TP.HCM khởi tố 2 người chở hơn 3 tạ pháo lậu đi bán
Công an phát hiện, bắt giữ hai người lái xe ô tô chở theo hơn 3 tạ pháo từ miền Tây lên TP.HCM để giao khách hàng.
Ngày 27-12, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Hoàng Nhơn (39 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) và Nguyễn Văn Sơn (41 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) về tội Vận chuyển hàng cấm.
Ông Nhơn và ông Sơn bị phát hiện khi sử dụng xe ô tô chở số lượng lớn pháo hoa đi giao cho khách.
Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 23-12, Tổ Công tác do Đội 6, Phòng CSĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (PC03), Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế và Ma túy, Công an huyện Hóc Môn tuần tra kiểm soát địa bàn.
Trong quá trình tuần tra, đến khu vực trước số 2/2B, đường Nguyễn Thị Sóc, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tổ công tác phát hiện ô tô Mitsubishi Xpander 51H-093.51 đang dừng đậu tại địa điểm trên có dấu hiệu nghi vấn.
Công an khởi tố bắt giam cả hai người đàn chở hơn 3 tạ pháo từ miền Tây lên TP.HCM giao.
Tài xế là Nhơn và người đi cùng là Sơn khai sử dụng ô tô để vận chuyển pháo từ An Giang về TP.HCM giao cho khách hàng.
Cả hai giao nộp số pháo trong xe gồm 10 thùng bên trong mỗi thùng có chứa 18 giàn pháo hoa nổ loại 49 ống, tổng cộng là 180 giàn, tổng trọng lượng hơn 300 kg.
Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Thái Bình: Xử phạt vi phạm hành chính một hộ kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 14/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh giầy dép trên địa bàn huyện Tiền Hải kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ số tiền 6 triệu đồng
Cụ thể, trước đó vào chiều ngày 13/12/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra đột xuất cửa hàng TQ Sneaker thuộc hộ kinh doanh TQ Sneaker. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán giầy dép các loại.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang trưng bày để bán 16 đôi giầy thể thao nam nữ không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết là 11,2 triệu đồng . Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh TQ Sneaker về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 14/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh TQ Sneaker về hành vi vi phạm trên số tiền 6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hoá vi phạm để xử lý theo quy định./.
TP.HCM: Đội QLTT số 8 thực hiện tiêu hủy hơn 1800 đơn vị sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính
Ngày 2/12/2024, Cục QLTT TP.HCM cho biết, Đội QLTT số 8 đã thực hiện tiêu hủy 1.839 đơn vị sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính, tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy là 200.614.000 đồng
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Tân Bình và Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính tại Nhà máy Công ty CP Môi trường Việt Úc, địa chỉ Lô B4-B21, B5-B20, đường số 9, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tổng số lượng hàng hóa bị tiêu hủy bao gồm 1.839 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá 200.614.000 đồng. Đây là tang vật liên quan đến 17 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Giày, dép, quần áo, phụ kiện điện thoại giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Nike, Apple với trị giá 112.966.000 đồng; mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tổng trị giá 35.370.000 đồng; thuốc lá điện tử trị giá 30.250.000 đồng; đồ chơi trẻ em trị giá 22.028.000 đồng. Các sản phẩm này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.
Toàn bộ quá trình tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện Đội Quản lý thị trường số 8 và Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Tân Bình. Các sản phẩm vi phạm được xử lý bằng cách đưa vào lò đốt nhiệt độ cao, đảm bảo tang vật bị tiêu hủy hoàn toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
Việc áp dụng quy trình xử lý an toàn và hiệu quả thể hiện sự cam kết của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường và duy trì một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. Đồng thời, việc tiêu hủy các hàng hóa này nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, có tính giáo dục, răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong đấu tranh chống lại các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bắt vụ vận chuyển 19kg ma túy trong máy nén khí từ Pháp về Việt Nam
Ngày 12/11, Công an TP.Hà Nội thông tin, Cơ quan CSĐT Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Pháp về Việt Nam.
Trước đó, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội phối hợp Cục Hải quan Thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện bên trong một lô hàng có 5 máy nén khí nghi vấn chứa chất ma túy tổng hợp. Qua kiểm tra phát hiện, thu giữ gần 19 kg MDMA được ngụy trang cất giấu trong 5 máy nén khí màu đen nhãn hiệu "AERO GLOBAL" được gửi từ Pháp về Việt Nam.
Đối tượng Lê Thanh Thúy cùng số ma túy bị thu giữ
Từ lời khai của các đối tượng liên quan, Tổ công tác của Phòng CSĐTTP về ma túy đã bắt giữ đối tượng liên quan lô hàng nói trên là Lê Thanh Thúy (SN 1993, trú tại Hòa Vang, Đà Nẵng; chỗ ở Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Lực lượng cũng đã thu giữ tang vật là hơn 1,4 kg Ketamine, 02 cân điện tử đều dính ma túy Ketamine.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thanh Thúy về tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không mua hàng trên Temu, Shein, 1688
Bộ Công Thương vừa có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử; khuyến cáo người dân không mua hàng trên các sàn Temu, Shein, 1688.
Theo Bộ Công Thương, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 chưa tiến hành đăng ký hoạt động theo quy định với Bộ này. Theo đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dùng tuyệt đối không giao dịch với các nền tảng chưa đăng ký hoạt động.
Trước đó, tháng 10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không mua hàng trên Temu, Shein, 1688
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Công Thương đề nghị Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Bộ Công Thương yêu cầu: Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký;
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới;
Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép;
Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử;
Cục Xúc tiến thương mại đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mãi không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử;
Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh cần được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển hàng hóa qua biên giới
Sáng 8/10/2024, Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma tuý và tội phạm chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển hàng hoá qua biên giới Campuchia vào Việt Nam.
Cụ thể, vào lúc 02 giờ 30 phút ngày 6/10/2024, tại khu vực vườn cà na cách đường Tuy Biên khoảng 50m (thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đội đặc nhiệm Phòng chống ma tuý và tội phạm chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn tổ chức mật phục chống buôn lậu.
Đối tượng Nguyễn Huỳnh Tấn Hoàng cùng tang vật
Qua đó, phát hiện 01 vỏ lãi vận chuyển hàng hóa đi từ hướng biên giới Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác tiến hành áp sát và truy đuổi bắt giữ được 01 đối tượng tên: Nguyễn Huỳnh Tấn Hoàng (giới tính: Nam, SN: 2007, thường trú: khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) đang tập kết hàng hoá từ vỏ lãi lên bờ, các đối tượng khác lợi dụng đêm tối điều khiển vỏ lãi bỏ trốn.
Tổ công tác tiến hành kiểm tra tại vị trí tập kết hàng hóa phát hiện có 04 bọc nilon bên trong có chứa 1.000 bao thuốc lá (500 bao hiệu Hero, 500 bao hiệu Indigo) và 02 cái máy lọc không khí nhãn hiệu Sharp. Tổng trị giá tang vật khoảng 20 triệu đồng.
Tổ công tác tiến hành đưa người, tang vật về bàn giao cho Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh: Vừa khắc phục hậu quả Bão số 3, vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và ổn định thị trường
Thực hiện Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 08/9/2024 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường tại Văn bản số 2586/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 (Bão Yagi); bên cạnh việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, giữ ổn định thị trường.
Các tổ công tác của các Đội QLTT đã tiến hành tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại một số siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một số cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng, các tấm tôn lợp, nhôm, ống hộp, sắt thép tổng hợp. Đến thời điểm hiện tại, qua công tác tuyên truyền, giám sát cho thấy tình hình thị trường, giá cả hàng hóa vẫn cơ bản ổn định, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên một số mặt hàng giá có xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế như: rau xanh (tăng 50%), máy phát điện; đèn, quạt … (tích điện) tăng từ 15 - 20%; tấm tôn lợp, ngói lợp, sắt thép tăng 10 - 15%.
