Đăng nhập

Đồng Nai: Phát hiện cơ sở chế biến mỡ, da động vật trái phép

Công an huyện Thống Nhất vừa lập hồ sơ xử phạt một cơ sở chế biến mỡ, da động vật trái phép tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất).

Ngày 30/9, qua công tác nắm bắt địa bàn, Công an huyện Thống Nhất đã phát hiện cơ sở chế biến mỡ, da động vật hoạt động trái phép do Nguyễn Minh Lợi (SN 1978; ngụ ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) làm chủ.

Hình ảnh mỡ động vật và nơi chế biến mỡ tại cơ sở. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại sàn nhà có 715kg mỡ động vật, 633kg da trâu, 171kg tóp mỡ thành phẩm, 07 thùng phi chứa nước mỡ (mỗi thùng 150 lít, tổng cộng 1050 lít).

Tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển số 60H-024.02, phát hiện trong thùng xe có 458kg mỡ động vật (mỡ lợn).

Qua làm việc, chủ cơ sở không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất và nguồn gốc hàng hoá.

Hiện, Công an huyện Thống Nhất đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Kiên Giang: Kiểm tra, tạm giữ 140 chai LPG không thuộc sở hữu của doanh nghiệp

Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ 140 chai LPG (loại 12kg), nhãn hiệu DUY PHAT có dấu hiệu trao đổi, lưu giữ, thu gom chai LPG không thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Ngày 17/9, tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang cho biết, qua tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí (LPG), Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã phân công công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành thẩm tra, xác minh và ban hành phương án kiểm tra đột xuất đối với một doanh nghiệp kinh doanh mua bán trên địa bàn huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang).

Kết quả kiểm tra ban đầu, đoàn kiểm tra phát hiện tại doanh nghiệp đang lưu giữ 140 chai LPG (loại 12kg), nhãn hiệu DUY PHAT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra doanh nghiệp có sai phạm.

Thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp chưa xuất trình được hợp đồng, hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hoá.

Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên, tiếp tục xác minh, để xử lý theo quy định pháp luật.

Bạc Liêu siết chặt quản lý kinh doanh thuốc lá

Mặc dù các quy định về kinh doanh thuốc lá đã được siết chặt, nhưng mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong quá trình kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh thuốc lá trên địa bàn huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi.

Cụ thể, trong đợt kiểm tra định kỳ năm 2024, 100% số cơ sở kinh doanh thuốc lá được kiểm tra đều mắc các lỗi như trưng bày quá số lượng quy định của một nhãn hiệu thuốc lá, không niêm yết giá hoặc không có biển báo cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Điều này cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của một số cơ sở kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở 

Trước những vi phạm trên, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản và xử phạt hành chính đối với 3/4 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền 10.750.000 đồng. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn đã được chuyển lên cấp trên để xử lý.

Hình ảnh tại cơ sở kinh doanh

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thời gian tới, Đội QLTT số 2 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng và cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật.

Bộ Y tế thu hồi mỹ phẩm Ginseng Beauty Cream không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Ngày 6/8/2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm mỹ phẩm Ginseng Beauty Cream (Nhãn hàng Beaumore) trên toàn quốc.

Lý do thu hồi là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn thủy ngân theo quy định.

Sản phẩm bị thu hồi có các thông tin chi tiết như sau:

Tên sản phẩm: Ginseng Beauty Cream (nhãn hàng Beaumore); quy cách đóng gói: hộp 1 lọ 20g; số lô: ARM24; ngày sản xuất: 03/03/2024; hạn sử dụng: 03/03/2027; số công bố: 000360/24/CBMP-HCM; đơn vị đóng gói và phân phối: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Khang Thịnh (địa chỉ: 30/110 Đỗ Nhuận, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh).

Sản phẩm Ginseng Beauty Cream. 

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng. Đồng thời tiến hành thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Khang Thịnh phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm; tiếp nhận sản phẩm trả lại và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định. Công ty cần gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy về Cục Quản lý Dược trước ngày 5/9/2024.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH xuất nhập khẩu Khang Thịnh trong việc chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm, giám sát quá trình thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, xử lý vi phạm theo quy định và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/9/2024.

Lào Cai: Bắt quả tang hơn 8 tấn trứng gia cầm nhập lậu

Ngày 6/8/2024, thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, đơn vị vừa phát hiện bắt giữ lô hàng hóa hơn 8 tấn trứng gia cầm non đông lạnh nhập lậu trị giá hơn 700 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 3/8, tại điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung 13BBC09 thuộc địa bàn thành phố Lào Cai, Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện một lô hàng lớn chứa hơn 8 tấn trứng gia cầm non đông lạnh được vận chuyển trái phép.

Hộp xốp đựng trứng gà non đông lạnh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định lô hàng này thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên nông sản 1986, do ông Nguyễn Danh Ba làm giám đốc. Toàn bộ số trứng gia cầm trên được đóng gói cẩn thận trong các hộp xốp và được giấu kín trong xe tải, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Mỗi hộp xốp đựng khoảng 40 kg trứng gà non đông lạnh.

