Đăng nhập

Bắc Giang: Bắt đối tượng vận chuyển pháo trái phép

Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện, bắt một đối tượng vận chuyển trái phép 12 kg pháo hoa nổ. 

Cụ thể, quá quá trình tuần tra, kiểm soát, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Công an huyện Lạng Giang, Công an xã Đào Mỹ phát hiện đối tượng N.V.K, trú tại xã Đào Mỹ vận chuyển trái phép pháo hoa nổ. Tang vật thu giữ 12 kg nghi là pháo hoa nổ. 

Tang vật thu được.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng công an thu giữ 2 bệ nghi là pháo hoa nổ.

Tại cơ quan công an, đối tượng N.V.K khai nhận vận chuyển số pháo hoa nổ trên đi bán tại khu vực xã Đào Mỹ thì bị kiểm tra, bắt giữ. 

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh  tiếp tục phối hợp với Công an huyện Lạng Giang điều tra xử lý theo quy định.

Phát hiện xưởng sản xuất, làm giả tất "hàng hiệu" tại Hà Nội

Khoảng 14h ngày 26/12, Đội quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp vơi đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Đông Anh đã kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại địa bàn thôn Đại Vĩ xã Liên Hà huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị này đang sản xuất các mặt hàng tất chân mang nhãn hiệu Nike, bên cạnh đó cũng xuất hiện số lượng lớn phôi tất trơn cùng thành phẩm là tất chân mang logo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Mizuno, Uniqlo... cùng số lượng lớn tem nhãn và bao bì đóng gói sản phẩm mang logo các thương hiệu kể trên. Cùng với đó, đơn vị này không xuất trình được bất cứ giấy phép nào chứng minh được phép sản xuất các mặt hàng trên.

Bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng bước đầu xác định đơn vị này có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu. Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ thêm.

Phát hiện kho sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, TPCN giả với số lượng lớn tại Hà Nội

Vào khoảng 12h ngày hôm nay 26/12, Đội quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp vơi đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tiến, địa chỉ thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. 

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh này đang sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả, nhái lại các thương hiệu nước ngoài với quy mô lớn và không có giấy phép kinh doanh.

Theo đó, lực lượng chức năng xác định hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tiến sản xuất và kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, hàng nhái. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra, làm rõ.

Long An: Tiêu hủy hơn 23.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Vừa qua, VKSND thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) vừa tiến hành kiểm sát việc tiêu hủy hơn 23.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Hội đồng tiến hành tiêu hủy hơn 23.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kiến Tường tổ chức tiêu hủy vật chứng cùng với sự có mặt của các thành viên Hội đồng gồm: Đại diện Công an Thị xã, Phòng Tài chính – Kế hoạch Thị xã và sự tham gia kiểm sát của VKSND thị xã Kiến Tường; cùng sự chứng kiến của hàng chục người dân.

Sau khi công bố quyết định tiêu hủy vật chứng, Hội đồng tiến hành kiểm đếm và tiêu hủy với số lượng 23.100 bao thuốc lá điếu nhập lậu với các nhãn hiệu như Hero, Jet, 555, Scott.

Buổi tiêu hủy được tiến hành đúng quy trình, thủ tục nhờ sự phối hợp của các thành viên, các lực lượng an ninh, đảm bảo công tác tiêu hủy diễn ra thuận lợi, an toàn và thành công tốt đẹp.

Cà Mau: Bắt giữ tàu chở hơn 20 nghìn lít dầu lậu trên biển

Ngày 29-11, Thiếu tá Bùi Thanh Vạn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Khánh Hội (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết: Đơn vị đang điều tra, làm rõ và đề xuất các hình thức xử lý 1 tàu chở hơn 20 nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ mới bị đơn vị phát hiện bắt giữ trên vùng biển tỉnh Cà Mau.

Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tàu nghi vấn. 

Trước đó, chiều tối ngày 28-11, trong khi đang tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, khi đến khu vực vùng biển cách cửa biển Khánh Hội khoảng 15 hải lý về hướng Tây, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Khánh Hội phát hiện tàu đánh cá KG 93262 TS do ông Ngô Thành Tâm, sinh năm 1964 (ngụ số 52B Nguyễn Văn Kiến, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Khánh Hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau niêm phong các khoang chứa dầu. 

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên tàu có nhiều khoang hầm chứa chất tinh thể lỏng có mùi dầu và nhiều dụng cụ dùng bơm hút dầu như: Máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn dùng để bơm hút dầu. Lực lượng làm nhiệm vụ đưa người, phương tiện về cửa biển Khánh Hội điều tra làm rõ.

Làm việc với cán bộ điều tra Đồn Biên phòng Khánh Hội, ông Ngô Thành Tâm khai nhận, phương tiện KG 93262 TS ông thuê lại của người khác; đăng ký hoạt động nghề giã cào, nhưng ra biển ông tự cải hoán các khoang hầm, trang bị máy bơm để mua bán dầu không rõ nguồn gốc trên biển. Mỗi lít dầu bán lại ông Tâm thu lời từ 900 đồng đến 1.000 đồng.

Hiện vụ việc đang được Đồn Biên phòng Khánh Hội điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Sẽ bị thu hồi giấy phép nếu nhiều lần vi phạm về quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tin tức từ Bộ Tài chính cho biết bộ này vừa có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu nghiêm túc thực hiện, chịu trách nhiệm quản lý, trích lập sử dụng và công bố công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định.

Bộ Tài chính yêu cầu công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định. 

Đề nghị các thương nhân đầu mối thực hiện rà soát, cập nhật số tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tên ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, số tài khoản, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu, báo cáo điều chỉnh, bổ sung số liệu quỹ bình ổn và chịu trách nhiệm nội dung được báo cáo, gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Yêu cầu thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin nội dung báo cáo. Nếu vi phạm doanh nghiệp đầu mối sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Vi phạm nhiều lần sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối.

Cảnh sát biển bắt giữ tàu chở 80.000 lít dầu không rõ nguồn gốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Một tàu cá chở lượng lớn dầu diesel (DO) không có nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ.

Tàu cá vi phạm bị dẫn giải về cảng Hải đội 301 tại Vũng Tàu. Ảnh: CSB3

Ngày 24.10, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 thông báo về việc bắt giữ một tàu cá vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu diesel (DO) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, không có tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Sự vi phạm này đang được lực lượng chức năng xem xét và tiến hành xử lý.

Sự vi phạm này được phát hiện vào khoảng 5 giờ sáng ngày 23.10, khi lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đang tiến hành tuần tra kiểm soát tại khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý về phía Đông. Tàu mang số hiệu TG-90297.TS đã thu hút sự chú ý của các thành viên lực lượng chức năng do có dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng chức năng lấy mẫu hàng hóa trên tàu. Ảnh: CSB3

Trên tàu TG-90297.TS, có tổng cộng 4 thuyền viên, và ông Nguyễn Văn Bường, là thuyền trưởng của tàu (sinh năm 1972, quê Tiền Giang), đã thừa nhận rằng tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu diesel (DO), nhưng không thể xuất trình chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa này.

Do sự vi phạm trên, lực lượng chức năng đã lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm, đồng thời đã dẫn giải tàu TG-90297.TS về cảng Hải đội 301 tại TP Vũng Tàu để tiếp tục tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Quản lý thị trường: Sứ mệnh phòng, chống vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng

Lực lượng Quản lý thị trường đã hoàn thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ thị trường và nguồn thu ngân sách. Theo Báo cáo số 549/BC-CP của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 10/2023, họ đã phát hiện và xử lý tổng cộng 112.930 vụ vi phạm. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo sự công bằng và hợp pháp trong hoạt động kinh doanh, mà còn đảm bảo nguồn thu ngân sách trung ương và địa phương.

