Đăng nhập

Bắc Ninh: Tạm giữ gần 400 nghìn đầu đốt tinh dầu thuốc lá điện tử

Công an TP Bắc Ninh đã tạm giữ gần 400 nghìn đầu đốt thành phẩm, trên 300 lọ tinh dầu các loại và nhiều máy móc liên quan đến thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

Ngày 27/12, Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra kho tập kết hàng hóa tại Cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên (phường Khúc Xuyên), phát hiện số lượng lớn đầu đốt tinh dầu thuốc lá điện tử không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Lực lượng chức năng phát hiện gần 400 nghìn đầu đốt tinh dầu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc tại Bắc Ninh. 

Khi lực lượng chức năng kiểm tra, đại diện kho tập kết hàng là anh Ninh Văn Đế (34 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không xuất trình được giấy phép kinh doanh và hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng tại kho. Đồng thời, anh Đế khai nhận nhập nguyên liệu gồm tinh dầu, máy móc để gia công, đóng gói thành đầu đốt tinh dầu thuốc lá điện tử và bán ra thị trường.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 400 nghìn đầu đốt thành phẩm, trên 300 lọ tinh dầu các loại và nhiều máy móc liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tinh dầu hay hương liệu dùng để hút thuốc lá điện tử hiện có nhiều loại độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe con người.

Nhiều loại thuốc lá điện tử được thiết kế tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói với hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Liên Tiếp Phát Hiện Xe Tải Chở Lợn Thối Đi Tiêu Thụ ở Bình Dương

Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, vào khoảng 21h ngày 22.12, Tổ tuần tra 171 Công an huyện Bàu Bàng đã phát hiện một chiếc xe tải biển số 61C-524.76 đang vận chuyển khoảng 20 con lợn đã chết, bốc mùi hôi thối, sẵn sàng để tiêu thụ. Tài xế T.V.T, sinh năm 1992, trú tỉnh Thanh Hoá, đã bị bắt giữ và vụ việc được bàn giao cho đội Cảnh sát kinh tế-ma tuý xử lý.

Thịt lợn thối trên xe đang đi tiêu thụ. Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Lúc 23h50 cùng ngày tại đường Lai Uyên 45, lực lượng tuần tra Công an huyện phát hiện một chiếc xe tải khác biển số 61E-012.70, do tài xế Đ.T.C (sinh năm 1977, trú Thuận An, tỉnh Bình Dương) điều khiển, vận chuyển khoảng 1,5 tấn thịt và nội tạng lợn. Thị lợn này cũng không rõ nguồn gốc và đang bốc mùi hôi thối. Tổ tuần tra 171 đã lập biên bản bàn giao vụ việc cho đội Cảnh sát kinh tế-ma tuý xử lý theo thẩm quyền.

Thịt lợn thối trên xe đang đi tiêu thụ. Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp

Trước đó, ngày 20.12, Đội tuần tra giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện một xe tải khác chở 4 con lợn đã chết và 2 bao tải màu trắng trên Quốc lộ 13 qua Bàu Bàng. Tài xế xe tải này khai nhận trong 2 bao tải chứa những con lợn con đã chết, với tổng trọng lượng lên đến 1,1 tấn thịt lợn chết hôi thối.

Những hành động kiên quyết của lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn việc đưa lợn thối vào thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì an toàn thực phẩm. Các vụ án đang được xử lý theo quy định pháp luật, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan để đảm bảo an ninh thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Bộ Tài chính: Nhu cầu về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí, khấu trừ, hoàn thuế gia tăng gây thất thu ngân sách nhà nước

Theo Bộ Tài chính, hiện vẫn diễn ra tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí mua vào hàng hóa dịch vụ trôi nổi trên thị trường và khấu trừ thuế nhằm mục đích trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính chỉ ra, nhiều đối tượng đã thành lập các công ty không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua bán hóa đơn, thu lợi bất chính. Các đối tượng này sử dụng thẻ tín dụng, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của những người dân thiếu hiểu biết, bị mất hoặc vì vụ lợi để thành lập doanh nghiệp hoạt động trong một thời gian ngắn. Cơ quan Thuế đã nỗ lực rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về sử dụng hóa đơn để xử lý và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp đã bị xử lý hình sự.

