Hà Tĩnh: Thu giữ 116kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ
116 kg thịt lợn không có dấu kiểm dịch, không có giấy tờ hợp lệ vận chuyển từ địa bàn khác vào huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị cơ quan chức năng thu giữ.
Vào khoảng 8 giờ ngày 12/5, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm gia súc, phòng chống dịch huyện Đức Thọ phát hiện ông Lê Văn Hùng (trú tại thôn Hồng Tân, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đang bày bán sản phẩm thịt lợn tại Tổ dân phố 5, thị trấn Đức Thọ.
116 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại thị trấn Đức Thọ.
Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện ông Lê Văn Hùng đang kinh doanh bán lẻ 116 kg thịt lợn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất xứ, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan chức năng cấp phép vận chuyển từ địa bàn khác vào địa bàn huyện Đức Thọ (vùng có dịch tả lợn Châu Phi).
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Thọ lập biên bản xử lý sự việc.
Sau khi kiểm tra chất lượng của sản phẩm thịt nói trên, cơ quan chức năng huyện Đức Thọ đã tiến hành lập biên bản vi phạm và bàn giao cho UBND thị trấn Đức Thọ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Bình: Phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 12kg cần sa
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá thành công một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, bắt giữ một đối tượng và thu giữ 12kg cần sa khô.
Ngày 16-4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình thông báo đơn vị đã phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ tư lệnh BĐBP, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, Công an TP Hà Nội và Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) triệt phá một đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Đối tượng bị bắt cùng tang vật 12 kg cần sa khô.
Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-4, các lực lượng chức năng đã bắt quả tang một đối tượng, thu giữ 12kg cần sa khô cùng các tang vật liên quan.
Đây là chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam với phương thức hoạt động tinh vi, chặt chẽ, chia thành nhiều giai đoạn. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Telegram, Zalo để liên lạc và điều hành quá trình vận chuyển, giao dịch ma túy. Cần sa khô được ngụy trang trong hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba, sau đó được ký gửi qua các phương tiện vận tải để đưa về Việt Nam.
Hiện tại, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đang phối hợp hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng
Ngày 21/3/2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Công văn số 1018/UBND-KT về việc triển khai thực hiện các biện pháp điều hành, bình ổn giá trên địa bàn thành phố năm 2025.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hoá dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào thời điểm cuối năm, các dịp Lễ, Tết. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường.
Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.
Trong văn bản UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp tục chủ động nắm chắc thị trường, dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá, có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hoá thiết yếu, vật tư quan trọng, kiểm soát lạm phát, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Cung cấp thông tin chính xác, chính thống về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật.
Cà Mau: Hải đội Biên phòng phát hiện tàu cá vận chuyển hơn 25.000 lít dầu trái phép
Chiều 18-2, Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đang chỉ đạo Hải đội Biên phòng hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ xử lý một tàu cá vận chuyển trái phép dầu trên biển.
Trước đó, lúc 11 giờ, ngày 16-2, Hải đội Biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên biển, đến khu vực cách đảo Hòn Chuối (Cà Mau) khoảng 34 hải lý về hướng Tây Nam thì phát hiện tàu cá số hiệu KG 91565 TS, hành nghề hậu cần đánh bắt, do ông Hoàng Văn Lượm (thường trú tại ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 thuyền viên có dấu hiệu nghi vấn.
Tàu cá chứa dầu trái phép.
Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra tàu cá và phát hiện trên tàu có nhiều hầm chứa chất lỏng màu vàng nhạt, có mùi dầu.
Hải đội Biên phòng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau kiểm tra tàu cá chứa dầu trái phép.
Qua làm việc, ông Hoàng Văn Lượm khai nhận số chất lỏng màu vàng nhạt trên là dầu diesel (số lượng hơn 25.000 lít), mua từ một tàu lạ trên biển, để bán cho các tàu cá của Việt Nam kiếm lời, nhưng không có hóa đơn, chứng từ.
Tổ tuần tra tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc và đưa người, tàu cá, tang vật về Hải đội Biên phòng tiếp tục điều tra, làm rõ và báo cáo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo, xử lý.
Kon Tum: Thu giữ hơn 354 kg cá tầm đông lạnh không rõ nguồn gốc
Ngày 23/1/2025, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra, lập biên bản và thu giữ hơn 354 kg cá tầm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại một hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
Theo đó, khoảng 17 giờ 30 ngày 21/1, Đội Quản lý Thị trường số 1 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum và Công an huyện Kon Plông tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Hộ kinh doanh H.T.P (thị trấn Măng Đen).
Số cá tầm không rõ nguồn gốc bị thu giữ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này đang kinh doanh thực phẩm là cá tầm đông lạnh nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Đây là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ để xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; không có thông tin thể hiện trên bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo; không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.
