TP.HCM: Phát hiện số lượng lớn thực phẩm đông lạnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM đã phát hiện và kiểm tra Công ty TNHH Decqb Logistics tại quận Thủ Đức, phát hiện khoảng 24 tấn thực phẩm đông lạnh, bao gồm bao tử heo, dồi trường heo, trứng gà non, và lá xách bò đông lạnh, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Số hàng hóa này được lưu trữ trong kho lạnh của công ty để chuẩn bị bán ra thị trường trong dịp cuối năm và Tết.
Ngày 23/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Decqb Logistics trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Kiểm tra phát hiện trong kho lạnh của công ty có số lượng lớn thực phẩm đông lạnh, bao gồm bao tử heo, dồi trường heo, trứng gà non và lá xách bò đông lạnh, đang được chuẩn bị để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Công an TP.HCM phát hiện 25 tấn thực phẩm bẩn kho lạnh chờ bán vào dịp Tết .
Đại diện của công ty, ông H.V.C. (Phó Giám đốc, kiêm quản lý kho lạnh) không thể xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và giấy chứng nhận kiểm dịch liên quan đến số hàng hóa thực phẩm đông lạnh này. Ông này khai nhận toàn bộ số hàng hóa là của Công ty TNHH Decqb Logistics, được lưu trữ và bảo quản tại kho lạnh để bán ra thị trường trong dịp lễ, Tết cuối năm 2023.
Lô thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trọng lượng gần 25 tấn, ước tính giá trị khoảng trên 2,4 tỷ đồng theo giá niêm yết trên thị trường. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Thái Nguyên: Liên tiếp thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm là hàng giả
Thực hiện Kế hoạch số 495/KH-QLTTTNG ngày 13/11/2023 của Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngày 12/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 đã đồng loạt kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công, thu giữ hơn 400 sản phẩm hàng hóa vi phạm.
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 đã phát hiện tại 05 cơ sở kinh doanh đang trưng bày hơn 400 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu bao gồm: 300 đôi tất đi chân, 20 đôi giày, 13 bộ quần áo, 20 đôi dép giả mạo nhãn hiệu Adidas; 30 tai nghe, 25 củ sạc giả mạo nhãn hiệu Apple. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên là 25.000.000 đồng.
Hình ảnh hàng hóa vi phạm
Làm việc với Đoàn kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa mang các nhãn hiệu nói trên.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm tại 05 cơ sở trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật./.
Kiên Giang: Bắt quả tang đối tượng chở hàng cấm số lượng lớn
Ngày 5/12, BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị vừa bắt quả tang đối tượng chở hàng cấm từ biên giới Hà Tiên về thành phố Rạch Giá để tiêu thụ.
Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 3/12, tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, Tổ công tác của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm chủ trì, phối hợp với Phòng PC03, Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức ngăn chặn, bắt giữ đối tượng, phương tiện vận chuyển hàng cấm từ biên giới Hà Tiên về thành phố Rạch Giá để tiêu thụ.
Đối tượng Nguyễn Văn Lụa và tang vật bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Theo thông tin ban đầu, Nguyễn Văn Lụa (sinh năm 1985, ngụ tại phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá😉 là lái xe điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 68H-01074 chở hàng và Nguyễn Văn Thiện (con trai ông Lụa) làm phụ xe. Xe ô tô tải này do bà Quách Xuân Trang (sinh năm 1981, ngụ tại phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá😉 làm chủ sở hữu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ nhiều tang vật gồm: 500 bao thuốc lá điếu hiệu Hero, 2.500 chai nước Bò húc, 432 hộp kem Vaseline, 450 chai khử mùi Nivea, 576 chai nước hoa Civic, 32 loa nghe nhạc Zipp, 2.880 lọ kem Vanill, 300kg xí muội.
Số tang vật trên chưa xác định chủ sở hữu và nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lập biên bản vụ việc, tiến hành điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhận diện thật - giả hơn 600 sản phẩm hàng hóa
Hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), chiều 24/11, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả"
Đây là lần thứ 10, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả. Trong lần mở cửa này, tổng cục đã trưng bày giới thiệu trên 600 sản phẩm thật và giả thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: Hóa - mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế...
