Sơn La: Bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép
Ngày 18/12, Công an Thành phố đã bắt đối tượng đang có hành vi buôn bán pháo nổ trái phép.
Theo đó, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Sơn La làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 6 thuộc bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Quàng Văn Hoàng, sinh năm 1994, trú tại bản Thé Dửn, xã Chiềng Xôm, đang có hành vi buôn bán pháo nổ trái phép.
Đối tượng Quàng Văn Hoàng cùng tang vật tại cơ quan Công an.
Tang vật thu giữ gồm 9 tràng pháo nổ có khối lượng trên 11,2 kg, 1 điện thoại di động, 700 nghìn đồng cùng một số vật chứng liên quan khác. Đối tượng Quàng Văn Hoàng khai nhận được thuê bán số pháo nổ trên với giá 700 nghìn đồng tiền công.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Sơn La đang mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cảnh sát biển bắt giữ tàu cá vận chuyển 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Ngày 3/12, Đoàn Trinh sát số 2 (Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết vừa bắt giữ một tàu cá đang vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên biển.
Trước đó, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 2/12, tại khu vực biển cách Tây Nam đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khoảng 36 hải lý, Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 đã phát hiện tàu cá vỏ gỗ số hiệu KG-94922-TS có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra.
Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 kiểm tra hàng hóa trên tàu KG-94922-TS.
Qua kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Trần Thanh Tuấn (SN 1982, quê tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa vận chuyển trên tàu; đồng thời, thuyền viên không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến phương tiện.
Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 niêm phong hàng hóa trên tàu vi phạm.
Đến 14 giờ 30 phút ngày 3/12, tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 đã dẫn giải tàu vi phạm về cảng Hải đội 422, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để bàn giao và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE
Ngày 13/11/2024, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, Đội Quản lý thị trường số 3 vừa kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 20 sản phẩm giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam có giá trị gần 5.000.000 đồng.
Cụ thể, ngày 11/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh giày dép, quần áo thời trang các loại của Hộ kinh doanh T.T.Đ do ông T.T.Đ làm chủ cơ sở kinh doanh, địa chỉ: Tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang trưng bày để bán gần 20 sản phẩm giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam có giá trị gần 5.000.000 đồng, chủ cơ sở là ông T.T.Đ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm hàng hóa nói trên.
Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE bị tạm giữ.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Thu nộp ngân sách hơn 294 tỷ đồng từ chống hàng lậu, hàng giả
Trong tháng 10, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 294 tỷ đồng.
Cụ thể, báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2024, đã có 2.572 vụ kiểm tra, trong đó xử lý 2.295 vụ vi phạm. Con số này bao gồm 232 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, 183 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, và 1.880 vụ gian lận thương mại. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 294,347 tỷ đồng, trong đó có 1.669 vụ xử lý vi phạm hành chính và 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.
Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các mặt hàng như rượu, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ điện tử. Để ngăn chặn các hành vi này, các cơ quan đã tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm trên địa bàn Thành phố.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng đã thực hiện các kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Các kế hoạch nổi bật bao gồm: Kế hoạch số 111 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường kiểm soát tại các cảng hàng không quốc tế, Kế hoạch số 92 về phòng chống hàng lậu và hàng giả trên các tuyến biên giới và nội địa và Kế hoạch số 399 về chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều kế hoạch khác nhằm tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống buôn lậu.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát và triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND Thành phố. Đơn vị đã thực hiện 532 cuộc thanh tra, xử lý hành chính 429 vụ và thu phạt 4,876 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng vi phạm lên tới 2,85 tỷ đồng.
Công an TP. Hà Nội cũng đã thực hiện các đợt kiểm tra, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm tàng trữ, sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả. Trong tháng, lực lượng công an đã xử lý 236 vụ và phạt hành chính 2,922 tỷ đồng, truy thu thuế và thu hồi 13,191 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng vi phạm bị phát hiện là 18,145 tỷ đồng, có 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.
Cục Hải quan Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các tuyến, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, bao gồm các hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, xử lý 163 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 9 tỷ đồng và trị giá hàng vi phạm 21,8 tỷ đồng.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại hệ thống bán lẻ.
Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách nhà nước; không để các tổ chức, cá nhân vi phạm lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế; Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Kết quả, trong tháng 10, Cục thuế Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.400 doanh nghiệp, xử lý 1.399 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính 87,565 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 175 tỷ 130 triệu đồng.
Trong tháng 10, Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả; việc sử dụng thuốc và trang thiết bị tại phòng khám nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, nhà hàng, chế biến suất ăn sẵn); sản xuất nước uống đóng chai, nước giải khát, kem, bia…; việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; kinh doanh, sử dụng phụ gia, nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Trong tháng, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra 52 vụ, xử phạt 22 vụ vi phạm với số tiền phạt 785 triệu đồng.
Các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phối hợp thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo từ cấp trên. Các nỗ lực đồng bộ này nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, và nâng cao nhận thức về đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả./.
Lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 38.000 vụ vi phạm trong 9 tháng năm 2024
9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ; phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể trong 9 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023-14/9/2024), lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm (giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển Cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự . Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước 440 tỷ đồng đạt gần 99% chỉ tiêu đăng ký thi đua cả năm 2024.
Có 22 đơn vị vượt chỉ tiêu thi đua cả năm gồm các Cục QLTT tỉnh Hưng Yên (vượt 164%), Quảng Bình (vượt 100%), Phú Yên (vượt 74%); Quảng Trị (vượt 58%), Quảng Ninh (vượt 39%), Long An (vượt 34%), Bắc Giang (vượt 23), Hải Dương (vượt 19), Hà Nam (vượt 14), Tiền Giang (vượt 13%), Hà Giang (vượt 11%), Bến Tre (vượt 11%), Hà Nội (vượt 10%), Quảng Ngãi (vượt 10%), Cao Bằng (vượt 8%), Đà Nẵng (vượt 6%), Đồng Tháp (vượt 6%), Đắk Lắk (vượt 5%), Thái Nguyên (vượt 5%), An Giang (vượt 4%), Cần Thơ (vượt 3%), Lai Châu (vượt 1%).
13 đơn vị đạt trên 90%, gồm các Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Nghệ An, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Cục Nghiệp vụ QLTT, Lào Cai, Bình Định, Thái Bình, Lâm Đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, đối với lĩnh vực hàng giả: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 122 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 15,5 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao: Tiền Giang (30 vụ), Bến Tre (16 vụ), Vĩnh Long (11 vụ), Kiên Giang (9 vụ), Hậu Giang (9 vụ).
Đối với hàng xâm phạm quyền SHTT: 9 tháng năm lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 3.961 vụ vi phạm xử phạt vi phạm hành chính 54,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 12,2 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao: Hà Nội (1.035 vụ), TP. Hồ Chí Minh (947 vụ), Quảng Ninh (176 vụ), Đà Nẵng (159 vụ), Thái Nguyên (128 vụ), Thanh Hóa (118 vụ).
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.
Đối với mặt hàng vàng: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 498 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 12,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 21,5 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng xăng dầu: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 343 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới: xử lý 752 vụ, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 03 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 5,5 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng đường cát: phát hiện, xử lý 86 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 5,7 tỷ đồng. Thu giữ: 312.972 kg đường cát. Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra: 01 vụ.
Đối với mặt hàng đồ chơi bạo lực: phát hiện, xử lý 55 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 500 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 1,4 tỷ đồng; thu giữ 24.893 sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ
Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Trên mặt sàn rộng hàng trăm m2 nằm tại tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, là nơi các nhân viên thực hiện chốt đơn và “cày view” cho các video giới thiệu về các sản phẩm như nước hoa, son, bàn chải điện đăng bán chủ yếu trên Tiktok và Facebook. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T làm Tổng Giám đốc.
Ngay đầu giờ sáng ngày 03/10, Đoàn kiểm tra của Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT đã có mặt tại địa điểm nêu trên. Hàng chục nhân viên cũng như đại diện Công ty Zenpali khá bất ngờ trước sự xuất hiện của Đoàn kiểm tra.
Khu vực livestream sản phẩm
Tại đây, Đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực livestream, khu vực chốt đơn, khu vực máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, khoa học nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000m2.
Tại khu vực đóng gói, Đoàn kiểm tra ghi nhận 02 bao tải dứa chứa hàng trăm đơn hàng là nước hoa đã được đóng gói hoàn chỉnh được chốt từ phiên live trước đó. Phía trên mỗi đơn hàng ghi thông tin người nhận ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Quảng Ninh, Tây Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... Mỗi đơn hàng có giá vài chục, đến vài trăm nghìn đồng, chờ giao cho đơn vị vận chuyển J&T Express để vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Nhanh chóng xác định vị trí kho hàng của Công ty, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục thùng carton được xếp thành từng chồng cao, vẫn nguyên đai nguyên kiện. Kiểm đếm thực tế, Đoàn ghi nhận trên 10.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook dưới một số tài khoản, điển hình như tài khoản “Phan Thủy Tiên” với hơn 4 triệu lượt follow - Đây cũng chính là hot Tiktoker bán hàng nổi tiếng trên nền tảng Tiktokshop trong thời gian qua.
Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra ghi nhận trên các sản phẩm nước hoa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ; trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, tuy nhiên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Phía dưới đáy vỏ hộp có các mã vạch với các đầu số “697…”. Hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện Công ty xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu vào năm 2018 và Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh đăng ký lần đầu năm năm 2023. Đối với sản phẩm là lô nước hoa, phía công ty chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Đoàn kiểm tra đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại hàng hóa và tiến hành các thủ tục niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng TMĐT đang được toàn lực lượng Quản lý thị trường tăng cường triển khai, thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 319). Trong thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng TMĐT như tiktok, facebook đã được lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý, trong đó có cả việc kiểm tra xử lý đối với những hot girl bán hàng nổi tiếng như Mai Ly..., chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Hà Giang: Tiêu hủy lô hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI
Ngày 25/9/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã giám sát tiêu huỷ gần 50 sản phẩm là phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI.
Trước đó, ngày 17/9/2024, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH MTV Kim H, địa chