Điện Biên: Bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Ngày 26/12, thông tin từ Đồn Biên phòng Mường Mươn, BĐBP Điện Biên cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Điện Biên bắt giữ một đối tượng nam giới về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ tang vật 600 viên ma túy tổng hợp, 50 gram heroin.
Cụ thể, lúc 20 giờ ngày 25/12, tổ công tác phối hợp của Đồn Biên phòng Mường Mươn và Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm làm nhiệm vụ tại bản Huổi Meo, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, phát hiện một người đàn ông di chuyển bằng xe máy hướng từ biên giới vào nội địa có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện đối tượng giấu trong túi áo khoác 3 gói ni lông bên trong chứa các viên nén màu hồng ký hiệu WY, số lượng 600 viên; 2 cục chất bột dạng nén màu trắng đục, trọng lượng khoảng 50 gram.
Đối tượng Lường Văn Thưởng và tang vật.
Đối tượng khai nhận tên là Lường Văn Thưởng, sinh năm 1969, trú tại bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Các viên nén màu hồng là ma túy tổng hợp, 2 cục chất bột là heroin được Thưởng mua của một đối tượng không rõ danh tính ở khu vực mốc 84 tuyến biên giới Việt Nam - Lào với giá 3 triệu đồng để sử dụng. Lợi dụng đêm tối, giá rét, sương mù, Thưởng đi mua ma túy nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, khi đang trên đường trở về thì bị tổ công tác phát hiện, bắt giữ.
Hiện, Đồn Biên phòng Mường Mươn đang tiến hành các thủ tục tố tụng và xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Lai Châu: Phát hiện hơn 1.500 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu.
Ngày 16/12/2023, tại Km37+800, Quốc lộ 4D, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Đội Quản lý Thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế thành phố Lai Châu và Đội Cảnh sát giao thông số 1 – Công an tỉnh Lai Châu thực hiện kiểm tra và phát hiện hơn 1.500 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu.
Cuộc kiểm tra được thực hiện theo Quyết định số 519/QĐ-QLTTLC ngày 15/11/2023 của Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lai Châu, ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong quá trình kiểm tra phương tiện vận tải là ô tô tải, biển kiểm soát 30M-0788 do ông Nguyễn Văn Giáp là lái xe kiêm chủ hàng điều khiển, Đội phát hiện trên thùng xe có 1.542 đơn vị sản phẩm, bao gồm bản lề, bộ khoá cửa nhôm, tay nắm cửa, chốt cửa, được sản xuất ở nước ngoài. Ông Giáp không xuất trình được hóa đơn và chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Giáp tổng số tiền 28,26 triệu đồng. Trong đó, số tiền xử phạt là 8 triệu đồng và trị giá hàng hóa bị tịch thu là 20,26 triệu đồng.
An Giang: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển hơn 1.400 bao thuốc lá lậu
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an thành phố Châu Đốc, mật phục bắt quả tang một đối tượng sử dụng xe mô tô vận chuyển 1.480 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Đối tượng Giỏi khai nhận tại Cơ quan Công an.
Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 12/12/2023, lực lượng chức năng đã mật phục trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc khóm Vĩnh Tây 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc và phát hiện đối tượng Lê Văn Giỏi (SN 1989, trú tại phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 67B1 - 784.48 vận chuyển nhiều túi nylon nghi vấn chứa thuốc lá lậu.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số tang vật tạm giữ.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra, bắt giữ đối tượng. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trong các bọc nylon trên xe mô tô Giỏi có chứa 1.480 bao thuốc lá lậu, nhãn hiệu Hero và Jet. Bước đầu, đối tượng khai nhận vận chuyển thuê số thuốc lá lậu trên cho người khác từ khu vực biên giới vào nội địa để lấy tiền công.
Hiện đối tượng Giỏi cùng tang vật và phương tiện đã được bàn giao cho Công an thành phố Châu Đốc tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắc Giang: Bị khởi tố vì buôn bán 5 con rắn hổ chúa
Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vi Văn Ba, sinh năm 1968, trú tại xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Cụ thể, vào hồi 9 giờ 20’ ngày 25/10, tại thôn Vựa Ngoài, xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an huyện và Hạt kiểm lâm huyện Lục Ngạn bắt quả tang Vi Văn Ba về hành vi buôn bán động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tang vật thu giữ gồm 5 cá thể rắn nghi là rắn hổ chúa.
