9 tháng đầu năm, Quản lý thị trường TP.HCM phạt hơn 65 tỷ đồng
9 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 51.378 vụ, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 65 tỷ đồng.
Ngày 27/9, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã thông tin về tình hình hoạt động và kết quả xử lý vi phạm của đơn vị trong thời gian qua.
Theo đó, trong quý 3/2023, lực lượng QLTT TP.HCM đãkiểm tra 1.598 vụ (tăng 366 vụ, tăng 29,92% so với cùng kỳ năm trước); xử lý 1.322 vụ (gồm 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND/TP, UBND quận/huyện; 1.311 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của QLTT).
Công an, Quản lý thị trường kiểm tra các loại hàng hóa vi phạm.
Tổng số tiền phạt hành chính phát sinh trong quý là 25.147.738.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 41.361.237.000 đồng; hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trong kỳ là 28.709.601.000 đồng.
Trong đó, trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, xử lý theo hình thức bán là 1.024.360.000 đồng theo thẩm quyền QLTT; trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đã xử lý bằng hình thức tiêu hủy là 10.898.791.000 đồng theo thẩm quyền UBND các cấp; trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý là 16.786.450.000 đồng.
Cán bộ Quản lý thị trường kiểm tra các lô hàng hóa vi phạm.
Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.197 vụ, thu nộp vào ngân sách 26.446.577.000 đồng (tăng 36,95% so với cùng kỳ năm trước).
Lực lượng cũng đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông với trị giá 18.338.658.000 đồng.
Đồng thời, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 1 vụ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hiện đang xem xét.
Theo thống kê của Cục QLTT TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm (15/12/2022 - 14/9/2023), lực lượng đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 51.378 vụ, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước;
Tổng số vụ vi phạm chuyên ngành và liên ngành 3.201 vụ, tăng 71,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành 3.403 vụ, tăng 1.213 vụ (tăng 55,38%) so với cùng kỳ năm trước; tổng số vụ vi phạm chuyên ngành 3.044 vụ, tăng 1.472 vụ (tăng 93,63%) so với cùng kỳ.
Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 65.117.337.000 đồng (53.936.465.000 đồng tiền phạt hành chính, 9.294.007.000 đồng tiền bán hàng tịch và 1.886.865.000 đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp).
Trị giá hàng hóa tiêu hủy là 48.959.672.000 đồng, tăng 56,37% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 108 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 7 tỷ đồng.
Liên quan đến việc kiểm tra, xử lý đối với các nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm trên địa bàn, Cục QLTT TP.HCM cho biết, về mặt hàng thuốc lá, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm, tạm giữ 406 bao thuốc lá điếu và 2.140 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 321 triệu đồng.
Về hàng hóa nhập lậu, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 310 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 503.303 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng… với tổng trị giá hơn 15,9 tỷ đồng.
Cạnh đó, kiểm tra, xử lý 475 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 563.529 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng.
Đồng thời, kiểm tra, xử lý 426 trường hợp vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu...
Tạm giữ 49.444 đơn vị sản phẩm sữa bột, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, đồng hồ… nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace, Louis Vuitton, Apple, Levi’s... với tổng trị giá hơn 4,2 tỷ đồng.
Lực lượng cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các mặt hàng thực phẩm; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền… với tổng giá trị hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng QLTT tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, quận/huyện và TP Thủ Đức, qua đó kiểm tra 27.223 vụ, phát hiện 53 vụ vi phạm…
Từ nay đến cuối năm, QLTT TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các nhóm hàng hóa trọng tâm, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thương mại điện tử; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Thái Nguyên: Phát hiện, xử lý gần 140 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp
Ngày 9/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra và xử lý một vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Việc này được thực hiện theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh và sự phối hợp của Công an tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.
Tại địa điểm tập kết hàng hóa tại Tổ dân phố Công Thương, phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thuộc Công ty Cổ phần đầu tư & Xây dựng T, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và xác minh có tổng cộng 139.540 kg khoáng sản. Đây là loại quặng sắt limonit với hàm lượng sắt (Fe) là 40,66%. Tất cả hàng hóa này không có hóa đơn và chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trị giá tổng cộng của hàng hóa này được ước tính gần 48 triệu đồng.
