Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc, cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Sáng 8/7/2025, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra một kho hàng nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần thương mại Đồng Tâm, phường Móng Cái 3, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm từng được ông Đỗ Văn Quang (trú tại phường Móng Cái 2) thuê trước khi qua đời ngày 26/6/2025. Theo xác minh từ giấy trích lục khai tử do UBND xã Vạn Ninh cấp, ông Quang đã tử vong trước thời điểm kiểm tra gần hai tuần.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tại hiện trường.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện kho chứa tổng cộng 47.127 sản phẩm vi phạm, bao gồm: 16.166 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu với tổng giá trị khoảng 1,1 tỷ đồng; 15.511 sản phẩm hàng hóa nhập lậu trị giá khoảng 80 triệu đồng; và 15.450 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 65 triệu đồng. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính lên đến 1,245 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Văn Công (em rể của ông Quang), kho này được ông Quang thuê để cho một người Trung Quốc tên A PIN sử dụng làm nơi chứa hàng hóa. Hợp đồng thuê kho được ký ngày 1/6/2025, chỉ vài tuần trước khi ông Quang mất. Ông Công khẳng định số hàng hóa hiện có tại kho không thuộc sở hữu của ông Quang cũng như của bản thân mình.
Qua kiểm tra hệ thống quản lý kho, Đoàn kiểm tra xác định đây là điểm trung chuyển cho hàng loạt đơn hàng được đặt qua nhiều tài khoản TikTok khác nhau, với nguồn hàng nhập từ trang thương mại điện tử 1688.com (Trung Quốc). Phần mềm điều hành kho được lập trình bằng tiếng Trung, do người Trung Quốc phát triển và quản lý, không tích hợp với hệ thống quản lý trong nước.
Nhân viên tại kho chỉ có nhiệm vụ in vận đơn có sẵn để chuyển cho đơn vị giao hàng. Hệ thống phần mềm ghi nhận giao dịch từ ngày 15/2/2025 với tổng số tiền khoảng 12 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, do dữ liệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài và không có cơ chế liên kết với hệ thống thương mại điện tử trong nước, nên chưa thể truy xuất được danh tính các tài khoản TikTok liên quan, cũng như tổng số hàng hóa đã bán ra hay khoản lợi nhuận thu về.
Đây là một vụ việc điển hình cho thấy thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, núp bóng các nền tảng mạng xã hội và hệ thống phần mềm xuyên biên giới nhằm tránh bị truy vết. Phương thức vận hành kho “ẩn danh”, kết nối đa tài khoản và kiểm soát từ xa đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử.
Hiện, Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục điều tra, làm rõ chủ thể vi phạm. Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc kiểm soát công nghệ quản lý kho, nâng cao năng lực giám sát nền tảng số và phối hợp liên ngành giữa quản lý thị trường, an ninh mạng và hải quan trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển phức tạp.
Bình Dương: Kiểm tra, thu giữ hơn 1,1 tấn hạt đác tươi không rõ nguồn gốc
Ngày 12-6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu và môi trường (PC03) Công an tỉnh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 5 (Sở Công thương) kiểm tra và thu giữ hơn 1,1 tấn hạt đác không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của ông L.N.T (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 1.150 ký hạt đác tươi được chứa trong bao, không có căn cứ xác định nguồn gốc, nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ chứng minh hợp pháp được chủ cửa hàng bán với giá 20.000 đồng/ký.
Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 1,1 tấn hạt đác tươi không rõ nguồn gốc
Ông T., chủ hộ kinh doanh thừa nhận toàn bộ số hạt đác nêu trên vừa được mua của người bán dạo đến chào hàng với giá rẻ hơn thị trường và dự định bán lại để kiếm lời. Hàng mới nhập vào chưa bán ra thị trường thì bị đoàn kiểm tra phát hiện.
Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không rõ nguồn gốc xuất xứ nên đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản niêm phong, tạm giữ để tiếp tục xử lý theo quy định.
Bắc Giang: Khởi tố chủ cơ sở sản xuất 60 tấn giá đỗ dùng chất cấm
Ngày 19/5, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Tân (SN 1983), trú tại đường Trần Khát Chân 1, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” quy định tại khoản 1, Điều 317, Bộ luật Hình sự.
