Đăng nhập

Hưng Yên: Tiêu hủy hơn 5 nghìn gói Mặt nạ dưỡng ẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 14/10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2 đã buộc tiêu hủy toàn bộ số mặt nạ dưỡng ẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, ngày 02/10/2024, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện tại địa bàn thôn Cẩm Bối, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có xe ô tô tải Biển kiểm soát 89C-04x.xx đang dừng đỗ, bốc xếp hàng hoá là mặt nạ dưỡng ẩm, trên bao bì không ghi nơi sản xuất, nước sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế và ma tuý - Công an huyện Khoái Châu tiến hành khám ô tô tải Biển kiểm soát 89C-04x.xx do ông T.T.V, địa chỉ: Thôn Bối Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên điều khiển. 

Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, phát hiện hàng hóa là: 5.600 gói Mặt nạ dưỡng ẩm HYDROLYZED COLLAGEN B5 loại 30ml/gói, trên bao bì không ghi nơi sản xuất, nước sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hoá trên để xác minh làm rõ.

Quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 2 xác định ông T.T.V có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt đối với ông T.T.V, số tiền phạt VPHC là: 12.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số mặt nạ dưỡng ẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá 19.495.000 đồng.

Ngày 09/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã giám sát ông T.T.V thực hiện việc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp & môi trường Việt Nam.

Hưng Yên: Tạm giữ hơn 9,3 tấn vải cuộn có dấu hiệu nhập lậu

Ngày 27/9/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định đối với vụ việc mua bán hàng hóa là 9.390 kg vải cuộn có dấu hiệu nhập lậu.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Hưng Yên, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 – 2025 của Cục QLTT tỉnh Hưng Yên; trong 02 ngày 18-19/9/2024, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội 3, Phòng PC03 tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải BKS 89C-059.11 do ông Đỗ Viết Khang, sinh năm 1997, trú tại Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định điều khiển.

Lực lượng chức năng tiến hành khám phương tiện vận tải (

Kết thúc quá trình khám, đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có tổng số 9.390 kg vải cuộn các loại, trên nhãn hàng hóa thể hện bằng chữ nước ngoài, trong đó có dòng chữ “Made in China”.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Khang không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển trên xe, đồng thời ông cho biết mình chỉ chở hàng thuê. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Kết quả xác minh, xác định người thuê ông Khang vận chuyển số vải nói trên là bà Nguyễn Thị Ngoan, sinh năm 1987, nơi ở hiện tại: TT Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Về nguồn gốc, xuất xứ của số vải này, làm việc với Đội QLTT số 5 bà Ngoan cho biết mua của một doanh nghiệp chuyên gia công sản phẩm may mặc trên địa bàn huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hàng hóa do nước ngoài sản xuất, quá trình mua bán không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã báo cáo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Hưng Yên và Quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật của vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng PC03), Công an tỉnh Hưng Yên để tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Long An: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 4kg ma túy đá  

Ngày 16/9, thông tin cho biết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) phối hợp lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển 4kg ma túy bằng xe máy.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh tội phạm, vào lúc 1 giờ 40 phút, ngày 12/9/2024 tại khu vực cột mốc 187 thuộc ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, lực lượng Bộ đội Biên phòng Long An gồm: (Phòng PCMT&TP và Đồn BPCK Mỹ Quý Tây) chủ trì phối hợp Đoàn 3/Cục PCMT&TP phát hiện đối tượng có nhiều nghi vấn đang lưu thông bằng xe máy Vision biển kiểm soát 77L2-254.87.

Đối tượng Huy bị bắt giữ

Lực lượng tiến hành kiểm tra và bắt quả tang đối tượng Trịnh Quốc Huy (30 tuổi), thường trú huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đang vận chuyển 5 túi nylon có chứa 4kg tinh thể màu trắng nghi ma túy.

Kết quả xác định của cơ quan chức năng đó là ma túy.

Qua khai thác nhanh đối tượng Trịnh Quốc Huy khai nhận số ma tuý trên vận chuyển thuê cho một người quen ở Ba Vet, Svay Rieng/Campuchia (chưa xác định được nhân thân, lai lịch của đối tượng thuê vận chuyển) với tiền công 5 triệu đồng.

Tang vật ma túy bị thu giữ

Sau khi bắt giữ đối tượng, lực lượng đấu tranh chuyên án phối hợp Công an tỉnh Long An, Công an huyện Đức Huệ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, điều tra mở rộng vụ án để làm rõ, bóc gỡ đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn biên giới huyện Đức Huệ, tỉnh Long An về TP.HCM tiêu thụ./.

Đà Nẵng: Phát hiện gần 3.300 sản phẩm bánh kẹo nhập lậu

Ngày 29/8/2024, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng cho biết, đã phát hiện và tạm giữ gần 3.300 đơn vị sản phẩm là bánh kẹo nhập lậu trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Cụ thể, vào ngày 28/8/2024,  Đội QLTT số 2 tổ chức kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 3.263 đơn vị sản phẩm là bánh kẹo bao gói sẵn các loại được chứa đựng trong 107 thùng hàng, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, là hàng hóa nhập lậu; có tổng trị giá tang vật là 38,89 triệu đồng. 

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc xử lý theo quy định pháp luật với số tiền xử phạt 37,5 triệu đồng.

Lạng Sơn mạnh tay xử lý các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên mạng xã hội

Ngày 17/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, vừa tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm 5 cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và TikTok.

