Đăng nhập

Hà Giang: Xử phạt 15 triệu đồng hộ kinh doanh gắn mác siêu thị

Ngày 27/9/2024 Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 – Cục QLTT tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng hộ kinh doanh vi phạm quy định về biển hiệu siêu thị và mặt hàng ghi trong giấy phép bán lẻ thuốc lá.

Ngày 27/9/2024 Đội Quản lý thị trường số 3 thực hiện kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh C, địa chỉ tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Kết quả kiểm tra: Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh C sử dụng biển hiệu tên gọi là “Siêu Thị” không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24-9-2004 của Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, cụt hể: hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh C có diện tích thực tế là 240m2; Danh mục hàng hóa kinh doanh: dưới 1.500 tên hàng; Không có nơi bảo quản hành lý cá nhân, không có các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, giao hàng tận nhà. Ngoài ra Đội QLTT số 3 phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh C đang kinh doanh mặt hàng thuốc lá điếu không đúng mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.

Đoàn kiểm tra công bố QĐ kiểm tra

Cùng ngày Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh C, địa chỉ tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang với số tiền 15 triệu đồng đối với 02 hành vi vi phạm: Kinh doanh không đúng mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp; Đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là siêu thị mà không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

Hải Dương: Tiêu huỷ lô mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 6/8/2024, Cục Quản lý thị trường Hải Dương thông tin vừa phát hiện và buộc tiêu hủy một lô hàng mỹ phẩm nhập lậu.

Theo đó, một đơn vị nghiệp vụ của Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã phát hiện và buộc tiêu hủy một lô mỹ phẩm nhập lậu có giá trị gần 36 triệu đồng.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, ngày 30/7, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh N.T.H (ở phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương).

Lô mỹ phẩm bị buộc tiêu huỷ.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang buôn bán 262 sản phẩm là mỹ phẩm nhập lậu gồm: sữa dưỡng ẩm và chống nắng, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc.

Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Sở Y tế Hải Dương xác định toàn bộ số mỹ phẩm trên không đảm bảo an toàn sử dụng.

Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy số mỹ phẩm nhập lậu có trị giá gần 36 triệu đồng nói trên.

Theo Cục Quản lý thị trưởng Hải Dương, việc tiêu hủy lô hàng phải đảm bảo triệt để, an toàn, không gây hại đến môi trường, vật nuôi, cây trồng và sức khỏe con người dưới sự giám sát của lực lượng chức năng.

Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do hộ kinh doanh chi trả.

Bình Thuận: Xử phạt 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm do không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán

Ngày 11 tháng 7 năm 2024 - Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục QLTT tỉnh Bình Thuận) cho biết đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn vì đã vi phạm hành vi buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành kiểm tra và xác định 3 cơ sở kinh doanh phân bón đã vi phạm quy định này.

Cụ thể, các cơ sở vi phạm đã bị xử phạt tổng số tiền 37.500.000 đồng. Ngoài ra, các cơ sở này cũng được yêu cầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm như thu hồi hàng hóa vi phạm, niêm yết giá bán phân bón, báo cáo hoạt động kinh doanh theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 2 cũng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo kinh doanh đúng quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thị trường phân bón lành mạnh.

Tiền Giang: Xử phạt 02 doanh nghiệp vi phạm trong thiết lập website thương mại điện tử bán hàng

Với hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã xử phạt 02 doanh nghiệp này số tiền 60.000.000 đồng.

Thông qua công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tiến hành theo dõi hoạt động của 02 trang website thương mại điện tử bán hàng và thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin liên quan về địa điểm, đối tượng… xác định có dấu hiệu vi phạm.

Sau đó, trong ngày 02 và 07/5/2024, Đoàn kiểm tra của Đội tổ chức kiểm tra đột xuất tại 02 địa điểm kinh doanh của 02 doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Kết quả, cả 02 doanh nghiệp này đều có cùng hành vi vi phạm là thiết lập website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng, thanh toán trực tuyến để kinh doanh phân bón, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công Thương) trước khi bán hàng.