Trong quá trình làm việc, người đại diện của Công ty Cổ phần đầu tư & Xây dựng T đã công nhận về hành vi vi phạm của mình.
Sau đó, vào ngày 29/8/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư & Xây dựng T. về việc mua khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp với số tiền 70 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa bị vi phạm đã bị tịch thu.
Việc này thể hiện sự thực hiện nghiêm túc các quy định và biện pháp quản lý về khoáng sản, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và tránh việc vận chuyển, sử dụng nguồn khoáng sản không đáng tin cậy và có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Thái Bình: Đội QLTT số 2 xử phạt 90 triệu đồng đối với 06 doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, số tiền nộp ngân sách nhà nước 90 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đội QLTT số 2 đã lập danh sách các đối tượng kiểm tra về hoạt động kinh doanh xăng dầu, gồm 6 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (MIPECORP), đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà và 2 cửa hàng trực thuộc thương nhân khác.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn quản lý về cơ bản có ý thức chấp hành pháp luật, đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu;
Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 làm việc trực tiếp với doanh nghiệp
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu như: chấp hành đúng các quy định về hệ thống phân phối, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, việc treo biển hiệu, đăng ký thời gian bán hàng, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết theo giá…
Tuy nhiên, cả 6 thương nhân kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đều chưa tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu.
Do đó, Đội QLTT số 2 đã xử phạt vi phạm hành chính 6 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về cùng hành vi vi phạm: Không xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu theo quy định, thu nộp ngân sách nhà nước 90 triệu đồng.
Tây Ninh: Bắt giữ hơn 1.400 gói thuốc lá nhập lậu
Ngày 26.6.2023, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, vừa bắt giữ 1.490 bao thuốc lá lậu.
Tang vật vụ án.
Cụ thể, vào lúc 13 giờ 30 phút, trên đường Huỳnh Thị Hương thuộc khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, Tổ Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tây Ninh gồm Thiếu tá Nguyễn Văn Thừa, Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc, Thiếu tá Huỳnh Tuấn Kiệt, Đại úy Mai Thống Lĩnh dừng kiểm tra xe mô tô biển số 61B1-795.68. Qua kiểm tra phát hiện trên xe đang chở 4 thùng giấy bên trong có 1.490 gói thuốc lá điếu nhãn hiệu Hero, Jet không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Kết quả làm việc ban đầu đối tượng khai tên Lý Kim Tiến, 33 tuổi, hiện ngụ tỉnh Bình Dương, số thuốc lá trên, đối tượng mua, sau đó vận chuyển về Bình Dương bán kiếm lời. Đối tượng cùng tang vật sau đó được bàn giao cho Đội Cảnh sát kinh tế, Công an Thị xã Trảng Bàng xử lý theo thẩm quyền.
Cơ sở kinh doanh cà phê ở Huế bày bán hàng nghìn máy hút thuốc lá điện tử trái phép
Công an TP Huế đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một cơ sở kinh doanh quán cà phê tại địa chỉ 227 đường Trần Phú, phường Trường An, TP Huế, nơi mà hơn 1.000 sản phẩm thuốc lá điện tử trái phép đang được bày bán.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh Vape Gia Minh đang bày bán hơn 1.000 sản phẩm hàng hóa là máy hút thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử và loại Pod thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Hơn 1.000 máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.
Được biết, cơ sở này đăng ký giấy phép kinh doanh cà phê, giải khát nhưng bên ngoài thường xuyên đóng kín cửa và bên trong bày bán thuốc lá điện tử.
Hiện Công an thành phố Huế đang tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Gia Lai: Xử phạt cá nhân vi phạm trong việc sử dụng website thương mại điện tử để bán hàng
Ngày 27/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc tỉnh Gia Lai đã phát hiện một cơ sở kinh doanh sử dụng website thương mại điện tử để bán hàng mà không thông báo với Bộ Công Thương. Điều này đã vi phạm các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ.
Sau khi tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh tại phường Đoàn kết, thị xã AyunPa, tỉnh Gia Lai, Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này đang sử dụng website thương mại điện tử để bán hàng yến sào mà không thông báo với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, cơ sở này đã xuất trình đầy đủ các hóa đơn và chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, đầy đủ các nội dung theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn thiện thủ tục đề xuất Đội trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cơ sở kinh doanh nêu trên sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định.
