Đăng nhập

Long An: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 26kg ma túy tổng hợp và 12 bánh heroin  

Ngày 28/3/2025, thông tin từ Biên phòng tỉnh Long An, các lực lượng phối hợp vừa triệt phá một đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Campuchia vào Việt Nam, thu giữ 26kg ma túy tổng hợp và 12 bánh heroin.

Trước đó, ngày 12/3/2025, tại khu vực Cầu 79, khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, lực lượng phá án gồm Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP, chủ trì, phối hợp BĐBP tỉnh Long An (Phòng PCMT&TP và Đồn Biên phòng Sông Trăng); Phòng PC04 Công an tỉnh Long An; Phòng 1 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành bắt quả tang đối tượng Võ Văn Mai, SN 1976, ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đang vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối tượng Võ Văn Mai cùng tang vật, phương tiện tại hiện trường vụ việc

Tiến hành kiểm tra, lực lượng phá án thu giữ 26kg ma túy tổng hợp được ngụy trang dưới dạng túi đựng trà, 12 bánh heroin, 1 xe ôtô biển kiểm soát 51L-379.24, 4 điện thoại di động và 2,5 triệu đồng.

Qua đấu tranh, khai thác, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng tham gia phá án tiến hành truy xét nhanh, bắt giữ đối tượng Bùi Ngọc Lân, SN 1957, tạm trú tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM và Đàm Quang Thương, SN 1970, thường trú tại đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình, TP.HCM, đây là 2 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam.

Đối tượng Võ Văn Mai cùng tang vật bị lực lượng phá án bắt, thu giữ

Đồng thời, khám xét 3 địa điểm tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM (nơi ở của các đối tượng trên), lực lượng tham gia phá án thu giữ 1 cân tiểu ly, 1 máy ép nhựa dùng để phân chia, tách chiết ma túy mang đi tiêu thụ và các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án.

Hiện vụ việc được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 1.506 vụ, thu nộp ngân sách 506,435 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm

Trong 2 tháng đầu năm cũng là tháng cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tích cực ra quân, xử lý 1.506 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 506,435 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm các vụ việc cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Trong tháng 2, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội xử lý 1.506 vụ vi phạm, trong đó hàng cấm, hàng lậu 134 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 39 vụ, gian lận th¬ương mại 1.333 vụ; xử lý vi phạm hành chính 1.491 vụ; khởi tố 15 vụ, với 18 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 506,435 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm

Cụ thể, trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND Thành phố; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực và địa bàn được giao;

Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 24/KH-QLTTHN ngày 30/10/2024 về triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Dương lịch 2025; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn.

Đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các kế hoạch kiểm tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, kinh doanh thuốc giả, bóng cười (N2O), phối hợp tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn.

Phối hợp tốt giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 24 vụ, xử lý hành chính 53 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 16,895 tỷ đồng.

Công an Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong tháng, Công an Thành phố kiểm tra 159 vụ, xử lý 219 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 15 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1,96 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 52,368 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 6,241 tỷ đồng.

Cục Hải quan Hà Nội cũng phát hiện, bắt giữ, xử lý 84 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 906 triệu đồng, truy thu thuế 3,13 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 6,12 tỷ đồng.

Các sở, ngành thành viên khác trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực quản lý.

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu; tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý...

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, trong tháng 2, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua tuyến hàng không trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Cục Hải quan Thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời phát hiện một số vụ việc vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam.

Tình hình buôn bán, vận chuyển các hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra. Các mặt hàng vi phạm thường là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, đồ gia dụng, đồ điện tử, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Tuy vậy, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng nên không phát sinh điểm nóng, góp phần ổn định thị trường hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán của người dân.

Nguyễn Ngọc Mai: trung tâm đầu não cả nước nó phải khác
Vitamin Không Phê: 1 đội của hà nội ngân sách nộp cho nhà nước có khi đã bẳng của 1 tỉnh rồi
Nẵng Vỡ Mơ Tan: hà nội mãi đỉnh

Nghệ An: Bắt Chủ tịch xã liên quan đến đường dây buôn ma túy

Ngày 9/1/2025, Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ Mùa Bá Vừ (SN 1983) trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và Lê Hoàng Cường (SN 1990) quê quán Hà Nội về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Vinh phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về địa phương làm điểm trung chuyển, rồi tiêu thụ ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định, Mùa Bá Vừ là kẻ cầm đầu. Được biết, thời điểm này, Vừ đang là chủ tịch UBND xã Na Ngoi.