Đáng chú ý, lô hàng này không được khai báo hải quan đúng quy định về số lượng, chủng loại hàng hóa. Thay vào đó, số trứng gia cầm đã được "ghép" chung với các loại hàng hóa khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển trái phép.

Trước hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ lô hàng và các phương tiện vận chuyển liên quan. Đồng thời, đơn vị này cũng đã báo cáo vụ việc lên Cục Hải quan Lào Cai, Văn phòng Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng Tháp: Xử phạt hộ kinh doanh buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội

Ngày 24/7/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp thông tin cho biết, đã tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh HT 7 tại xã An Long, huyện Tam Nông do bà T.T.P làm chủ kinh doanh vì vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội Facebook.

Đội QLTT số 4 đang kiểm tra hàng hóa tại cơ sở

Cụ thể, ngày 22 tháng 7 năm 2024, qua theo dõi hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa trên nền tảng Facebook, Đội QLTT số 4 đã phát hiện Hộ kinh doanh HT 7 đang thực hiện livestream bán các mặt hàng quần áo may sẵn. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp nào để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 390 sản phẩm quần áo may sẵn đang bày bán, với tổng giá trị gần 42 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt Hộ kinh doanh HT 7 số tiền 17,5 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ tang vật vi phạm cũng bị tạm giữ và tịch thu theo quy định.

Ninh Thuận: Liên tiếp triệt phá các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử và phụ kiện nhập lậu qua mạng xã hội

Ngày 12 tháng 7 năm 2024 - Thông tin từ Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Thuận cho biết vừa liên tiếp kiểm tra, xử lý hai cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử và phụ kiện nhập lậu trên địa bàn, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm.

Trước đó, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện hai cơ sở kinh doanh trên có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện hàng loạt sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, tại cơ sở của ông N-V-M, lực lượng chức năng thu giữ 170 máy hút thuốc lá điện tử, 810 hộp tinh dầu thuốc lá điện tử và 21 hộp đầu lọc thuốc lá điện tử, tổng giá trị hàng vi phạm là 67.600.000 đồng. Đối với cơ sở của ông N-V-T, số lượng sản phẩm thu giữ là 52 máy hút thuốc lá điện tử, 140 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử và 120 chai tinh dầu thuốc lá điện tử, với tổng giá trị 27.440.000 đồng.

Chủ các cơ sở khai nhận đã mua số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường qua mạng internet, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt mỗi cơ sở 25 triệu đồng và 8 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng vi phạm.

Bắc Ninh: Xử lý 183 vụ vi phạm các quy định về kinh doanh

Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; an toàn vệ sinh thực phẩm...

6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 183 vụ vi phạm quy định trong lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, vi phạm chủ yếu về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã lập biên bản phạt hành chính những trường hợp vi phạm gần 3,14 tỉ đồng; bán hàng tịch thu hơn 1,76 tỉ đồng; tịch thu, tiêu hủy và buộc tiêu hủy hàng hóa không có giá trị sử dụng trị giá hơn 8,3 tỉ đồng; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý ước trị giá hơn 1,38 tỉ đồng.

Chuyển giao sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 4 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,89 tỉ đồng.

Ngoài ra, cán bộ Cục Quản lý thị trường trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật trong kinh doanh, dịch vụ thương mại; ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… với hơn 810 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trong tỉnh.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường Bắc Ninh tiếp tục huy động, bố trí tối đa lực lượng tăng cường, tuần tra, kiểm soát, về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu rộng đến người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hàng hóa.

Nghệ An: Xử phạt gần 20 triệu đồng cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 12/6, Cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một cơ sở kinh doanh đang bày bán 102 sản phẩm mỹ phẩm (dầu dưỡng tóc) không rõ nguồn gốc với tổng thu phạt đạt gần 20 triệu đồng.

Cụ thể, vào ngày 10/6/, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 – Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, do do bà L.T.H. làm chủ.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở kinh doanh của trên đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, do do bà L.T.H. làm chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 102 sản phẩm mỹ phẩm (dầu dưỡng tóc) nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho toàn bộ số hàng hóa trên.

Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H., đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 102 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc với tổng giá trị gần 20 triệu đồng.

Đây là hành vi vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa, đã bị lực lượng QLTT tỉnh Nghệ An xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Thu giữ 1.600kg bì lợn không rõ nguồn gốc

Tại thời điểm kiểm tra, trên thùng xe có 30 bao tải chở bì lợn nhưng lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được hóa đơn liên quan đến số hàng hóa trên.

Ngày 23/5, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Thanh Hóa phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phát hiện, lập biên bản thu giữ 1.600kg thực phẩm không rõ nguồn gốc trên xe ô-tô biển kiểm soát 34C-358.64.

Số bì heo được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thu giữ.

Theo đó, qua kiểm tra xe ôtô BKS 34C-358.64 do Nguyễn Đăng Hoàng (SN 1989; ngụ xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) điều khiển, lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe ôtô có 30 bao tải chở bì heo, có trọng lượng 1,6 tấn.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Hoàng là lái xe kiêm chủ hàng đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn gì liên quan đến số hàng hóa trên. Theo người đàn ông này, toàn bộ số bì heo trên do ông mua và thu gom từ Hải Dương vào Thanh Hóa tiêu thụ.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác minh, làm rõ.