Đăng nhập

Thái Nguyên thực hiện tiêu hủy hàng nghìn viên ma túy tổng hợp

Ngày 25/6, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên tổ chức tiêu hủy 25 bánh Heroin, hàng nghìn viên ma túy và nhiều tang vật trong 17 vụ án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, phần lớn liên quan đến tội phạm về ma túy.

Địa điểm tiêu hủy tại Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới, địa chỉ xã Mình Đức, Tp Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (xã Minh Đức, TP. Phổ Yên).

Cơ quan chức năng kiểm tra tang vật trước khi tiêu hủy

Số lượng tiêu hủy gồm: 25 bánh Heroin, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp cùng các vật dụng như dao, cân điện tử, túi nilon, áo khoác, lọ nhựa, găng tay - là tang vật trong 17 vụ án, liên quan đến các bị án như: Lò Văn Huy (7 bánh Heroin, 7 bì niêm phong có Heroin cùng vỏ bao mẫu); Đào Anh Tùng (18 bánh Heroin và 22 bì niêm phong có chứa Heroin cùng vỏ bao mẫu); Cà Văn Kiên (5.844 viên ma túy tổng hợp, 344,55 gam Heroin); Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Hiệp (gần 6.000 viên ma túy và chất bột trắng), cùng nhiều cá nhân khác như Lê Như Quỳnh, Vũ Đình Hào, Nguyễn Thanh Tuyền...

Công tác tiêu hủy đảm bảo đúng quy định và vệ sinh môi trường

Toàn bộ số ma túy và vật chứng được niêm phong theo quy định, sau đó xử lý bằng phương pháp chuyên dụng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và không gây ô nhiễm môi trường. Quá trình tiêu hủy được thực hiện công khai, đúng trình tự pháp luật.

Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân cảnh giác về thuốc giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế Việt Nam) đã đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân và các cơ sở kinh doanh dược phẩm phòng tránh thuốc giả, đặc biệt sau các vụ việc phát hiện thuốc giả quy mô lớn. Dưới đây là các khuyến cáo chính dựa trên thông tin từ các nguồn chính thống

Mua thuốc tại cơ sở uy tín: Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép hoạt động, có bảng hiệu rõ ràng và dược sĩ tư vấn. Tránh mua thuốc qua mạng xã hội, trang cá nhân không rõ danh tính, livestream, hoặc thuốc xách tay không có hóa đơn, chứng từ. Những kênh này có nguy cơ cao phát tán thuốc giả.

Kiểm tra thông tin thuốc: Người dân nên tra cứu thông tin thuốc trên Cổng Dịch vụ công của Cục Quản lý Dược để xác minh giấy phép lưu hành. Tất cả thuốc hợp pháp phải có giấy đăng ký lưu hành. Kiểm tra bao bì, nhãn mác, màu sắc, logo, hoặc mã vạch/mã QR trên vỏ hộp. Nếu mã không quét được hoặc thông tin không khớp, cần nghi ngờ thuốc giả. Yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc và làm cơ sở khiếu nại nếu phát hiện vấn đề.

Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc có giấy phép, tránh mua qua mạng xã hội hoặc nguồn không rõ ràng.

Cảnh giác với giá rẻ bất thường: Thuốc giả thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường để thu hút người mua. Nếu giá quá rẻ, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc.

Ngừng sử dụng và báo cáo ngay nếu nghi ngờ thuốc giả: Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường (màu sắc, hình dạng viên thuốc khác lạ, không có hiệu quả điều trị, hoặc gây tác dụng phụ bất thường), ngừng sử dụng ngay và báo cáo cho Sở Y tế, Cục Quản lý Dược, hoặc cơ quan Công an địa phương. Các cơ sở y tế cần niêm phong thuốc nghi ngờ giả, không tiếp tục sử dụng, và báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.

Tránh tự ý mua thuốc kê đơn: Không tự mua thuốc kê đơn hoặc thuốc điều trị bệnh nặng mà không có chỉ định của bác sĩ. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và kê đơn phù hợp.

Tăng cường quản lý và kiểm tra: Các cơ sở y tế, nhà thuốc cần rà soát quy trình mua sắm, cung ứng thuốc, đảm bảo chỉ lấy thuốc từ đơn vị kinh doanh hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Cục Quản lý Dược khuyến khích phối hợp với cơ quan truyền thông để cảnh báo rộng rãi về thuốc giả, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc và chất lượng thuốc. 

Lưu ý: Thuốc giả có thể gây nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe, như không đạt hiệu quả điều trị, gây tác dụng phụ, hoặc làm bệnh nặng thêm. Từ ngày 1-7-2025, theo Luật Dược sửa đổi, chỉ thuốc không kê đơn mới được bán online qua các sàn thương mại điện tử hợp pháp. 

