Đăng nhập

Gần 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan bị xử lý

Trong năm 2023, lực lượng hải quan đã bắt giữ, xử lý gần 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 12.500 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.966 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, giảm 9,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.475 tỷ đồng, tăng 42,6 % so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 497 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Số ngà voi nhập lậu do Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ vào ngày 2/2/2023.

Từ thực tiễn phát hiện, bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành hải quan cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc bị bắt giữ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, số lượng, trị giá tang vật có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... năm 2023 xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn.

Cụ thể, trên tuyến đường bộ, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 9.430 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 9.422 tỷ đồng. Bắt giữ nhiều vụ việc vận chuyển pháo nổ qua biên giới địa phận Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn.... Trong đó có vụ việc cơ quan hải quan đã bắt giữ các đối tượng vận chuyển lên đến 700kg pháo nổ.

Về hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, vụ việc ngày 18/4/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án vận chuyển trái phép liên quan đến Công ty Bisuvina khai sai tên hàng để nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện, trị giá tang vật trên 8 tỷ đồng. Vụ việc ngày 5/5/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến Công ty TNHH TMDV sản xuất đầu tư nhập khẩu Thế Hệ Mới nhập khẩu 15.000 hộp bột trái cây có chứa chất cấm.

Năm 2023, tình hình buôn lậu đường kính thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng tập trung tại địa bàn Quảng Trị, Long An, Đồng Tháp. Cơ quan hải quan đã bắt giữ 39 vụ, thu giữ trên 84 tấn đường kính.

Về tuyến đường biển, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 5.287 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.446 tỷ đồng. Các mặt hàng trọng điểm, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm.

Đặc biệt, trong năm 2023, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng, tính chất phức tạp.

Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển và thủ đoạn cất giấu tinh vi; tính chất vụ việc phức tạp. Các đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại để vận chuyển trái phép các chất ma túy như: các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa và ma túy tổng hợp… từ các nước châu Âu, Mỹ về Việt Nam và ngược lại.

Điển hình cho các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy năm 2023 là thu giữ trên 65.000 lít dầu D/O, FO và xăng các loại; thu giữ 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác và 2,8 tấn ma túy các loại.

Quảng Binh: Phát hiện, thu giữ gần 2.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, đã thành công trong việc ngăn chặn một vụ vận chuyển gần 2.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hành động này là một phần trong chiến dịch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang được triển khai mạnh mẽ tại địa phương.

Chiều 25/12, lực lượng đội QLTT số 3 phối hợp với Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra đối với một xe ô tô tải biển số 89C-064.49 do ông Phạm Văn Quỳnh điều khiển tại Km 643 trên tuyến Quốc lộ 1A, thị trấn Hoàn Lão. Kết quả khám phương tiện đã phát hiện 1.980 đơn vị mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, cùng với 88 đơn vị phụ kiện máy tính và 80 cái vợt cầu lông không có chứng từ hợp pháp.

Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa vi phạm

Chủ xe ô tô không thể xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc và hợp pháp của hàng hóa, do đó lực lượng chức năng đã tạm giữ số lượng mỹ phẩm và hàng hóa nhập lậu này, ước tính trị giá trên 90 triệu đồng. Điều này làm tăng sự lo ngại về tình trạng buôn lậu và hàng giả trong thời gian mua bán sôi động như hiện nay, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, và đồ điện tử.

Các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Bình đã cam kết tăng cường triển khai các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trong thời gian cao điểm như cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu

Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… Tập trung nhóm mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lân thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không, các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên toàn quốc, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp Tết như: Chất nổ, pháo nổ, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm. Đẩy mạnh việc thu ngân sách nhất là thu qua hóa đơn điện tử các mặt hàng như xăng dầu, hàng ăn. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh trình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; phát hiện và xử lý nghiêm các loại tệ nạn xã hội. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn không để diễn ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép trong dịp Tết.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là về chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành.

Người vận chuyển hàng hoá nguy hiểm cần đáp ứng yêu cầu gì?

Điều 8 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa quy định về yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm như sau:

Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định.

1. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định.

2. Người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.

Điều 9 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa quy định về yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm như sau:

1. Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành.

2. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.

3. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.

Như vậy, người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm và phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng đường bộ phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định được trích dẫn ở trên.

Bộ Công Thương: Đề xuất giữ nguyên Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật

Theo Bộ Công Thương nhằm duy trì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) theo mô hình tổ chức ngành dọc, tập trung; khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ cấu tổ chức; từng bước sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT theo hướng tinh gọn, tiến tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại cần giữ nguyên Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ướng theo đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay.

Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương nêu rõ, sẽ tổ chức lại đơn vị thuộc Cục QLTT cấp tỉnh theo hướng: Cục QLTT tỉnh, thành phố được tổ chức không quá 03 phòng gồm: Phòng Tổ chức- hành chính, phòng Nghiệp vụ- tổng hợp, Phòng Thanh tra- Pháp chế. Bên cạnh đó, quy định số lượng phòng và đội QLTT trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh phù hợp với quy mô, đối tượng quản lý, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT đảm bảo không tăng đầu mối bên trong tổ chức Cục QLTT cấp tỉnh. Cụ thể, Đội Quản lý thị trường thuộc Cục QLTT cấp tỉnh gồm: Đội QLTT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao Cục QLTT cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm  phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Tại dự thảo quyết định, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh tên gọi của Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính thành Vụ Kế hoạch - Tài chính. Thành lập Tạp chí Quản lý thị trường (đơn vị sự nghiệp công lập) trên cơ sở Tạp chí Quản lý thị trường đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, sau 05 năm thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng quy định chức ăng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương, lực lượng QLTT được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xử lý vi phạm hành chính. Hoạt động của Tổng cục QLTT từng bước khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ bị phân tán, cắt khúc theo vùng, địa giới hành chính; hoạt  động thanh tra, xử lý hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời và thống nhất...

Tây Ninh: Tiêu hủy hơn 133.000 bao thuốc lá nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã thực hiện quá trình tiêu hủy hơn 133.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu tại Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh.

Ảnh minh họa

Số thuốc lá này được thu giữ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023. Các loại thuốc nổi tiếng như Hero, Jet, 555, Esse, Marlboro... được phát hiện và thu giữ, chủ yếu thông qua các nỗ lực chung của các lực lượng biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tây Ninh.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, ông Hồng Văn Hoàng, cho biết rằng tình hình vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, đặc biệt là thuốc lá ngoại nhập lậu trên tuyến biên giới của tỉnh đã được kiểm soát tương đối ổn định từ đầu năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, có sự tăng lên vào các dịp lễ, Tết và cuối năm.

Quá trình tiêu hủy được thực hiện tại Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh, đúng theo sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy thuốc lá, bao gồm Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, đại diện Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam và các lực lượng chức năng của tỉnh.

Ông Hồng Văn Hoàng cũng nhấn mạnh phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào khu vực cửa khẩu phụ, sử dụng đường mòn, lối mở, kênh rạch giáp biên để vận chuyển hàng hóa trái phép. Các hoạt động này thường diễn ra vào ban đêm để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đang tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới để ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, đặc biệt là thuốc lá ngoại nhập lậu trên tuyến biên giới của tỉnh Tây Ninh.

Phú Thọ: Ngăn chặn đối tượng vận chuyển nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang trên đường đi tiêu thụ

Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp với tổ tuần tra kiểm soát giao thông Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ xử lý đối tượng vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 03/11/2023, tại Km12+00, Quốc lộ 32C đường tránh thành phố Việt Trì thuộc  khu 7 xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với tổ tuần tra kiểm soát giao thông Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành dừng kiểm tra xe ô tô tải do ông V.Q.D trú tại xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ điều khiển có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện trong thùng xe ô tô có 04 thùng bìa Catton đựng nội tạng động vật đông lạnh có khối lượng 110 kg (Một trăm mười kilogam) rò rỉ nước và bốc mùi hôi thối, biến dạng về màu sắc đang được vận chuyển đi tiêu thụ.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ làm việc với ông V.Q.D (lái xe kiêm chủ hàng), ông V.Q.D thừa nhận: Ngày 03/11/2023 tôi có thu mua gom số hàng hóa trên tại chợ Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh . Quá trình mua bán cũng không có giấy tờ gì, sau khi thu mua số là Nội tạng động vật đông lạnh của người dân đựng trong 04 thùng Catton để chở đi Phù Yên, tỉnh Sơn La bán cho các hàng quán.

Toàn bộ số hàng hóa là 04 thùng Nội tạng động vật đông lạnh, trọng lượng 110 kg (Một trăm mười kilogam), không xuất trình được giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, đã bốc mùi hôi thối, biến dạng về màu sắc, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập hồ sơ vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) đối với ông V.Q.D về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng là Nội tạng động vật  đông lạnh không đảm bảo yêu cầu về vẹ sinh thú y có tổng trọng lượng là 110 kg (Một trăm mười kilogam); đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật./.

 

Thanh Hóa: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 1.301 viên ma túy tổng hợp qua biên giới

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa cho biết, các đơn vị thuộc lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp phát hiện, bắt giữ 01 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Giang Văn Hiêm bắt giữ cùng tang vật 1.301 viên ma túy tổng hợp.

Lúc 15 giờ 40 phút ngày 08/10/2023, tại khu vực biên giới thuộc bản bản Ngố, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Mường Lát chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Quang Chiểu phối hợp bắt quả tang Giang Văn Hiêm (sinh năm 1963, thường trú tại bản Na Hin, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) khi đang điều khiển xe mô tô vận chuyển trái phép 1.301 viên bột nén, màu hồng (nghi là chất ma túy tổng hợp).