Rắn hổ mang chúa
Làm việc với cơ quan chức năng, Vi Văn Ba thừa nhận 2 trong số 5 cá thể rắn trên là rắn hổ chúa, do Vi Văn Ba mua về với mục đích bán kiếm lời.
Tiến hành giám định, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam xác định , trong số 5 cá thể rắn trên thì có 2 cá thể rắn là rắn hổ chúa, 3 cá thể rắn còn lại là rắn hổ mang Trung Quốc.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Lạng Sơn phát hiện và bắt giữ 4.800 con gà giống con nhập lậu.
Ngày 28 tháng 9, Đội quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn và phòng cảnh soát kinh tế (PC-03) Công an tỉnh Lạng Sơn để ngăn chặn và bắt giữ 4.800 con gà giống con nhập lậu từ Trung Quốc.
Công chức Đội QLTT số 3 và lực lượng phối hợp đang tiến hành bắt giữ tại nơi tập kết gia cầm giống
Vào lúc 22h30 ngày 28 tháng 9, Đội quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn và phòng cảnh soát kinh tế (PC-03) Công an tỉnh Lạng Sơn thực hiện nhiệm vụ tuần tra và kiểm soát tại khu vực xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Họ đã phát hiện một số đối tượng đang tập kết tại một bãi đất trống gần cột km1 trên Đường tỉnh 237, đang chứa các lồng nhựa chứa mặt hàng gia cầm giống.
Công chức Công chức Đội QLTT số 3 và lực lượng phối hợp đang kiểm đếm gia cầm giống
Cảnh sát kiểm tra và kiểm soát mặt hàng trong các lồng nhựa và phát hiện rằng có tổng cộng 48 lồng nhựa chứa gà con giống, tổng cộng 4.800 con, loại 2 đến 3 ngày tuổi.
Đội quản lý thị trường số 3 đã lập hồ sơ vụ việc theo quy định và phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Lộc Bình để tiến hành tiêu hủy toàn bộ 4.800 con gà con giống này theo quy định của pháp luật. Trị giá tang vật vi phạm được ước tính khoảng 48 triệu đồng.
Vụ việc đang tiếp tục được xác minh để xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cảnh sát biển: Liên tiếp phát hiện, bắt giữ 03 phương tiện vận chuyển khoảng 310.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, các đơn vị Cảnh sát biển liên tiếp phát hiện, bắt giữ 03 tàu vận chuyển trái phép 310.000 lít dầu DO trên vùng biển các tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu TG 91139 TS vận chuyển trái phép 120.000 lít dầu DO.
Từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút cùng ngày 22/09/2023, tại vùng tỉnh Kiên Giang, Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển liên tiếp phát hiện 02 tàu vận chuyển trái phép 260.000 lít dầu DO. Cụ thể:
Lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày 22/09/2023, tại vùng tỉnh Kiên Giang, cách đảo Thổ Chu về hướng Bắc Đông Bắc khoảng 25 hải lý, Đoàn Trinh sát số 2 kiểm tra, phát hiện tàu TG 91139 TS do Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1971, thường trú tại phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên đang vận chuyển khoảng 120.000 lít chất lỏng, nghi là dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường khai nhận, số chất lỏng chứa trong các khoang tàu TG 91139 TS đều là dầu DO và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu TG 90338 TS vận chuyển trái phép 140.000 lít dầu DO.
Lúc 17 giờ 30 phút cùng ngày 22/09/2023, tại vùng tỉnh Kiên Giang, cách đảo Thổ Chu về hướng Bắc Đông Bắc khoảng 25 hải lý, Đoàn Trinh sát số 2 kiểm tra, phát hiện 04 thuyền viên trên tàu TG 90338 TS đang vận chuyển khoảng 140.000 lít chất lỏng, nghi là dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, 04 thuyền viên trên tàu khai nhận, số chất lỏng chứa trong các khoang tàu TG 90338 TS đều là dầu DO và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên.