Ngoài việc xử lý các vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường còn đã thu nộp ngân sách gần 1.157 tỷ đồng. Sự nỗ lực này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đảm bảo nguồn tài chính để phục vụ cộng đồng. Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp của họ trong việc duy trì ổn định ngân sách và đảm bảo phát triển bền vững.

Ngoài việc xử lý các vi phạm và đảm bảo thu ngân sách, lực lượng Quản lý thị trường còn tham gia tích cực vào việc quản lý địa bàn, xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Họ tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, và các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá để đầu cơ hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hoá bất hợp lý.

Vai trò của lực lượng Quản lý thị trường không chỉ là thực hiện công vụ mà còn là thường trực hoặc thành viên của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh. Họ duy trì công tác tham mưu và đề xuất với UBND và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp này cùng với việc tổ chức giám sát 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng trên địa bàn các tỉnh đã tạo ra sự hiệu quả đáng kể.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong khu vực và các lực lượng chức năng tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm. Đặc biệt, họ sẽ tập trung vào việc xử lý các đối tượng đầu nậu, các kho, bãi lớn tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, và vi phạm an toàn thực phẩm.

Ngoài việc xử lý vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi và kịp thời về hoạt động kiểm tra, kiểm soát, và xử lý vi phạm của họ. Mục tiêu là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng, tự giác chấp hành các chủ trương và chính sách của nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Xử lý 24 vụ vi phạm về mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 34 vụ việc, xử lý 24 vụ vi phạm với 27 hành vi về mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).  

Theo đó, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 146 triệu đồng, hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm 52 LPG chai (có gas) các loại giả mạo nhãn hiệu Petrolimex, PetroVietnam Gas có trị giá hơn 37 triệu đồng.

Cục QLTT tiêu hủy LPG chai giả mạo nhãn hiệu và không đạt chất lượng.

Cục trưởng Cục QLTT Vũ Quang Thắng cho biết, để các hoạt động kinh doanh LPG được thực hiện đúng quy định, thời gian qua, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn; kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng kinh doanh khí nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nhất là đối với các hành vi kinh doanh khí giả mạo nhãn hiệu; chiếm giữ, chiếm dụng vỏ chai LPG trái quy định; lưu thông chai LPG quá hạn kiểm định… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng kinh doanh LPG chai nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí.

Thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Cục QLTT Phú Yên tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm trị giá trên 950 triệu đồng

Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng, bao gồm Sở Tài chính, Công an, và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, để tiến hành kiểm kê và tiêu hủy 299 mặt hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu. Những mặt hàng này bao gồm đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng và nhiều loại hàng hóa khác như giày, dép, quần áo, và kính mắt, đều là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, và không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường.

Đây là kết quả của việc thực hiện Quyết định số 113/QĐ-QLTTPY và Quyết định số 121/QĐ-QLTTPY ngày 07/8/2023 và 30/8/2023 của Cục Quản lý thị trường Phú Yên, về việc phê duyệt Phương án xử lý tài sản là tang vật và phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Theo đó, ngày 05/10/2023, tại kho của Cục Quản lý thị trường Phú Yên, Hội đồng kiểm kê phối hợp cùng với các sở, ngành như Sở Tài chính, Công an (Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiến hành kiểm kê toàn bộ 299 mục hàng hóa với tổng giá trị hàng hóa lên đến 950,5 triệu đồng.

Tiếp theo, vào ngày 06/10/2023, tại Nhà máy tái chế và xử lý chất thải nguy hại (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh (đơn vị được thuê thực hiện việc tiêu hủy) đã tiến hành tiêu hủy tất cả số hàng hóa trên đúng quy trình và quy định, dưới sự giám sát của Hội đồng kiểm kê và tiêu hủy.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã phối hợp với các ngành tổ chức tiêu hủy trên 1.000 mặt hàng hóa với tổng giá trị gần 6,5 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của cơ quan này trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự trong sạch, công bằng trên thị trường.