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ cách nhận biết hàng thật - hàng giả với các phóng viên báo chí
Không chỉ trưng bày các sản phẩm hàng hóa, Phòng Trưng bày còn cung cấp thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết hàng thật, từ đó, tránh mua, sử dụng phải hàng giả.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sản phẩm được trưng bày trong dịp này là những hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng, phổ biến và sử dụng thường xuyên, vì thế, trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả. Do vậy, việc trưng bày hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng Thủ đô cũng như các tỉnh thành lân cận có thêm kênh thông tin để nhận biết đâu là hàng thật, đâu là sản phẩm giả.
Để chống hàng giả, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng: Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng QLTT mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là mỗi cá nhân người tiêu dùng.
Với chủ đề "Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả", đã có trên 50 sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản được cung cấp bởi Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tham gia trưng bày. Việc này đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác đấu tranh chống hàng giả.
Từ cuối năm 2021, nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như giúp người tiêu dùng có nhiều hơn các kiến thức để nhận diện hàng thật - hàng giả, từ tháng 11/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa vào khai thác và sử dụng Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đây là nơi người tiêu dùng có thể đến tham quan, và được chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn, phân biệt dấu hiệu nhận diện các sản phẩm thật, sản phẩm vi phạm trên thị trường.
Phòng Trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả" sẽ mở cửa từ ngày 24/11 đến hết ngày 30/11/2023.
Khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại đối với dược phẩm
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm đối mặt với khó khăn trước tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả. Vì lợi nhuận một số tổ chức, cá nhân không có chuyên môn, không cần nhà xưởng, thiết bị hiện đại để sản xuất thuốc giả, kém chất lượng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục đưa ra cảnh bảo về tình trạng thuốc giả lưu thông trên thị trường. Đơn cử như: Ngày 28/2, Cục Quản lý Dược cảnh báo thị trường xuất hiện nhiều thuốc giả điều trị ung thư, đái tháo đường, huyết áp, dạ dày, thuốc nhỏ mắt. Cảnh báo được đưa ra sau khi Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát hiện một số lô thuốc giả hoặc nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc. Thuốc giả gồm nhiều loại, trên nhãn ghi công dụng khác nhau như: Thuốc Nexium 40 mg điều trị dạ dày, thuốc điều trị ung thư Tecentriq 1.200 mg/20 ml (atezolizumab), thuốc điều trị đái tháo đường Diamicron MR 30 mg, thuốc Coveram 5 mg/5 mg điều trị tăng huyết áp, thuốc nhỏ mắt TobraDex. Ngày 23/9/2023, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi 13 loại thuốc chứa Methyprednisolone do nguồn gốc nguyên liệu bị giả mạo. Quyết định thu hồi được đưa ra sau khi Cục Quản lý Dược nhận được thông tin hai lô nguyên liệu Methylprednisolone của nhà sản xuất Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd. đã nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên liệu này không phải là sản phẩm do Công ty Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co., Ltd. sản xuất. Ngày 31/10/2023, Cục Quản lý Dược có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương và phương tiện thông tin đại chúng về kiểm tra việc lưu hành thuốc nhỏ mắt giả Tobramycin trên nhãn ghi số lô 051023, NSX: 051023, HD: 051025do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây sản xuất có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe người sử dụng, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, phục vụ cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng. Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Dược: đảm bảo cung cấp đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý, Bộ Y tế đã ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất,nhập khẩu, phân phối đến tận tay người sử dụng bao gồm việc tiền kiểm đối với sản xuất/nhập khẩu, bảo quản và hậu kiểm trong quá trình phân phối.
Đối với cơ sở sản xuất thuốc: Theo quy định tại Luật Đầu tư, kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Tất cả các cơ sở sản xuất thuốc (kể cả trong nước và nước ngoài) muốn hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Các hoạt động từ sản xuất, kiểm nghiệm, tồn trữ, phân phối, bán buôn, bán lẻ phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt” ( GPs) để đảm bảo chất lượng thuốc được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng từ sản xuất/nhập khẩu, lưu thông và đến tay người sử dụng.
