Đăng nhập

Cục  QLTT Hải Dương xử lý 597 vụ vi phạm hàng hóa

Các hành vi vi phạm chủ yếu về giá, đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra 701 vụ, xử lý 597 vụ vi phạm hàng hóa, giảm 6 vụ kiểm tra, tăng 67 vụ vi phạm so với năm 2022. Các hành vi vi phạm chủ yếu về giá, vi phạm đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng, tăng gần 770 triệu đồng so với năm 2022.

Năm 2023, các hành vi kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong năm 2023, các hành vi kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp. Việc sử dụng mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh để kinh doanh hàng hóa vi phạm có chiều hướng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.

Tạm giam đối tượng tàng trữ trái phép hơn 14 kg pháo và tút pháo

Đối tượng Đặng Xuân Toản (sinh năm 1990, trú tại thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương) tàng trữ 7,719 kg pháo nổ và 6,3 kg tút pháo.

Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đặng Xuân Toản (sinh năm 1990, trú tại thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng, Gia Lộc) về tội buôn bán hàng cấm.

Đối tượng Đặng Xuân Toản tại cơ quan điều tra

Hồi 15 giờ 15 ngày 15/12, tại đường liên thôn thuộc địa phận thôn Phương Khê, tổ công tác của Công an huyện Gia Lộc phối hợp với Công an xã Hồng Hưng phát hiện, bắt quả tang Đặng Xuân Toản đang cất giấu 1 bao tải dứa, bên trong có 5 tràng gồm các vật trụ tròn màu đỏ. Kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định 5 tràng trên là pháo nổ, tổng khối lượng 7,719 kg.

Khám xét tại chỗ ở của Toản, lực lượng công an thu giữ thêm 1 bao dứa, bên trong chứa 6,3 kg tút pháo (vỏ pháo chưa có thuốc nổ), 1 lưỡi dao, nhiều lọ keo dán giấy và các công cụ để sản xuất pháo nổ.

Đối tượng Đặng Xuân Toản tại cơ quan điều tra

Làm việc với lực lượng công an, Toản khai 5 tràng pháo nổ trên Toản mua của một người đàn ông ở huyện An Lão (Hải Phòng) để bán lại kiếm lời. Toản chưa bán được cho ai thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Ngoài ra, qua trao đổi với người đàn ông bán pháo nổ cho mình, Toản biết được ở huyện An Lão, TP Hải Phòng có nhiều người làm pháo nổ. Họ thường mua sẵn các tút pháo về để nhồi thuốc và làm pháo. Chỉ cần làm được tút pháo thì có thể sang khu vực này bán dễ dàng với giá 1.000 đồng/1 tút. Nghe vậy, Toản đã về nhà tự làm và cất giấu các tút pháo tại chỗ ở của mình để mang sang Hải Phòng bán kiếm lời.

Đặng Xuân Toản từng có 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Quảng Ninh: Quyết liệt xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các điểm kinh doanh khu vực trường học

Lãnh đạo cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các đội Quản lý thị trường trực thuộc đồng loạt ra quân rà soát, kiểm tra tất cả các cửa hàng bán đồ ăn tại khu vực các trường học trên địa bàn tỉnh.

Trong đợt cao điểm ra quân, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát hơn 400 cửa hàng bán đồ ăn (bánh, kẹo, xúc xích, nước uống và các loại thực phẩm khác) tại khu vực các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, xử lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại các khu vực cổng trường học lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra đã xử lý, buộc tiêu hủy hơn 2000 sản phẩm gồm bánh kẹo, chân vịt tẩm ướp ăn liền, ô mai, xúc xích, đồ ăn vặt… do không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cá nhân bán hàng rong không có địa điểm kinh doanh cố định. Kiểm tra các hộ kinh doanh Lực lượng QLTT phát hiện và xử phạt 03 hộ kinh doanh với tổng số tiền gần 5.000.000đ, buộc tiêu hủy hàng trăm thanh kẹo que và các sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính cho thấy, tại các khu vực trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện tượng bày bán hàng hóa là thực phẩm không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường là có với quy mô, mức độ nhỏ lẻ, không phát sinh điểm nóng, vấn đề nổi cộm.

Tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến nghị phụ huynh và các em học sinh hạn chế sử dụng thực phẩm bán rong tại khu vực các trường học, không sử dụng thực phẩm có tem nhãn bằng chữ nước ngoài không có thông tin doanh nghiệp nhập khẩu, nhãn phụ bằng Tiếng Việt và các sản phẩm bánh kẹo không có thông tin nhà sản xuất, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bày bán tại khu vực trường học nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói dung để lực lượng quản lý thị trường kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về lưu thông hàng hóa cũng như các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đảm bảo ổn định tình hình thị trường trong những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1096/KH-QLTTQN ngày 09/11/2023 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, công tác kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch và được Cục Quản lý thị trường yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, có kết quả cụ thể. 

Hải quan Lào Cai xử lý 164 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan

Cục Hải quan Lào Cai đã công bố thông tin về tình hình xử lý vi phạm trên địa bàn, trong đó các vụ vi phạm chủ yếu mang tính chất nhỏ lẻ và không có điểm nóng đáng chú ý. Các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, gian lận thương mại và hàng giả.

Để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, Cục Hải quan Lào Cai đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường. Các biện pháp bao gồm trao đổi thông tin, tuần tra kiểm soát, và đấu tranh bắt giữ, xử lý những trường hợp vi phạm.

Hải quan Lào Cai phối hợp bắt giữ vụ vận chuyển pháo trái phép ngày 1/11/2023.

Đến hết tháng 10, đã có 164 vụ vi phạm được phát hiện, bao gồm 32 vụ vi phạm kiểm soát hải quan và 132 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tổng giá trị tang vật đạt 586 triệu đồng, và số tiền phạt là 41,6 triệu đồng. Các vi phạm hành chính liên quan đến gian lận thuế, giá, thủ tục hải quan, với tổng số tiền phạt là 407,8 triệu đồng.

Cùng với đó, thông qua việc sử dụng máy soi container, cục đã kiểm tra 4.554 lượt xe xuất nhập khẩu và xử lý 141 xe vi phạm chủ yếu liên quan đến khai sai chủng loại, tên hàng, số lượng.

Về tình hình xuất nhập khẩu, hết tháng 10 có 614 doanh nghiệp làm thủ tục tại cục, tăng 18 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.168,9 triệu USD, với xuất khẩu tăng 1,6% đạt 755,7 triệu USD và nhập khẩu giảm 19,9% đạt 413,1 triệu USD. Số thu ngân sách đạt 754,9 tỷ đồng, đạt 50,3% chỉ tiêu được giao, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022.

Kiên Giang: Triển khai kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Ngày 14/11/2023, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch số 1062/KH-QLTTKG cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT ngày 08/11/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, ngày 14/11/2023, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch số 1062/KH-QLTTKG cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo Kế hoạch, Cục triển khai đến các Đội QLTT trực thuộc tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng;

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tuyến trọng điểm trên địa bàn để chủ động xây dựng phương án, thực hiện có hiệu quả mục đích, yêu cầu nhiệm vụ được giao.

+ Đối với địa bàn có biên giới: rà soát, giám sát chặt chẽ kho, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa khu vực cửa khẩu, chợ biên giới, tuyến vận chuyển vào nội địa đối với các mặt hàng trọng điểm: đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử - điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

+ Đối với địa bàn nội địa: kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các tuyến đường có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, .. đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

- Phối hợp lực lượng chức năng địa phương và Đội QLTT có địa bàn biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ;

- Ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp trong đấu tranh chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ... trên môi trường thương mại điện tử.

Kế hoạch được tổ chức thực hiện từ ngày 15/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024.