Các Tổ công tác của các Đội yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật, không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; hàng hoá kinh doanh phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nhãn hàng hoá ... theo đúng quy định của pháp luật.
Qua thực hiện biện pháp nghiệp vụ, ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 chủ trì phối hợp với Công an thành phố Hạ Long kiểm tra, xử lý Hộ kinh doanh điện máy Chung Huyền (địa chỉ: Đường Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long) về hành vi không niêm yết giá hàng hóa và buôn bán hàng hóa (máy phát điện) nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ với mức phạt 12.000.000 đồng.
Dự báo những ngày tới, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khu vực vẫn thiếu điện cục bộ, nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng cao, do đó Cục vẫn tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT bám sát địa bàn bố trí ít nhất 01 tổ công tác thường trực 24/24 giờ để trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh và chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phtạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng (tấm lợp, tôn kẽm, nhôm kính &hellip, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng.
Phú Yên: Bắt quả tang 16 tấn đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vừa phát hiện và tạm giữ một lượng lớn đường cát nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về nhãn mác và hóa đơn chứng từ.
Ngày 23/8, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 78C-037.xx và phát hiện trên xe đang vận chuyển 16 tấn đường cát trắng nhãn hiệu REFINED SUGAR S47, sản xuất tại Thái Lan.
Điều đáng chú ý là toàn bộ số đường cát này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lái xe khai nhận đã vận chuyển số hàng này từ biên giới Campuchia về Phú Yên tiêu thụ.
Hình ảnh hàng hóa vi phạm
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra còn phát hiện một điểm bất thường khác: thời điểm xuất hóa đơn là ngày 21/5/2024, trong khi trên bao bì sản phẩm lại ghi các ngày sản xuất vào tháng 6/2024. Điều này cho thấy có sự không khớp giữa thông tin trên hóa đơn và thực tế.
Hiện tại, toàn bộ số đường cát trên đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra làm rõ. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ nguồn gốc của số hàng hóa này và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Phát hiện kho chứa hàng trăm bình gas cũ, không đảm bảo an toàn tại TP.HCM
Tại một địa điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở huyện Bình Chánh, TPHCM, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hơn 300 bình gas cũ, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn. Đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Chiều ngày 29 tháng 7 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 15 thuộc Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã bất ngờ kiểm tra một điểm kinh doanh nhỏ lẻ tại Ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Kết quả kiểm tra đã khiến lực lượng chức năng hết sức bất ngờ khi phát hiện tại đây đang chứa trữ một số lượng lớn bình gas đã qua sử dụng, lên đến 323 bình, các loại và nhãn hiệu khác nhau.
Điều đáng lo ngại là toàn bộ số bình gas này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cũng như không có bất kỳ tài liệu nào liên quan đến chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, các bình gas này còn thiếu nhãn mác, một yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Nghiêm trọng hơn, chủ cơ sở kinh doanh này còn chưa đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đội trưởng Đội QLTT số 15 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số bình gas trên để phục vụ công tác điều tra, làm rõ. Việc kinh doanh bình gas cũ, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hộ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu tại Lạng Sơn bị phạt 6 triệu đồng
Ngày 19/7, Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn vừa kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Cụ thể ngày 16/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với Hộ kinh doanh Đ.V.P tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng vì hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm
Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Đ.V.P đang bày bán 1 loại dầu gội đầu nhãn hiệu Prosec dung tích 500ml/chai, có ghi thông tin bằng chữ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, cũng như các giấy tờ liên quan đến sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại cửa hàng là hơn 7 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt 6 triệu đồng đối với Hộ kinh doanh Đ.V.P. Đồng thời, Hộ kinh doanh này cũng bị buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đây là một vụ việc cảnh báo cho các hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu. Việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.