Đối với các cơ sở nước ngoài, muốn cung cấp thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam, cơ sở sản xuất phải đạt tiêu chuẩn GMP-WHO tương đương hoặc cao hơn. Trong trường hợp nghi ngờ về điều kiện sản xuất hoặc chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược sẽ tiến hành đánh giá kiểm tra cơ sở sản xuất trước hoặc sau khi cấp số đăng ký lưu hành.
Đối với thuốc: Các thuốc (bao gồm cả thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu) trước khi được phép đưa ra lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải được thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc hoặc hồ sơ nhập khẩu. Các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tá dược, bao bì đến thành phẩm thuốc phải đạt tiêu chuẩn ghi trong dược điển Việt Nam, các Dược điển quốc tế được công nhận (Dược điển Mỹ, Anh, Nhật,...). Các cơ sở sản xuất phải sản xuất thuốc theo đúng hồ sơ đã đăng ký và chỉ được xuất xưởng các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng hồ sơ đã đăng ký. Ngoài ra, khi lưu hành trên thị trường các thuốc phải chịu sự lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước bao gồm hai Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và 63 Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam do Việt Nam là nước có đường biên giới dài, khó kiểm soát nên không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của nạn buôn lậu từ các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, với yêu cầu mở cửa, hội nhập, thủ tục kiểm soát nhập khẩu ngày càng được miễn giảm, tăng nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu xâm nhập vào thị trường nội địa. Thuốc là loại hàng hóa có giá trị lớn, trong khi đó khối lượng, thể tích lại rất nhỏ, rất dễ vận chuyển, che dấu tránh được sự phát hiện của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, hiện người dân, doanh nghiệp chưa ý thức đầy đủ trong việc cảnh giác với thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Để tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược cũng như của người dân đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, các chiến dịch nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tích cực tham gia các dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin), toàn cầu liên quan đến phòng chống thuốc giả. Phối hợp chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trong công tác phòng chống thuốc giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Xe ô tô chở hơn 3 tấn thuốc lá sấy khô không rõ nguồn gốc
Ngày 9/11, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện, bắt giữ xe ô tô chở hơn 3 tấn thuốc lá sấy khô không rõ nguồn gốc tại xóm Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hoà An.
Phương tiện cùng tang vật bị bắt giữ.
Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp Công an xã Nguyễn Huệ làm nhiệm vụ đã phát hiện xe ô tô tải BKS: 30F-86xx đang dừng đỗ bên lề đường có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, phát hiện thùng chở hàng của xe ô tô nói trên chứa 67 bao tải dù màu nâu, bên trong chứa gần 3,3 tấn thuốc lá sấy khô. Lái xe tải là N.V.T (sinh năm 1987, trú tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên xe.
Hiện, tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ phương tiện và hàng hóa về trụ sở Công an tỉnh Cao Bằng để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Hà Nội xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm hàng hóa trái phép trong tháng 10
Lực lượng chức năng tại Hà Nội vừa công bố kết quả về hoạt động kiểm tra hàng hóa trong tháng 10/2023, với tổng cộng 3.232 vụ vi phạm liên quan đến hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, và gian lận thương mại.
Ban chỉ đạo 389 Thủ đô đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các biện pháp này tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, và hàng vi phạm an toàn thực phẩm, nhằm ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Hà Nội: Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 10 đạt kết quả tích cực
Trong số 3.232 vụ kiểm tra, có 295 vụ vi phạm liên quan đến hàng cấm và hàng lậu, 97 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ, cùng với 2.633 vụ gian lận thương mại. Có 3.025 vụ đã được xử lý, trong đó 17 vụ đã được khởi tố, liên quan đến 21 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp cho ngân sách Nhà nước đạt 450,739 tỷ đồng, thể hiện sự quyết tâm hạn chế vi phạm hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội cũng đã đưa ra chỉ đạo cụ thể để tăng cường kiểm tra và ngăn chặn vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam, kiểm soát vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, và xử lý vi phạm trong sản xuất và kinh doanh mặt hàng xe điện.
Phát hiện số lượng “khủng” keo dán giả nhãn hiệu Apollo
Ngày 26/10, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, vừa qua, Tổ công tác Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, phối hợp với Công an huyện Thường Tín, Công an TP. Hà Nội, Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an kiểm tra xe ô tô tải BKS 18C-134.36 do Phạm Văn Hưng (sinh năm 1988), trú tại xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang bốc xếp hàng hóa tại khu vực gần khu biệt thự liền kề ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín.