Đội QLTT số 5 cam kết tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra và kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
An Giang: Tạm giữ gần 1.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về nhãn hàng hóa
Một đoàn kiểm tra đã phát hiện gần 1.000 đơn vị sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về ghi nhãn hàng hóa tại các địa điểm kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Từ ngày 23/3 đến 12/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú đã tiến hành kiểm tra 03 cơ sở kinh doanh và phát hiện nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá đó như: Thuốc điều hòa sinh trưởng hiệu Baclolac 250SC, loại 900ml/chai (280 chai); Thuốc trừ bệnh hiệu Forthane 43SC, loại 01 lít/chai (240 chai); Thuốc trừ bệnh hiệu TVZEB 800WP, loại 01kg/gói (300 gói); Thuốc trừ sâu hiệu Emathion 55EC, loại 450ml/chai (79 chai); Thuốc trừ bệnh Hoanganhvil 50SC (69 chai), với tổng trị giá hàng hoá tạm giữ trên 80 triệu đồng.
Hiện tại, Đội Quản lý thị trường số 4 đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Sự vi phạm về ghi nhãn hàng hóa đã gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người cũng như sự phát triển của ngành nông nghiệp. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn cho sản phẩm nông nghiệp.
Phá chuyên án mua bán ma túy, bắt giữ đối tượng manh động tại Nghệ An
Công an huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã phá thành công một chuyên án mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và bắt giữ đối tượng Và Bá Tủa, 33 tuổi, trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Và Bá Tủa được xác định là đối tượng chuyên cung cấp ma túy cho các con nghiện trên địa bàn huyện Tương Dương.
Trong quá trình mua bán ma túy, Và Bá Tủa luôn mang sẵn dao để đối phó với cơ quan chức năng. Sau một thời gian triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an huyện Tương Dương đã bắt giữ Và Bá Tủa vào ngày 3/4 tại khu vực rừng núi xã Hữu Khuông khi đối tượng đang thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đối tượng Và Bá Tủa cùng tang vật. (Ảnh: Công an Nghệ An)
Trong quá trình vây bắt, Và Bá Tủa đã dùng dao chống trả quyết liệt, nhưng lực lượng Công an đã khống chế và bắt giữ đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 6.000 viên hồng phiến, 2/3 bánh heroin có trọng lượng 253 gram, 1 con dao và các tang vật khác.
Tại cơ quan Công an, Và Bá Tủa đã thừa nhận hành vi phạm tội. Hiện công an đang củng cố hồ sơ và hoàn tất thủ tục tố tụng theo qui định của pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm ma túy tại địa phương.
Xử lý các tổ chức mua xăng dầu ngoài hệ thống tại Nam Định
Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định vừa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hai tổ chức tại địa phương liên quan đến việc mua xăng dầu ngoài hệ thống phân phối chính thức.
Trước đó, theo nguồn tin thu thập và phản ánh của nhân dân, vào 17h30 ngày 01/03/2023, tại cửa hàng xăng dầu Hải Hưng thuộc Công ty TNHH MTV Đoàn Hải, địa chỉ: Xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã mua xăng của đối tượng ngoài hệ thống phân phối là Công ty TNHH thương mại – xăng dầu Bình Minh Phát, địa chỉ: Xóm Hải Yến, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Tiếp đến, vào hồi 18h00 ngày 01/3/2023, tại cửa hàng xăng dầu Vượng Hân thuộc Doanh nghiệp tư nhân Vượng Hân, địa chỉ: Xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã mua xăng với đối tượng ngoài hệ thống phân phối là Doanh nghiệp tư nhân Hồng Tiến, địa chỉ: Xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Xe ôtô mang biển kiểm soát 18C-07.999 đang dừng đỗ để bơm xăng từ xe bồn vào bồn chứa (ảnh cắt từ Clip từ người cung cấp).
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Đội QLTT số 3 và Đội QLTT số 5 khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin nếu có vi phạm kịp thời lập phương án kiểm tra đột xuất.