Thông qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang và Công an phường Thọ Xương đã phát hiện, thu giữ trên 2 tấn giá đỗ từ 1 đến 4 ngày tuổi và các dụng cụ, hóa chất được sử dụng để sản xuất giá đỗ tại cơ sở sản xuất giá đỗ của Nguyễn Văn Tân.
Cơ quan Công an đọc các quyết định đối với Nguyễn Văn Tân (áo kẻ)
Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 1/2025 đến ngày bị phát hiện, Nguyễn Văn Tân đã sử dụng chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine để sản xuất giá đỗ. Đây là một loại chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở này đã sản xuất khoảng 500 kg giá đỗ. Tính từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 60 tấn giá “ngậm” chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine.
Hải Phòng: Triệt xóa ổ nhóm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại khách sạn
Ngày 23/4, Công an TP Hải Phòng cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã triệt xóa ổ nhóm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại khách sạn ở phường Nam Sơn, quận Kiến An.
Trước đó, hồi 10h30 ngày 11/4/2025, tại một khách sạn ở phường Nam Sơn, quận Kiến An, tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Phòng bắt quả tang ố nhóm đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Đối tượng Phạm Hùng Dũng và tang vật.
Các đối tượng gồm: Phạm Hùng Dũng, SN 1983, trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền; Đ.T.K.T., SN 2008, trú tại Quảng Hà, Hải Hà, Quảng Ninh; Nguyễn Ngọc Luân, SN 1990, trú tại Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình. Được biết, Dũng là đối tượng bán lẻ trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố đã được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lập hồ sơ quản lý trước đó.
Tập trung đầu tranh mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hải Phòng thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở đối với Phạm Hùng Dũng. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ: 2210,3 gam ma túy tổng hợp, 1 súng, 15 viên đạn và một số tang vật khác có liên quan.
Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định tạm giữ đối với Phạm Hùng Dũng về hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Nguyễn Ngọc Luân về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, đầu tranh mở rộng để đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong tháng hành động
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề: Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Ngày 1/4, Cục An toàn Thực phẩm thông tin về việc tổ chức 05 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5).
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Phước kiểm tra các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh về an ninh, an toàn thực phẩm.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề: Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Theo đó, căn cứ Kế hoạch số 11/KH-BCĐTƯATTP ngày 03/01/2025 về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2025; Căn cứ chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 05 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.
Đoàn số 1 do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 01 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh và Bình Phước.
Đoàn số 2 do Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Môi Trường chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Đoàn số 3 do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi Trường) chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường tiến hành kiểm tra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang.
Đoàn số 4 có 1 đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đoàn số 5 có 1 đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại Điện Biên và Lai Châu.
Bên cạnh 5 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi Trường, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động./.
Thái Nguyên: Phát hiện, xử lý gần 2000 sản phẩm hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 8/1/2025, Đội QLTT số 1 đã thực hiện kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông T.Q.Đ làm chủ, địa chỉ Phường Cam Giá, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên và Hộ kinh doanh V.T.A do bà V.T.A làm chủ có địa chỉ tại phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông T.Q.Đ chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh trên đang kinh doanh số lượng lớn hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, trên vỏ hộp có thể hiện dòng chữ bằng tiếng Anh "MADE IN CHINA”, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và được xác định là hàng hóa nhập lậu gồm 837 sản phầm đèn các loại: đèn cây trang trí, đèn xếp ly, đèn bàn học, đèn nấm có tổng trị giá là gần 53 triệu đồng.
Tại Hộ kinh doanh V.T.A do bà V.T.A làm chủ có địa chỉ tại phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang kinh doanh 1.180 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: 800 chiếc áo khoác nữ và 380 chiếc váy nữ có tổng giá trị hàng hóa hơn 51 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn hiệu hàng hóa, trên bao bì không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm; bà V.T.A không xuất trình được bất cứ hóa đơn chứng từ hoặc giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa.
Tang vật vi phạm hành chính
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật./.