Mùa Bá Vừ cùng tang vật tại cơ quan công an

Lê Hoàng Cường đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong đường dây của Vừ. Khoảng 1h ngày 9/1/2025, cơ quan công an phát hiện, Vừ đang di chuyển từ huyện Kỳ Sơn về thành phố Vinh với nhiều biểu hiện nghi vấn.

Khoảng 7h sáng cùng ngày tại khu vực QL 46 thuộc xã Hưng Chính, thành phố Vinh, cơ quan công an đã bắt giữ thành công Mùa Bá Vừ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Tang vật thu giữ là 35 kg ma túy tổng hợp, 4 bánh heroin, 1 ô tô và một số vật chứng liên quan khác.

Cùng thời điểm đó, cơ quan công an bắt giữ Lê Hoàng Cường tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra về vụ việc.

Cao Bằng bắt giữ 2 đối tượng buôn bán, tàng trữ pháo nổ

Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Ất Tỵ 2025, Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội buôn bán, tàng trữ pháo nổ. Tang vật thu giữ 49,5 kg pháo nổ.

Trước đó, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, Phòng phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh tiến hành kiểm tra tại xóm Nam Tuấn, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nông Văn Tuân, sinh năm 2000, trú tại xóm Bản Khun, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 11C.049.01 vận chuyển 28,5 kg pháo nổ.

Đối tượng Nông Văn Tuân tại cơ quan công an

Qua đấu tranh, đối tượng Nông Văn Tuân khai nhận, mua số pháo nổ trên từ Trung Quốc bán lại cho Hoàng Thị Duyên, sinh 1995, cùng trú tại xóm Bản Khun, thị trấn Trà Lĩnh.

Căn cứ vào lời khai của Tuân và các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Hoàng Thị Duyên tại xóm Bản Khun,thị trấn Trà Lĩnh, thu giữ thêm 21 kg pháo nổ.

Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phối hợp kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng chai.

Chiều 25/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Phòng Y tế TP.Vũng Tàu, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thuộc Công ty TNHH Hạnh Trang, có địa chỉ tại đường Trương Công Định, Phường 8, TP. Vũng Tàu.

Kết quả kiểm tra ban đầu ghi nhận: Cơ sở đang sản xuất nước uống đóng chai mang 02 nhãn hiệu Malada và Pacific, tuy nhiên cơ sở chưa xuất trình được Bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm nước uống mang nhãn hiệu Pacific; về cở sở vật chất: Trần nhà tại nơi sản xuất nước uống đóng chai, kho bị rạn, nứt; Khu vực chiết rót không kín.

Đoàn kiểm tra đã lấy 01 (một) mẫu nước uống đóng chai để tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu theo QCVN 6-1:2010/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, được ban hành kèm theo Thông tư 34/2010/TT-BYT ngày 2-6-2010 của Bộ Y tế.

Hiện vụ việc đang được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở y tế tỉnh BRVT tiếp tục làm việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo nhãn hiệu 

Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và thu giữ 300 chai nước hoa có dấu hiệu nghi giả mạo nhãn hiệu lớn tại hệ thống cửa hàng Namperfume.

Ngày 21/10/204, Đội Quản lý thị trường số 4 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Namperfume. Cụ thể, tại số 45-47 Cách Mạng Tháng 8, phường Bến Thành, quận 1; số 420/6 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3 và số 44 Hoa Mai, phường 2, quận Phú Nhuận. Đây là hệ thống cửa hàng nước hoa rất nổi tiếng tại khu vực phía Nam.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Namperfume

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện và tạm giữ hơn 300 chai nước hoa ngoại nhập, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Lacoste, Burberry, Montblanc, Chloe, Hermes,... trị giá hàng hoá vi phạm 1.195.820.000 đồng (gần 1,2 tỷ đồng - PV).

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Namperfume

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 23/10/2024, Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội cho biết,  vừa tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau.