Hà Giang: Kiểm tra, phát hiện 2.400 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hương Thu Hiền

Ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Hà Giang phát hiện phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-238.73 đang dừng đỗ tại địa bàn thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang để giao bán hàng hóa là hương (nhang) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Tăng cường công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 06 tháng 11 năm 2023 trong khi thực hiện nhiệm vụ Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện phương tiện xe ô tải biển kiểm soát 99C- 238.73 do ông Trương Văn Cương, sinh năm 1981, địa chỉ: thôn Yên Nho, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh điều khiển đang dừng đỗ tại tổ 3, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang để giao bán hàng hóa là hương (nhang), vàng mã các loại.

Đoàn kiểm tra kiểm tra chi tiết hàng hóa có dấu hiệu giả mạo

Bằng các biện pháp nghiệp vụ cho rằng trên phương tiện đang chở hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ. Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Đội Hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Bắc Quang tiến hành kiểm tra (khám) phương tiện vận tải nói trên. Qua kiểm tra (khám), phát hiện 2.400 thẻ hương (nhang) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hương Thu Hiền, chủ hàng là bà Trịnh Thị Thuy, sinh năm 1983, nơi thường trú tại: thôn Yên Nho, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tại thời điểm khám phương tiện chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Đội QLTT số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 2.400 thẻ hương (nhang) có dấu hiệu giả mạo nói trên để xác minh tình tiết, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiêu hủy gần 7.000 lít rượu không đảm bảo chất lượng

Thông tin từ Công an tỉnh Hưng Yên, Phòng Cảnh sát Kinh tế vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiêu hủy gần 7.000 lít rượu không đảm bảo chất lượng.

Ngày 13/10, Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần quốc tế V.T.T VN (địa chỉ tại thôn Cốc Ngang, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động). Tại thời điểm kiểm tra, Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm rượu thủ công. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa gồm 6.840 lít rượu các loại để xác minh.

Công ty Cổ phần quốc tế V.T.T VN đã được Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận này đã hết hiệu lực từ ngày 4/8/2023. Đến ngày 16/10, cơ quan chức năng xác định toàn bộ số rượu được sản xuất tại Công ty Cổ phần quốc tế V.T.T VN đang tạm giữ đều không đạt yêu cầu chất lượng chỉ tiêu hàm lượng Aldehyde theo TCVN 8010:2009.

Cơ quan chức năng xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với Công ty về hành vi sản xuất thực phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, đồng thời tiêu hủy số rượu trên theo quy định.

Hà Giang: Xử Phạt 16 Triệu Đồng Cho Cửa Hàng Kinh Doanh Hàng Giả Mạo APPLE và SAMSUNG

Đội Quản Lý Thị Trường Số 9, Cục Quản Lý Thị Trường Tỉnh Hà Giang, đã tiến hành xử phạt số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy 117 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu APPLE và SAMSUNG tại cửa hàng điện thoại HHT Mobile. Sự kiện này là một phần của nỗ lực của chính quyền để đối phó với hàng giả mạo và đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng trong thời gian sôi động của mùa mua sắm cuối năm.

Trước đó ngày 09/10/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng điện thoại HHT Mobile tại thôn Sửu, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở đang trưng bày để bán hàng hóa gồm 117 sản phẩm phụ kiện điện thoại (tai nghe, củ sạc, Jack chuyển đổi Iphone, sạc dự phòng) có gắn nhãn hiệu của APPLE và SAM SUNG đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận và bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Quốc Hải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Qua đấu tranh làm rõ, chủ cơ sở khai nhận toàn bộ hàng hóa đều không phải hàng chính hãng, được ông mua trôi nổi do có giá thành rẻ và bán lợi nhuận cao nên mua về bán, các hàng hóa khi mua hoàn toàn không có giấy tờ, chứng từ mua bán. Theo giá bán niêm yết hàng hóa được xác định có tổng trị giá là 15.520.000 đồng.