Hiện, Đoàn Trinh sát số 2 đã bàn giao 02 tàu (TG 91139 TS và TG 90338 TS) cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tàu BV 5491 TS vận chuyển trái phép 50.000 lít dầu DO bị lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ.
Trước đó, lúc 11 giờ 00 phút ngày 22/09/2023, tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đảo Côn Đảo về hướng Đông Đông Nam khoảng 85 hải lý, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra, phát hiện tàu BV 5491 TS do Phạm Văn Mỹ (sinh năm 1966, thường trú tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) làm thuyền trưởng cùng 02 thuyền viên đang vận chuyển khoảng 50.000 lít chất lỏng, nghi là dầu DO.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Phạm Văn Mỹ khai nhận, số chất lỏng chứa trong các khoang tàu BV 5491 TS đều là dầu DO và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên.
Hiện, vụ việc đang được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngăn chặn các vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn”
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm “bẩn”, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Phát hiện nhiều vụ thực phẩm từ hết hạn đến không nguồn gốc
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 3.182 vụ về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý 2.241 vụ vi phạm, số tiền xử phạt gần 9,7 tỉ đồng, trị giá hàng hoá tịch thu vi phạm trên 2,3 tỉ đồng.
Điển hình như ngày 13/4, Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Mê Linh khám lô hàng hóa móng giò lợn đông lạnh của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú, Công ty đã đăng ký thay đổi tên là Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đã hết hạn sử dụng. Quá trình kiểm tra, xác minh, làm việc đã xác định Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú gửi, lưu giữ bảo quản 53.640 kg thùng móng giò lợn đông lạnh chứa ghi xuất xứ Canada quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.
Vụ vận chuyển gần 3 tấn thịt vịt, trứng gà non đông lạnh không rõ nguồn gốc vị lực lượng QLTT Bắc Ninh phát hiện.
Hay như vào ngày 20/6, sau khi nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô BKS: 15H-043.74 của ông Nguyễn Thắng Mạnh, có địa chỉ thường trú tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên phương tiện vận chuyển 1.800kg thịt vịt đã sơ chế (5kg/gói) có nguồn gốc từ Trung Quốc và 1.140kg trứng gà non đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Thắng Mạnh là chủ hàng chưa xuất trình được bất cứ hoá đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hoá nêu trên.
Đặc biệt nhiều vụ việc phát hiện hàng hóa đã bốc mùi hôi thối như vụ việc Đội QLTT số 5, Cục QLTT Sơn La đã phối hợp với Công an huyện Thuận Châu tiến hành kiểm tra phương tiện đối với một ô tô tải đang xuống hàng tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Q.V.T vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng khối lượng số hàng hóa gồm 300 kg nội tạng động vật. Toàn bộ số hàng hóa đều đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối…
Ngoài ra, theo ghi nhận của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các Đội QLTT đã kiểm tra 4.542 vụ chuyên ngành và phối hợp liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 39 vụ vi phạm. Theo đó, đã kiểm tra đột xuất và kiểm tra định kỳ 87 vụ, trong đó có 35 vụ vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm: hàng không hóa đơn chứng từ; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...Số lượng hàng hóa vi phạm tạm giữ gồm có 5.547 đơn vị sản phẩm và 1.414 kg thực phẩm các loại, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đã xử phạt hành chính với số tiền là 340.100.000 đồng.
Còn tại Kiên Giang, lực lượng QLTT luôn coi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Kết quả, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, từ ngày 15/4 – 15/5/2023, Cục QLTT Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra 50 vụ, phát hiện 6 vụ vi phạm về hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản (tôm sú nguyên liệu), không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Phạt tiền 28.500.000 đồng. Bên cạnh đó, Cục cử công chức tham gia phối hợp với lực lượng chức năng tuyến huyện, tỉnh kiểm tra 244 vụ, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, buộc tiêu hủy 14,16kg thực phẩm hết hạn sử dụng, còn lại nhắc nhở, buộc làm cam kết đối với một số cơ sở.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn
Có thể thấy, tình hình buôn bán, vận chuyển thực phẩm “ bẩn”, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chủng loại hàng hóa đa dạng hơn gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc phát hiện và xử lý.
Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng QLTT đã tăng cường công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, thực hiện thường xuyên, kịp thời. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn thực phẩm " bẩn", không rõ nguồn gốc.
Tổng cục QLTT đã văn bản số 361/TCQLTT-CNV ngày 27/2/2022 về việc triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023. Đồng thời, có văn bản số 604/TCQLTT-CNV ngày 31 tháng 3 năm 2023 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-BCĐTƯATTP ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm và triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Theo đó, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng.
Chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo,…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hành động, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ngăn chặn các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Công điện nêu rõ: Một số cơ quan truyền thông phản ánh, thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép vào Việt Nam nhất là từ Campuchia diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.
Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.
Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ trưởng và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Chỉ đạo cụ thể, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm trên lợn nhập lậu, bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào Việt Nam...
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào Việt Nam.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lưọng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển; xem xét, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam; kinh doanh trái phép lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn ra vào Việt Nam.
Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam...
Hà Tĩnh: Phá thành công chuyên án mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn
Theo trinh sát Công an TP Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Bích Mỹ và Nguyễn Thị Huế là 2 đối tượng cộm cán về mua bán ma túy ở Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ngày 20/7, thông tin từ Công an thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Bích Mỹ, sinh năm 1994 có HKTT tại xóm 1, xã Đức Bồng (Vũ Quang - Hà Tĩnh). Thu giữ của Mỹ khoảng 2500 viên thuốc lắc có khối lượng 976,8 gam, hai túi nilon chứa 124,6 gam Ketamine. Nguyễn Thị Bích Mỹ khai nhận số ma tuý trên được Mỹ mang theo nhằm mục đích bán kiếm lời.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Thị Bích Mỹ tại tổ dân phố Liên Phú, xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ hai túi nilon chứa 513.3 gam ketamine.
Mở rộng điều tra Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Tĩnh thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Thị Huế trú tại số nhà 33, đường Nguyễn Cư Trinh, TDP 9, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Số lượng ma túy lớn được thu giữ
Quá trình khám xét, cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ của Nguyễn Thị Huế: 15 túi nilon chứa 1.500 viên thuốc lắc có khối lượng 661,5 gam, ba túi nilon chứa 196,1 gam ketamine.
Được biết 2 đối tượng trong chuyên án là 2 đối tượng sừng sỏ về mua bán ma tuý quy mô lớn ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nguyễn Thị Bích Mỹ có một tiền án phạm tội về ma tuý vừa mới ra tù năm 2021, Nguyễn Thị Huế là đối tượng vừa bị Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy, đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú thì tiếp tục phạm tội.
Được biết trong quá trình tổ chức mua bán trái phép chất ma túy, để qua mặt cơ quan chức năng Mỹ tạo vỏ bọc là người kinh doanh thành đạt, cuộc sống sang chảnh.Hiện Công an thành phố Hà Tĩnh đang tiếp tục phối hợp phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Cà Mau: Đồn Biên phòng Sông Đốc bắt nhiều vụ buôn lậu
Ngày 8/7, Thiếu tá Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết, đơn vị vừa phát hiện 1 cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn nhập lậu thuốc lá.
Theo đó, vào trưa ngày 7/7, lực lượng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau kiểm tra cửa hàng bách hóa Hằng Hải ở thị trấn Sông Đốc. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện có 2 túi nilon màu đen, bên trong có 202 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu HERO, SCOTT và JET. Bước đầu chủ cơ sở thừa nhận hành vi bán thuốc lá điếu nhập lậu.
Tang vật thuốc lá bị thu giữ.
Vụ việc đang được Đồn Biên phòng Sông Đốc tiếp tục điều tra làm rõ và đã báo cáo, đề xuất Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã bắt quả tang 1 tàu chở 47.000 lít dầu không giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phát hiện 3 vụ buôn lậu dầu, với tổng lượng dầu lậu khoảng 200.000 lít.