Người dân cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng khi mua thuốc, và báo cáo ngay các trường hợp nghi ngờ để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Khởi tố đối tượng sản xuất 200.000 đôi bít tất giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Uniqlo

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can Nguyễn Văn Thiện (trú tại xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) về hành vi Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 4/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 19 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng dệt may tại khu đất dịch vụ thôn Văn Khê, xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, do Nguyễn Văn Thiện làm chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 3.450 đôi bít tất mang nhãn hiệu ADIDAS; 14.400 đôi bít tất nhãn hiệu NIKE; 2.100 đôi bít tất nhãn hiệu UNIQLO; 100kg (tương đương 1.500 đôi) bít tất rời, trên sản phẩm có gắn nhãn hiệu hình NIKE (chưa hoàn thành quá trình đóng gói sản phẩm).

Nguyễn Văn Thiện.

Cùng với đó là các loại máy móc, tem nhãn phục vụ cho việc sản xuất hàng giả, gồm: 10 máy dệt tất, 2 máy khâu đầu tất, 200 khuôn chân sấy (bằng kim loại) không nhãn mác, 21kg tem, nhãn nhãn hiệu ADIDAS; 48kg tem, nhãn nhãn hiệu NIKE Everyday; 10kg chỉ màu đen, 58kg sợi dệt màu trắng, 12kg chỉ màu đỏ, 40kg sợi dệt màu ghi xám, 40kg bao bì túi nilon.

Theo cơ quan chức năng, năm 2015, Thiện bắt đầu sản xuất bít tất tại Thôn Thế Trụ, xã Liệp Nghĩa, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Thời gian đầu, Thiện nhận gia công bít tất cho một số Công ty và sản xuất, buôn bán bít tất mang nhãn hiệu THIÊN DƯƠNG (thương hiệu THIÊN DƯƠNG đã được Nguyễn Văn Thiện đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ).

Nhiều máy móc phục vụ cho việc sản xuất hàng giả cũng bị thu giữ

Năm 2018, nhận thấy sản phẩm bít tất gắn nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, UNIQLO được ưa chuộng và tiêu thụ tốt trên thị trường nên Thiện đã mua máy dệt (có nguồn gốc nước ngoài). Đồng thời yêu cầu bên bán máy cài sẵn logo các nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, UNIQLO vào phần mềm điều khiển… để sản xuất bít tất nhãn hiệu này. Thiện cũng thuê 4 nhân viên để chạy máy, đóng gói, sản xuất bít tất giả mạo . Bên cạnh đó, tem, mác nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, UNIQLO được Thiện liên hệ và đặt in trôi nổi trên thị trường.

Các sản phẩm giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Uniqlo bị lực lượng chức năng thu giữ

Theo kết quả điều tra, từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Văn Thiện đã sản xuất và tiêu thụ ra thị trường khoảng 200.000 đôi bít tất giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, UNIQLO tổng trị hơn 240.000.000 đồng. Các sản phẩm chủ yếu được đổ buôn, tiêu thụ qua các sàn TMĐT, trang mạng xã hội, khu vực chợ vùng ven… với giá khoảng 4.500 - 5.000 đồng/đôi (chi phí sản xuất khoảng 3.500 – 4.000 đồng/đôi).

Hà Tĩnh: Thu giữ 116kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ

116 kg thịt lợn không có dấu kiểm dịch, không có giấy tờ hợp lệ vận chuyển từ địa bàn khác vào huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Vào khoảng 8 giờ ngày 12/5, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm gia súc, phòng chống dịch huyện Đức Thọ phát hiện ông Lê Văn Hùng (trú tại thôn Hồng Tân, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đang bày bán sản phẩm thịt lợn tại Tổ dân phố 5, thị trấn Đức Thọ.

116 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại thị trấn Đức Thọ.

Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện ông Lê Văn Hùng đang kinh doanh bán lẻ 116 kg thịt lợn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất xứ, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan chức năng cấp phép vận chuyển từ địa bàn khác vào địa bàn huyện Đức Thọ (vùng có dịch tả lợn Châu Phi).

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Thọ lập biên bản xử lý sự việc.

Sau khi kiểm tra chất lượng của sản phẩm thịt nói trên, cơ quan chức năng huyện Đức Thọ đã tiến hành lập biên bản vi phạm và bàn giao cho UBND thị trấn Đức Thọ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Bình: Phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 12kg cần sa

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá thành công một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, bắt giữ một đối tượng và thu giữ 12kg cần sa khô.