Sau khi phối hợp với đại diện các chủ thể quyền xác định 117 sản phẩm quần áo trên giả mạo các nhãn hiệu APPLE, SAMSUNG đã được bảo hộ tại Việt Nam, Đội QLTT số 9 đã trình Cục QLTT tỉnh Hà Giang ban hành quyết định xử phạt số tiền 16 triệu đối với hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời buộc chủ cơ sở thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo.

Trong thời gian tới là dịp cuối năm hoạt động mua bán, trao đổi sẽ hết sức sôi động, Đội QLTT số 9 sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.

Buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài có vi phạm pháp luật không?

Việc xử lý hành vi buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài được quy định cụ thể tại Điểm b Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 9 Điều 33 Nghị định 67/2017/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, cụ thể như sau:

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển tàu DO không rõ nguồn gốc, xuất xứ

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây nếu trị giá xăng dầu đến 10.000.000 đồng:

...

b) Buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ 100.000.000 đồng trở lên và chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

...

9. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu xăng dầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Như vậy, đối với hành vi buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, tùy vào giá trị xăng dầu được buôn bán, trao đổi mà mức phạt tiền sẽ được áp dụng tương ứng. Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu xăng dầu đối với hành vi đó.

Trên đây là những tư vấn của Ban Biên tập về việc xử lý hành vi buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài. Hi vọng rằng giải đáp trên sẽ giúp ích được nhiều cho quý độc giả. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, vui lòng tìm và tham khảo thêm tại Nghị định 67/2017/NĐ-CP.

Ngăn Chặn Kịp Thời Gần 1.100 Chai Nước Tẩy Bồn Cầu Giả Nhãn Hiệu Okay Tại Phú Yên

Vào sáng ngày 18/10/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Công an tỉnh tiến hành kiểm tra một ô tô tải biển kiểm soát 29H-792.75 do tài xế Nguyễn Chính Bắc, sinh năm 1972, trú xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang điều khiển qua địa bàn Phú Yên.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có tổng cộng 1.080 chai nước tẩy bồn cầu, đựng trong 90 thùng carton, với nhãn hiệu Okay và xuất xứ Thái Lan. Tuy nhiên, lái xe không thể xuất trình được hóa đơn và chứng từ hợp pháp liên quan đến nguồn gốc và xuất xứ của hàng hóa, vi phạm quy định của pháp luật.

Qua kiểm tra thực tế, toàn bộ số nước tẩy trên xe được xác định có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Okay. Đội Quản lý thị trường số 1 đã gửi văn bản đến Công ty TNHH Hà Sơn Nam, đề nghị giám định hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Okay. Công ty này đã kết luận rằng 1.080 chai nước tẩy bồn cầu hiệu Okay kiểm tra là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nước tẩy OKAY của nhà sản xuất WhiteHouse Cleaning Products Co., Ltd (Thailand) đã đăng ký bảo hộ tại nước CHXHCN Việt Nam.

Theo lời khai của tài xế Nguyễn Chính Bắc, vào lúc 11 giờ ngày 17/10/2023, ông Bắc đã nhận cuộc gọi từ một số điện thoại không xác định (số điện thoại 0387561159) và được thuê đến khu vực gần khu công nghiệp VSIP 1 Bình Dương để nhận 90 thùng nước tẩy bồn cầu, vận chuyển ra Thanh Hóa với giá cước 2 triệu đồng. Ông Bắc cũng không biết người nhận hàng là ai hoặc địa chỉ cụ thể ở Thanh Hóa. Người gửi hàng cung cấp cho ông Bắc chỉ thông tin rằng khi xe đến Thanh Hóa, sẽ có người chủ động gọi điện và tiến hành nhận hàng. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, người gửi số điện thoại 0387561159 không thể cung cấp giấy tờ liên quan đến lô hàng.

Tổng trị giá của hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 32.400.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật liên quan đến vi phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Tuy Hòa) để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.