Ông H.T.P, chủ hộ kinh doanh cho biết, số cá tầm đông lạnh này được mua trôi nổi trên thị trường và gửi từ Hà Nội vào. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Ông P. cũng thừa nhận hành vi vi phạm và khẳng định chưa bán sản phẩm ra ngoài thị trường.
Lực lượng chức năng xác định Hộ kinh doanh H.T.P đã có hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, niêm yết và thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm là hơn 354 kg cá tầm đông lạnh, tổng giá trị gần 71 triệu đồng.
Thái Nguyên: Phát hiện, xử lý gần 2.400 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm nhập lậu
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Đội QLTT số 2 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cụ thể, ngày 05/01/2025, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh của ông Đ.T.H, địa chỉ: phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Tại thời điểm kiểm tra, địa điểm kinh doanh của ông Đ.T.H chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh trên đang kinh doanh số lượng lớn hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có mã vạch thể hiện nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và được xác định là hàng hóa nhập lậu gồm 968 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn như nước sốt gia vị, bánh trứng, các loại mứt tết, bột chiên và 1.410 sản phẩm mỹ phẩm như son môi, chuốt mi; tổng trị giá hàng hoá vi phạm hơn 63 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Bình Dương: Bắt đối tượng tàng trữ khoảng 200kg pháo nổ trái phép
Ngày 23/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Dĩ An cho biết, đang tạm giữ đối tượng Đ.V.T. (31 tuổi, quê Thanh Hóa) để điều tra hành vi “Buôn bán hàng cấm”.
Theo đó, vào trưa 21/12/2024, lực lượng Công an TP.Dĩ An bắt quả tang đối tượng T. đang tàng trữ 15 cục pháo nổ trái phép (trọng lượng 20kg) tại khu vực một trạm xăng dầu thuộc phường An Bình, TP.Dĩ An.
Công an TP.Dĩ An khám xét nơi ở của đối tượng Đ.V.T., phát hiện, thu giữ nhiều cục pháo nổ trái phép
Qua đấu tranh, mở rộng và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của T. tại căn nhà không số, thuộc phường Tân Bình, TP.Dĩ An, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm nhiều cục pháo nổ trái phép. Tổng trọng lượng pháo nổ thu giữ khoảng 200kg.
Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Lai Châu: Xử phạt 01 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về điều kiện An toàn thực phẩm
Thực hiện Quyết định số 448/QĐ-QLTTLC ngày 31/10/2024 về việc ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên dán Ất Tỵ năm 2025 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu.
Vào hồi 9 giờ 20 phút ngày 08/12/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Công Chung có địa chỉ tại Xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Qua kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về điều kiện an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Công Chung với số tiền xử phạt là 6 triệu đồng./.
Bắc Giang: Xử phạt một hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu
Sáng 21/11/2024, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định xử phạt vi phạm một hộ kinh doanh trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike và không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hàng hóa.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tư, có địa chỉ tại số 176 đường Lê Lợi, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Công bố quyết định kiểm tra tại Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tư
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tư trưng bày để bán hàng hóa gồm 33 đôi giày thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, NIKE và không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hàng hóa. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu để giám định và tạm giữ hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nêu trên để thẩm tra, xác minh hành vi vi phạm của hộ kinh doanh.
Ngày 18/11, căn cứ hồ sơ vụ việc do Đội QLTT số 3 trình, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tư số tiền 27.500.000 đồng về hành vi vi phạm trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; đồng thời, buộc hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên có trị giá 26.050.000 đồng./.
Bắc Kạn: Xử phạt một hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội
Ngày 4/11/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền 6 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tổng giá trị 1,2 triệu đồng.
Qua quá trình theo dõi, thông tin đối tượng qua mạng xã hội facebook với tên Gia dụng Ha Son để bán hàng hóa là dép có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 29/10/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đột xuất kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Hộ kinh doanh BỐNG SHOP (có biển hiệu BỐNG SHOP), địa chỉ: Tổ 11, thị trấn Đống Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn do ông N.T.A làm chủ hộ kinh doanh.
Đoàn kiểm tra tại cơ sở kinh doanh
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh BỐNG SHOP đang trưng bày để bán 06 đôi dép gắn nhãn hiệu GUCCI có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu GUCCI đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Hàng hóa vi phạm có tổng trị giá: 1.200.000 đồng. Căn cứ Văn bản trả lời của tổ chức là đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu thì toàn bộ hàng hóa nêu trên là hàng giả mạo nhãn hiệu: GUCCI.
Tang vật vi phạm là dép giả mạo nhãn hiệu
Qua làm việc ông N.T.A chủ Hộ kinh doanh BỐNG SHOP đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 04/11/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh N.T.A do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là trưng bày để hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền XPVPHC là 6.000.000 đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có giá trị là 1.200.000 đồng.