Cụ thể, ngày 21/10/2023 Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ  Lô C53-04, thuộc Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Qúa trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn hũ yến không rõ nguồn gốc xuất xứ

Qúa trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở này đang lưu giữ hơn 93.000 hũ yến chưng được dán nhãn các thương hiệu khác nhau nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chủ cơ sở là bà Dương Thị Liên không thể cung cấp bất kỳ tài liệu nào để chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này theo yêu cầu của lực lượng chức năng.

Lô hàng yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện, Đội QLTT số 1 hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc số hàng hóa bị tạm giữ, đồng thời tiến hành lấy mẫu các sản phẩm này để xét nghiệm và đánh giá mức độ an toàn đối với người sử dụng.

Lạng Sơn: Tiêu hủy trên 3,5 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Đồn Biên phòng Ba Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức tiêu hủy trên 3,5 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lô hàng hóa vi phạm trện do Đồn Biên phòng Ba Sơn chủ trì phối hợp Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, thu giữ tại khu vực mốc 1176, thuộc thôn Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, do các đối tượng vi phạm bỏ lại bên đường.

Tiếp đó, tại khu vực mốc 1177 thuộc thôn Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, tổ công tác tiếp tục phát hiện 1 người đàn ông điều khiển xe mô tô chở 3 bao tải dứa có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính.

Lô hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy

Qua đấu tranh, đối tượng trên cho biết tên là Hứa Văn Bé, sinh năm 1983, trú tại thôn Bản Giếng, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đối tượng Hứa Văn Bé khai nhận vận chuyển thuê số hàng hóa trên cho 1 người không biết để lấy tiền công.

Qua kiểm tra bên trong bao tải dứa của đối tượng vận chuyển, lực lượng chức năng phát hiện có chứa chân gà đông lạnh, với tổng trọng lượng trên 2 tấn.

Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng Hứa Văn Bé không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng số hàng hóa vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ là trên 3,5 tấn.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Tiêu hủy 5.454 sản phẩm hàng hóa tiêu dùng nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp Đội 389 tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô vận chuyển 5.454 sản phẩm hàng hóa bánh kẹo, nước giải khát, thạch hoa qủa, xúc xích nhập lậu; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp Đội 389 tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 12C.102.71, do ông M.V.D điều khiển phương tiện.

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng hóa vi phạm

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xe ô tô trên có chứa 5.454 sản phẩm hàng hóa nhập khẩu gồm: bánh kẹo, nước giải khát, thạch hoa quả, xúc xích.

Trên bao bì hàng hóa có in chữ nước ngoài, nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa gần 20 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng - hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt ông M.V.D về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với số tiền 10 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm, theo quy định của pháp luật.

Vĩnh Phúc: Tiêu hủy 40 chiếc iPhone trị giá hơn 400 triệu đồng

Ngày 30/7/2024, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc thông tin về việc phối hợp giám sát tiêu hủy 40 chiếc điện thoại di động Iphone là tang vật vi phạm trị giá hơn 400 triệu đồng.

Ngày 24/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành tiêu hủy 40 chiếc điện thoại di động iPhone là tang vật trong vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đây là một động thái mạnh mẽ nhằm siết chặt quản lý thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp giám sát tiêu hủy hàng hóa nhập lậu.

Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng điện thoại iPhone HD tại thành phố Vĩnh Yên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 40 chiếc iPhone các loại, đều là hàng đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Toàn bộ số hàng hóa trên được xác định có trị giá lên đến 415.900.000 đồng. Đây là một số tiền lớn, cho thấy quy mô của hoạt động buôn lậu điện thoại di động là không hề nhỏ.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, vụ việc đã được trình lên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và đã có quyết định xử phạt hành chính đối với chủ cửa hàng với số tiền 90.000.000 đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng quyết định tiêu hủy toàn bộ số điện thoại iPhone bị tạm giữ.

Việc tiêu hủy số lượng lớn điện thoại iPhone lậu này không chỉ nhằm mục đích xử lý vi phạm mà còn là một thông điệp răn đe đối với những đối tượng có ý định buôn lậu hàng hóa. Đồng thời, đây cũng là một hành động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.