công an huyện Mai Châu cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt 1 đối tượng đang có hành vi vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại km 14+350, quốc lộ 15 thuộc xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, tổ công tác Công an huyện Mai Châu đã phát hiện xe mô tô biển kiểm soát 28M1-094.69 do Hà Công Giang (SN 1982), trú tại xóm Pheo, xã Cun Pheo (Mai Châu) không đội mũ bảo hiểm đi hướng Vạn Mai - thị trấn Mai Châu có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng đã không chấp hành hiệu lệnh và tiếp tục tăng ga bỏ chạy.

Đối tượng Hà Công Giang sau khi bị bắt.

Tổ công tác đã truy đuổi và bắt được đối tượng Hà Công Giang. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 1 bọc nilon màu đen bên trong có các hạt tinh thể màu trắng, tổng trọng lượng 496,27 gram. Làm việc tại cơ quan Công an, Hà Công Giang khai nhận đó là ma tuý tổng hợp loại Ketamine dạng "đá”. Sau khi hoàn thiện các thủ tục ban đầu, tổ công tác đã bàn giao đối tượng cho cơ quan chức năng tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Đối tượng Hà Công Giang đang bị Công an huyện Mai Châu tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Trị:Triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán hơn 6.600 viên ma tuý

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã triệt phá một đường dây mua bán và vận chuyển ma túy từ biên giới về nội địa, tạm giữ hơn 6.600 viên ma túy tổng hợp.

Ngày 11-5, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ biên giới về nội địa tiêu thụ.

Đối tượng Lê Viết Dũng bị bắt giữ khi đang vận chuyển 6.610 viên ma túy tổng hợp vào Huế tiêu thụ

Trước đó, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 6-5, tại km 73+100 Quốc lộ 9 (thuộc địa phận thôn Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đội Trinh sát Đặc nhiệm (Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP tỉnh Quảng Trị) chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận, Phòng Phòng, chống Ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Quảng Trị), Đoàn 2 (Cục Phòng, chống Ma túy và tội phạm BĐBP), Phòng PC04 (Công an tỉnh Quảng Trị) bắt quả tang đối tượng Lê Viết Dũng (sinh năm 1987, trú tại phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 6.610 viên nén màu hồng (nghi là ma túy tổng hợp). Lê Viết Dũng khai nhận số viên nén trên là ma túy tổng hợp do đối tượng mua của một đối tượng tên Tâm tại xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) để vận chuyển vào Huế tiêu thụ.

Đồn Biên phòng Thuận bắt khẩn cấp đối tượng Lê Thanh Tâm

Qua điều tra, lực lượng BĐBP đã xác định và bắt giữ khẩn cấp đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Lê Thanh Tâm. Tâm được xác định là đối tượng trực tiếp giao số ma túy cho Dũng để tiêu thụ.

Hiện, BĐBP tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, khai thác, mở rộng và hoàn chỉnh các thủ tục tố tụng theo quy định.