Qua làm việc, các doanh nghiệp đều thừa nhận hành vi vi phạm. Đội QLTT số 3 lập Biên bản vi phạm hành chính và ngày 10, 16/5/2024 Đội trưởng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên, tổng số tiền thu phạt 60.000.000 đồng.

Trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 3 cũng đã tuyên truyền trực tiếp, giải thích, phát tờ gấp hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu

Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành giám sát tiêu hủy hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Sáng ngày 26/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành giám sát tiêu hủy hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các sản phẩm này bao gồm mũ lưỡi trai, mũ rộng vành, và dép của các thương hiệu như adidas, MLB, BALENCIAGA, PUMA, NIKE, adidas, LOUIS VUITTON.

Ông Vũ Thái Bình đang thực hiện tiêu huỷ tang vật vi phạm

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành bởi Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình. Sự kiện tiêu hủy được tổ chức tại trụ sở của Đội Quản lý thị trường số 5, dưới sự giám sát chặt chẽ của các đại diện từ các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình.

Ông Vũ Duy Chinh thực hiện việc tiêu huỷ tang vật vi phạm

Tổng trị giá của các sản phẩm vi phạm bị tiêu hủy lên đến hơn 56 triệu đồng. Việc tiêu hủy này được thực hiện bởi ông Vũ Thái Bình và ông Vũ Duy Chinh - hai cá nhân có liên quan đến việc vi phạm, dưới sự hướng dẫn của Đội Quản lý thị trường số 5.

Hành động này nhấn mạnh vào quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán sản phẩm giả mạo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sự công bằng trong hoạt động thương mại.

An Giang: Tạm giam 2 đối tượng vận chuyển 5.000 bao thuốc lá lậu

Trước đó, khoảng 2 giờ, ngày 8/1/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu An Giang tổ chức mật phục trên cánh đồng thuộc khóm Phú Tâm, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, phát hiện 3 đối tượng đang đai vác nhiều bao nilon đi từ hướng Campuchia về Việt Nam.  

Nghi vận chuyển hàng lậu, khi các đối tượng vận chuyển hàng lên xuồng máy chờ sẵn dưới kênh Ông Hai, Tổ công tác đã truy đuổi và bắt giữ được 1 đối tượng, còn đối tượng điều khiển xuồng máy và 2 đối tượng đai vác lợi dụng đêm tội bỏ chạy về hướng Campuchia.

Kiểm tra tại hiện trường, Tổ công tác phát hiện bên trong các bao nilon do các đối tượng bỏ lại có chứa 5.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại và 360 hũ nước yến nhãn hiệu nước ngoài.

Tang vật vụ việc.

Làm việc với Cơ quan chức năng, đối tượng bị bắt giữ khai tên Nguyễn Văn Linh (sinh ngày 1994, trú tại phường An Phú, thị xã Tịnh Biên), đồng thời thừa nhận toàn bộ số hàng nhập lậu trên là vận chuyển thuê cho người khác.

Biết không thể trốn thoát, sau đó, Trịnh Văn Lợi (sinh năm 1985, trú tại phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên) là chủ của số hàng nhập lậu trên và 5 đối tượng khác có liên quan đã đến cơ quan Công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định tạm giữ hình sự 2 đối tượng, tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng khác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử phạt một doanh nghiệp có hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, bột, đường, bánh kẹo, nguyên liệu sản xuất bánh kẹo…phục vụ cao điểm lễ tết, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Ngày 04/01/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT TP.HCM đã phối hợp với Công an Phường 3, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty G.N.S, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đang kinh doanh hàng hóa là nguyên liệu sản xuất bánh kẹo các loại, trong đó có 200kg hạt mắc ca không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trị giá tang vật vi phạm là 44.000.000 đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, lập hồ sơ chuyển về Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xử lý theo thẩm quyền. Với hành vi này, ngày 11/01/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt công ty G.N.S với số tiền là 70.000.000 đồng, buộc Công ty thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy toàn bộ 200kg mắc ca.