Bước đầu, đối tượng bị bắt giữ khai nhận: Số tang vật 1.301 viên bột nén, màu hồng trên là chất ma túy tổng hợp, có nguồn gốc từ nước ngoài. Trước đó, 01 đối tượng (không rõ tên tuổi, lai lịch) ở xã Quảng Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã liên hệ, thuê Giang Văn Hiêm đến khu vực biên giới bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nhận và vận chuyển số ma túy trên đi tiêu thụ để được nhận tiền công là 1.000.000 đồng.

Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Mường Lát phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Quản lý thị trường thông báo tuyển dụng công chức năm 2023

Tổng cục Quản lý thị trường thông báo vừa có thông báo số 148/TB-TCQLTT ngày 29/9/2023 về tuyển dụng công chức năm 2023.

Cụ thể, căn cứ Quyết định số 1486/QĐ-TCQLTT ngày 28/9/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường thông báo tuyển dụng công chức năm 2023.

Người dự tuyển có quốc tịch Việt Nam, có bằng tốt nghiệp Đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển, cụ thể như sau:

Vị trí Kiểm soát viên thị trường: có bằng tốt nghiệp đại học (cử nhân) hoặc sau đại học trong đó tên ngành/chuyên ngành trên bằng tốt nghiệp hoặc trên bảng điểm có ghi một trong các cụm từ sau: Luật, Kinh tế, Kinh doanh, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Thương mại, Quản lý thị trường.

Vị trí Chuyên viên: có bằng tốt nghiệp đại học (cử nhân) hoặc sau đại học trong đó tên ngành/chuyên ngành trên bằng tốt nghiệp hoặc trên bảng điểm có ghi một trong các cụm từ sau: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Công nghệ thông tin, Truyền thông, Văn thư lưu trữ, Quản trị văn phòng, Quản lý nhà nước.

Tổng cục Quản lý thị trường thông báo tuyển dụng công chức năm 2023

Hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức gồm:

(1) Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ (mẫu phiếu đăng ký dự tuyển đính kèm theo thông báo này). Người dự tuyển khai đúng theo hướng dẫn ghi trong phiếu, có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải ký tên trên từng trang của Phiếu đăng ký. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một vị trí việc làm thuộc một đơn vị, phải ghi rõ nội dung này trong phiếu đăng ký dự tuyển.

(2) Bản sao y bằng tốt nghiệp và bảng điểm học tập, trong đó: đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, thí sinh nộp bản sao y văn bằng, bảng điểm học tập kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực và bản sao y giấy công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp văn bằng được miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh phải nộp các tài liệu chứng minh văn bằng được miễn thủ tục công nhận văn bằng theo quy định…

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: bắt đầu từ ngày 29/09/2023 đến hết ngày 29/10/2023. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào buổi chiều (13h30 -17h00) các ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Người dự tuyển đăng ký dự tuyển vị trí việc làm tại Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố nào thì nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố đó.

Thời gian thi tuyển dự kiến trong Quý IV/2023. Mọi thắc mắc xin liên hệ Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường. Điện thoại: 0243.717.3548.

Hội đồng tuyển dụng công chức năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường sẽ thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển, kết quả thi tuyển và các thông tin có liên quan đến kỳ thi tuyển trên Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (địa chỉ: www.dms.gov.vn) và niêm yết công khai tại trụ sở của Tổng cục Quản lý thị trường - số 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, không gửi thông báo bằng giấy đến từng thí sinh.

 

Bùi Mạnh Linh: Mọi người có nhu cầu tuyển dụng ngay thôi ạ

Lạng Sơn: Phát hiện, thu giữ hơn 18.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 14/9, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết Đội Quản lý Thị trường số 6 vừa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện xe container chở 18.200 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu vực xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn.

Tối 13/9, Đội Quản lý Thị trường Số 6 chủ trì, phối hợp với Đội kiểm tra Công tác Chống Buôn lậu, Gian lận Thương mại và Hàng giả tỉnh Lạng Sơn; Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), Đội Cảnh sát Giao thông Đường bộ Số 1 (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra xe container, biển kiểm soát 98H-027.31 đang lưu thông qua khu vực xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa thu giữ

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xe container có hơn 180 lồng nhựa nhốt 18.200 con vịt giống (100 con/lồng), loại từ 5-7 ngày tuổi. Vịt con có biểu hiện ủ rũ, không có căn cứ xác định nguồn gốc hoặc xuất xứ.

Số vịt giống không rõ nguồn gốc bị thu giữ. 

Ông Lưu Văn T. - người điều khiển xe container, biển kiểm soát 98H-027.31 không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y đối với hàng hóa nói trên.

Cục Quản lý Thị trường Lạng Sơn đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Bùi Mạnh Linh: trông kia đàn vịt con lông vàng
Dương Hoàng Tuấn: mấy bé vịt cute quá