Từ ngày 12/8 đến ngày 16/8/2024, đội kiểm tra đã tập trung vào các tài khoản Facebook “Trịnh Yến”, “Già nhưng mặn mà cơ sở 2”, “Vy Bích Phượng”, “Đỗ Thị Hậu” và tài khoản TikTok “nguyenngocdieu 1998”. Qua kiểm tra, các cơ sở này đều bị phát hiện kinh doanh các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu và hàng giả mạo nhãn hiệu.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh.

Các hành vi vi phạm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu. Đặc biệt, việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.

Trước những hành vi vi phạm trên, Đội Quản lý thị trường số 4 đã quyết định xử phạt hành chính 5 vụ việc với tổng số tiền 30.500.000 đồng và tịch thu, tiêu hủy số hàng hóa vi phạm trị giá 28.665.000 đồng.

Đà Nẵng: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh gần 1.800 bánh trung thu nhập lậu

Ngày 16/8/2024, Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng thông tin cho biết, vừa phát hiện và tạm giữ gần 1.800 chiếc bánh trung thu nhập lậu tại một cửa hàng trên địa bàn quận Thanh Khê.

Cụ thể, vào ngày 15/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng N.L trên đường Kỳ Đồng, phường Thanh Khê Đông. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang kinh doanh số lượng lớn bánh trung thu các loại, chủ yếu là các nhãn hiệu Bibizan và Chaosan Snack có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra thực tế tại địa điểm kinh doanh

Điều đáng chú ý là toàn bộ số bánh trung thu trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm này được nhập lậu vào Việt Nam, chất lượng không đảm bảo và có thể chứa các chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tạm giữ số lượng lớn bánh trung thu nhập lậu

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Đội Quản lý thị trường số 3 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số bánh trung thu trên để phục vụ công tác điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bạc Liêu: Phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh K.T có địa chỉ tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Qua công tác quản lý, giám sát trên nền tảng thương mại điện tử Facebook. Ngày 19 tháng 7 năm 2024, Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh K.T.P, do ông T.P làm chủ, kinh doanh thực phẩm là nhàu ngâm đường.

Tại thời điểm kiểm tra, ông T.P không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện tại địa điểm kinh doanh của ông T.P kinh doanh thực phẩm là nhàu ngâm đường (thực phẩm dùng để ăn trực tiếp) không có nhãn hàng hóa, không có địa chỉ nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 22.000.000 đồng.

 

Đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về 02 hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định và Kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên chờ xử lý theo quy định của pháp luật./.

Hà Nội: Thu giữ gần 3 tấn thuốc nam giả, trị giá hơn 2,9 tỷ đồng

Ngày 9/7/2024 - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 đối tượng về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Cụ thể, các đối tượng đã sản xuất và buôn bán thuốc nam nhãn Kháu Vài Lèng, đại tràng HG giả với tổng trị giá hơn 2,9 tỷ đồng. Thuốc được sản xuất từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, tem nhãn giả mạo thương hiệu của hợp tác xã dược liệu nam dược Mạc Minh và bán trên mạng xã hội.

Một lọ thuốc nam dược giả

Cơ quan chức năng đã thu giữ gần 3 tấn thuốc giả cùng với nguyên liệu sản xuất, vỏ bao bì, tem nhãn giả và máy in màu dùng để sản xuất tem nhãn giả.

Số thuốc giả thu giữ

Các đối tượng khai nhận đã tiêu thụ hàng chục ngàn sản phẩm thuốc giả này, thu lợi nhiều tỷ đồng.

Vụ việc trên là một cảnh báo cho người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua thuốc, đặc biệt là qua mạng xã hội. Nên mua thuốc tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và kiểm tra kỹ tem nhãn trước khi mua.

Bình Thuận: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 426kg pháo nổ

Ngày 24-6, tin từ Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, đang lập hồ sơ xử lý hành vi vận chuyển pháo hoa nổ trái phép đối với lái xe ĐVV (42 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc).

Trước đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 23/6, Đội Cảnh sát giao thông và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy - Công an huyện Bắc Bình đã phối hợp tiến hành dừng và kiểm tra phương tiện giao thông đối với xe ô tô tải biển số 51H-221.58, do Đ.V.V điều khiển.

Đối tượng Đ.V.V cùng tang vật 

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe của V có chở theo 9 thùng xốp, bên trong chứa 284 hộp pháo nổ (loại giàn 49 ống/hộp) có xuất xứ nước ngoài, với tổng trọng lượng khoảng 426kg. Đây là vụ bắt pháo nổ với trọng lượng tang vật lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Bắc Bình.

Lực lượng Công an đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật và tạm giữ hình sự Đ.V.V. Hiện, Công an huyện Bắc Bình đang củng cố hồ sơ; đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh, xử lý hành vi của các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đắk Nông: Hoạt động kiểm tra vật tư nông nghiệp được tăng cường tại Đắk Mil và Đắk Song

Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được đảm bảo nhờ việc tăng cường kiểm tra mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Đắk Mil và huyện Đắk Song trong năm 2024.

Từ ngày 01/5/2024 đến ngày 07/6/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 38.000.000 đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn giấy phép và kinh doanh hàng hóa không đúng quy định về ghi nhãn.

Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm về giá cả và nguồn gốc xuất xứ đối với các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Đội QLTT số 4 sẽ tiếp tục bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đội cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.