Đội kiểm tra phát hiện 2.000 chai keo silicone các loại mang nhãn hiệu Apollo
Tiến hành kiểm tra, Đội kiểm tra phát hiện trên xe chở 2.000 chai keo silicone các loại mang nhãn hiệu Apollo. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của số hàng trên.
Làm việc với cơ quan Công an, Phạm Văn Hưng khai nhận, Đoàn Văn Thắng thuê Hưng đến nhà riêng của Thắng tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định để nhận hàng giao cho khách tại Thường Tín, Hà Nội.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 4 địa điểm liên quan ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và phát hiện, thu giữ thêm 4.355 chai keo silicone nhãn hiệu Apollo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tổng số 6.355 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo trên được xác định là hàng giả. Số hàng trên có giá trị hơn 384 triệu đồng.
Cục Quản lý Dược: Thu hồi toàn quốc lô Dầu gội dược liệu Đông Bắc chai 250ml
Lô sản phẩm Dầu gội dược liệu Đông Bắc chai 250ml không có thông tin về số lô đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược đã thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Dầu gội dược liệu Đông Bắc Hộp 1 chai 250ml, nhãn ghi NSX: 23/11/22; HSD: 23/11/25; Số công bố: 24/22/CBMP-QN. Sản phẩm này được sản xuất bởi Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.
Thu hồi toàn quốc lô Dầu gội dược liệu Đông Bắc chai 250ml không có số lô do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Lô sản phẩm Dầu gội dược liệu Đông Bắc không có thông tin về số lô và đã bị kiểm tra tại Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Quảng Ninh. Kết quả kiểm tra cho thấy mẫu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Cục Quản lý Dược đã thông báo cho các cơ sở kinh doanh và sử dụng mỹ phẩm trên toàn quốc ngừng việc kinh doanh và sử dụng lô sản phẩm Dầu gội dược liệu Đông Bắc - Hộp 1 chai 250ml nêu trên và trả về cơ sở cung ứng. Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã được yêu cầu thông báo thu hồi đến những nơi phân phối và sử dụng sản phẩm và tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Sản phẩm Dầu gội dược liệu Đông Bắc - Hộp 1 chai 250ml không có thông tin về số lô được sản xuất tại nhà máy Dược Đông Bắc, địa chỉ: Thôn Sơn Hải, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, địa chỉ: Tổ 98, khu 8A, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Hải Phòng: Xử phạt công ty kinh doanh xăng dầu không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Đội Quản Lý Thị Trường số 3, Cục Quản Lý Thị Trường TP. Hải Phòng đã xử phạt Công ty TNHH Sừng Sáng với số tiền 20 triệu đồng do vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là việc thiếu giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Vào ngày 22/9/2023, Đội Quản Lý Thị Trường số 3, Cục Quản Lý Thị Trường TP. Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra đột xuất về việc tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Sừng Sáng, đặt tại Xóm 1, thôn Nam Am, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT thành phố Hải Phòng về việc tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; bảo đảm ổn định, lành mạnh của thị trường xăng dầu trên địa bàn thành phố, không để xảy ra vi phạm, qua công tác thực hiện các biện pháp nghiệp vụ
Trong quá trình kiểm tra, Đội Quản Lý Thị Trường số 3 phát hiện Cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Sừng Sáng đang tiến hành kinh doanh bán lẻ xăng dầu mà không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện để thực hiện hoạt động này.
Sau kiểm tra, vào ngày 4/10/2023, Đội Quản Lý Thị Trường số 3 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sừng Sáng với mức phạt là 20 triệu đồng. Vi phạm này liên quan đến hành vi bán lẻ xăng dầu tại một cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện.
Ngoài việc xử phạt, Công ty TNHH Sừng Sáng còn phải hoàn trả số tiền lợi bất hợp pháp thu được từ hoạt động vi phạm, với số tiền là hơn 28,5 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Đội Quản Lý Thị Trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra và kiểm soát thị trường xăng dầu. Điều này nhằm mục đích xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên địa bàn quản lý.