Ngày 16-4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình thông báo đơn vị đã phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ tư lệnh BĐBP, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, Công an TP Hà Nội và Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) triệt phá một đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Đối tượng bị bắt cùng tang vật 12 kg cần sa khô. 

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-4, các lực lượng chức năng đã bắt quả tang một đối tượng, thu giữ 12kg cần sa khô cùng các tang vật liên quan.

Đây là chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam với phương thức hoạt động tinh vi, chặt chẽ, chia thành nhiều giai đoạn. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Telegram, Zalo để liên lạc và điều hành quá trình vận chuyển, giao dịch ma túy. Cần sa khô được ngụy trang trong hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba, sau đó được ký gửi qua các phương tiện vận tải để đưa về Việt Nam.

Hiện tại, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đang phối hợp hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng

Ngày 21/3/2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Công văn số 1018/UBND-KT về việc triển khai thực hiện các biện pháp điều hành, bình ổn giá trên địa bàn thành phố năm 2025.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hoá dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào thời điểm cuối năm, các dịp Lễ, Tết. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.

Trong văn bản UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp tục chủ động nắm chắc thị trường, dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá, có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hoá thiết yếu, vật tư quan trọng, kiểm soát lạm phát, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Cung cấp thông tin chính xác, chính thống về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật.

Cà Mau: Hải đội Biên phòng phát hiện tàu cá vận chuyển hơn 25.000 lít dầu trái phép

Chiều 18-2, Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đang chỉ đạo Hải đội Biên phòng hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ xử lý một tàu cá vận chuyển trái phép dầu trên biển.

Trước đó, lúc 11 giờ, ngày 16-2, Hải đội Biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên biển, đến khu vực cách đảo Hòn Chuối (Cà Mau) khoảng 34 hải lý về hướng Tây Nam thì phát hiện tàu cá số hiệu KG 91565 TS, hành nghề hậu cần đánh bắt, do ông Hoàng Văn Lượm (thường trú tại ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 thuyền viên có dấu hiệu nghi vấn.

Tàu cá chứa dầu trái phép. 

Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra tàu cá và phát hiện trên tàu có nhiều hầm chứa chất lỏng màu vàng nhạt, có mùi dầu.

Hải đội Biên phòng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau kiểm tra tàu cá chứa dầu trái phép.   

Qua làm việc, ông Hoàng Văn Lượm khai nhận số chất lỏng màu vàng nhạt trên là dầu diesel (số lượng hơn 25.000 lít), mua từ một tàu lạ trên biển, để bán cho các tàu cá của Việt Nam kiếm lời, nhưng không có hóa đơn, chứng từ.

Tổ tuần tra tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc và đưa người, tàu cá, tang vật về Hải đội Biên phòng tiếp tục điều tra, làm rõ và báo cáo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo, xử lý.

Kon Tum: Thu giữ hơn 354 kg cá tầm đông lạnh không rõ nguồn gốc 

Ngày 23/1/2025, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra, lập biên bản và thu giữ hơn 354 kg cá tầm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại một hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Theo đó, khoảng 17 giờ 30 ngày 21/1, Đội Quản lý Thị trường số 1 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum và Công an huyện Kon Plông tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Hộ kinh doanh H.T.P (thị trấn Măng Đen).

Số cá tầm không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này đang kinh doanh thực phẩm là cá tầm đông lạnh nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.

Đây là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ để xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; không có thông tin thể hiện trên bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo; không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.

Ông H.T.P, chủ hộ kinh doanh cho biết, số cá tầm đông lạnh này được mua trôi nổi trên thị trường và gửi từ Hà Nội vào. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Ông P. cũng thừa nhận hành vi vi phạm và khẳng định chưa bán sản phẩm ra ngoài thị trường.

Lực lượng chức năng xác định Hộ kinh doanh H.T.P đã có hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, niêm yết và thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm là hơn 354 kg cá tầm đông lạnh, tổng giá trị gần 71 triệu đồng.

Thái Nguyên: Phát hiện, xử lý gần 2.400 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm nhập lậu

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Đội QLTT số 2 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cụ thể, ngày 05/01/2025, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh của ông Đ.T.H, địa chỉ: phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, địa điểm kinh doanh của ông Đ.T.H chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh trên đang kinh doanh số lượng lớn hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có mã vạch thể hiện nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và được xác định là hàng hóa nhập lậu gồm 968 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn như nước sốt gia vị, bánh trứng, các loại mứt tết, bột chiên và 1.410 sản phẩm mỹ phẩm như son môi, chuốt mi; tổng trị giá hàng hoá vi phạm hơn 63 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.