Quá trình thẩm tra, xác minh và thu thập thông tin có cơ sở kết luận Công ty TNHH MTV Đoàn Hải đã mua của Công ty TNHH thương mại – xăng dầu Bình Minh Phát 800 lít xăng A95. Điều đáng quan tâm là Công ty TNHH thương mại – xăng dầu Bình Minh Phát không phải là thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty TNHH MTV Đoàn Hải. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Cục QLTT tỉnh Nam Định xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/3/2023 Cục QLTT tỉnh Nam Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Đoàn Hải số tiền phạt và số thu lợi bất chính là hơn 50 triệu đồng và ngày 17/03/2023 đã ban ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại – xăng dầu Bình Minh Phát số tiền phạt và số thu lợi bất chính là hơn 80 triệu đồng.
Hai doanh nghiệp trên đã chấp thuận thực hiện quyết định xử phạt của Cục QLTT tỉnh Nam Định. Hiện tại, Đội QLTT số 3 cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình Cục QLTT tỉnh Nam Định xem xét, xử lý Doanh nghiệp tư nhân Vượng Hân, địa chỉ: Xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và Doanh nghiệp tư nhân Hồng Tiến, địa chỉ: Xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Xe ôtô mang biển kiểm soát 18C-03.862 đang dừng đỗ để bơm xăng từ xe bồn vào bồn chứa (ảnh cắt từ Clip từ người cung cấp).
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trên, hiện nay nguồn cung ứng xăng dầu khan hiếm. Để đảm bảo chữ “Tín” với khách hàng nên doanh nghiệp phải mua xăng dầu ngoài hệ thống phân phối để có nguồn hàng duy trì, phục vụ người tiêu dùng và phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp cũng nhận thấy việc làm trên không đúng theo quy định của pháp luật, đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và cam kết không tái phạm.
Qua vụ việc trên, Cục QLTT tỉnh Nam Định khuyến nghị đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nam Định nên nhập nguồn hàng trong hệ thống phân phối để tránh gây thiệt hại về uy tín và lợi ích của các doanh nghiệp.
Phát hiện trồng hơn 500 cây cần sa trong nương rẫy tại Đắk Nông
Hơn 500 cây cần sa với chiều cao từ 35-80 cm đã bị phát hiện tại một nương rẫy ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Cơ quan chức năng đã phát hiện một vụ trồng và sơ chế cần sa quy mô lớn và bắt giữ hai đối tượng trên hiện trường.
Số cần sa tươi được phát hiện trong rẫy vắng của vợ chồng Vụ
Công an tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện một vụ trồng và sơ chế cần sa quy mô lớn. Hơn 500 cây cần sa có chiều cao từ 35-80 cm bị phát hiện tại nương rẫy của Trần Văn Vụ và Lê Thị Thơm, tại bon Đắk Huýt, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Theo báo Công an TP Hồ Chí Minh, vào khoảng 14h ngày 16/3, Công an huyện Tuy Đức đã phối hợp với Công an xã Quảng Trực, Đồn cửa khẩu Bu Prăng, Đồn Biên phòng Đắk Đang, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) phát hiện, bắt qua tang hai vợ chồng Trần Văn Vụ và Lê Thị Thơm (cùng trú tại bon Bu Dăr, xã Quảng Trực) có hành vi trồng cây cần sa trái phép tại nương rẫy của hai đối tượng tại bon Đắk Huyt ở cùng xã. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện, nhổ và tiêu hủy số lượng lớn cây cần sa.
Đoàn công tác còn thu giữ được 14kg cây, lá, cành cần sa khô, 7kg hoa cần sa khô được cát giấu trong chuồng gà; 7kg cây, lá, cành cần sa khô được phơi, cất giấu rải rác trong vườn cà phê tại nhà của vợ chồng Trần Văn Vụ.
Tại Cơ quanđiều tra, vợ chồng Trần Văn Vụ và Lê Thị Thơm đã khai nhận, vào khoảng tháng 1/2023, Trần Văn Vụ lên mạng xã hội Facebook đặt mua một đối tượng (chưa rõ lai lịch) 700 hạt giống cây cần sa với ới giá tiền hơn 14 triệu đồng. Sau đó hai vợ chồng mang vào khu vực rẫy vắng ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, gieo trồng và thu hoạch cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Cơ quan công an đang tạm giữ hai đối tượng Vụ, Thơm để điều tra, làm rõ hành vi trồng cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.