Nguyên nhân của tình trạng này là do: Nhu cầu về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí, khấu trừ, hoàn thuế còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong việc thành lập doanh nghiệp, các cá nhân đều có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng hình thức điện tử, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình xây dựng kết nối, đồng bộ dữ liệu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) nhằm kiểm soát và xác thực tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các giấy tờ có liên quan. 

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện cũng chưa có quy định của pháp luật và chưa có giải pháp công nghệ để xác định tính xác thực đúng thực tế về danh tính người đại diện pháp luật. Cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân. Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký như vốn, cơ sở vật chất, tài sản cố định, nhân công, ngành nghề có đúng như doanh nghiệp đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Do đó rất khó khăn cho các cơ quan chức năng nói chung, cơ quan thuế nói riêng trong việc phát hiện các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn trái pháp luật để gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính triển khai một số giải pháp về công nghệ thông tin như: Xây dựng Trung tâm Cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử theo hướng quản lý dữ liệu về hóa đơn điện tử, phân tích rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp; áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data); bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro và quản lý hóa đơn, chủ động trong phòng chống gian lận, giả mạo hóa đơn điện tử.

Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ để có cơ chế chính sách quản lý chặt về hoá đơn điện tử và có các quy định cụ thể các biện pháp dừng sử dụng hoá đơn điện tử đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, phối hợp với cơ quan công an, các bộ, ngành liên quan để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định. Tuyên truyền đến người nộp thuế về việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hoá đơn không hợp pháp và các chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm.... Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp theo hướng, đối với người đại diện pháp luật phải được xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu có vi phạm về thuế hoặc là đại diện của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh thì tạm thời chưa cấp giấy chứng nhận thành lập mới; bổ sung quy định hậu kiểm.

Hà Nội: Phát hiện cơ sở san chiết khí N2O 

Vụ việc do Đội QLTT số 24 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh và tế ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện.

Vào hồi 16 giờ 00 ngày 05/12/2023 Đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh và tế ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra cơ sở san chiết khí N2O tại địa chỉ: Khu Ba Lương, Thôn 3, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra ông T.N.H đang dùng máy nén khí để thực hiện hành vi san chiết khí N2O từ bình khí to sang bình khí nhỏ với mục đích để bán.

Ông H không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Kiểm tra thực tế tại cơ sở san chiết có 17 bình chứa khí N2O loại 70kg/ bình, 10 bình Loại 12,5 kg/ bình, 91 vỏ bình kim loại, trên vỏ bình có ghi chữ khí N2O và không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 500 quả bóng cao su, 01 Máy nén khí, 01 Thiết bị san chiết khí, 01 cân điện tử.

Số bình khí N2O trên thuộc danh mục hóa chất hạn chế kinh doanh, là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đội QLTT số 24 đã tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiên Giang: Phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển 30.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 01 tàu vận chuyển trái phép 30.000 lít dầu DO trên vùng biển tỉnh Kiên Giang.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới kiểm tra phương tiện vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc.

Lúc 01 giờ 00 ngày 25/11/2023, tại vùng biển Gành Dầu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) chủ trì, phối hợp Đoàn Đặc nhiệm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) và Đồn Biên phòng Thổ Châu kiểm tra, phát hiện tàu KG-91565-TS do Võ Văn Nuôi (sinh năm 1984, thường trú tại ấp Thới Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên đang vận chuyển 30.000 lít chất lỏng, nghi là dầu DO không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Võ Văn Nuôi khai nhận, số chất lỏng chứa trong các khoang tàu KG-91565-TS đều là dầu DO và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên tàu.

Hiện, vụ việc đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và đang điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiền Giang: Xử phạt cơ sở vi phạm kinh doanh đồ chơi trẻ em

Ngày 14/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi không đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, qua thực hiện biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra đột xuất tại 02 cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 01 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em do Việt Nam sản xuất nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký; 01 cơ sở không niêm yết giá đồ chơi trẻ em. Đoàn kiểm tra đã tuyên truyền trực tiếp, nhắc nhở các cơ sở này phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Sau khi lập biên bản vi phạm, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh vi phạm với tổng số tiền gần 10 triệu đồng.

QLTT Hà Nội: Tạm giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu

Vụ việc do Đội QLTT số 22 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, phát hiện.

Ngày 31/10/2023, Đội QLTT số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra: Địa điểm kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ: số 367 ngõ 68 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm các loại, cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 862  sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Phát hiện 02 phương tiện vận chuyển 4.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa chủ trì, phối hợp lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, phát hiện 02 xe ô tô đầu kéo vận chuyển số lượng lớn sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/09/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Kế hoạch số 124/KH-BCĐ389 ngày 18/09/2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn về triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sau khi giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt; theo nguồn tin cung cấp đã được xác minh, trong 02 ngày 11/10/2023 và 12/10/2023, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn) chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Lạng Sơn) và Đội 389 tỉnh kiểm tra 02 xe ô tô đầu kéo, kéo theo 02 rơ moóc hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn.

Đối chiếu kết quả kiểm tra thực tế (ô tô đầu kéo biển kiểm soát 29H-851.80, rơ moóc biển kiểm soát 29R-515.45 và ô tô đầu kéo biển kiểm soát 98C-068.69, rơ moóc biển kiểm soát 98R-033.57) với tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan, lực lượng chức năng phát hiện 06 loại hàng hóa trên 02 phương tiện (80 kg và 4.070 sản phẩm) không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán liên quan, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu (trị giá ước tính khoảng 60.000.000 đồng). Số hàng hóa vi phạm, gồm: Lưỡi dao khắc gỗ, bình kim loại, cốc giữ nhiệt (chất liệu inox), dây đàn màu vàng (chất liệu kim loại), ghim cài trang trí áo (chất liệu nhựa, kim loại), máy làm bánh... Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện vận tải không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp số hàng hóa trên.

Ðội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn) đã tạm giữ 02 phương tiện và toàn bộ hàng hóa vi phạm để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vĩnh Phúc: Thu giữ Hơn 1,2 Tấn Thực Phẩm Không Rõ Nguồn Gốc Trên Đường Đi Tiêu Thụ

Lực lượng chức năng tại tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc không rõ trên một xe vận chuyển. 

Lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra số sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vào lúc 10 giờ ngày 9/10, tại km 33 Quốc lộ 2 thuộc phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, lực lượng của Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vĩnh Yên tiến hành kiểm tra một chiếc ôtô biển kiểm soát 29H-699.88. Chiếc xe này do Nguyễn Vũ Hoàng, sinh năm 1983 và địa chỉ ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, điều khiển.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xe đang vận chuyển 24 thùng xốp bên trong chứa tổng cộng 1.230kg sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và được bảo quản đông lạnh. Các loại thực phẩm này bao gồm vó lợn, vó bò, móng giò lợn rút xương, gà tây và bắp giò.

Nguyễn Vũ Hoàng, người điều khiển xe, cho biết rằng số sản phẩm này được vận chuyển từ xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đến thành phố Hà Nội để tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Hoàng không thể xuất trình bất kỳ giấy tờ hoặc tài liệu nào để chứng minh nguồn gốc và xuất xứ của các sản phẩm này.

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tạm giữ phương tiện và tang vật để tiếp tục củng cố hồ sơ, xác minh và làm rõ về tình hình này. Các biện pháp xử lý sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đà Nẵng: Bắt đối tượng tài trữ trái phép ma túy

Ngày 30-9, Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng vừa phát hiện đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cụ thể, ngày 29-9, tại đường Thanh Thủy, tổ 10, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đang trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra thì phát hiện đối tượng Nguyễn Văn An, ở quận Thanh Khê có những biểu hiện nghi vẫn nên đã tiến hành kiểm tra.

Đối tượng Nguyễn Văn An tàng trữ trái phép chất ma túy.

Qua kiểm tra, đối tượng An đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gồm 2 gói nilon màu trắng kích thước 3cm x 3,5cm (An khai nhận là ma túy tổng hợp dạng đá😉 trọng lượng khoảng 3 gam, 1 điện thoại di động, 1 xe máy Honda màu trắng BKS 43D2-0...

Tiếp tục thực hiện khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng tại một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, lực lượng chức năng thu giữ thêm 2 gói ma túy tổng hợp dạng đá, 1 cân tiểu ly và một số tang vật khác liên quan.

Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của mình với mục đích để bán lại cho các đối tượng nghiện để kiếm lời. Hiện nay, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.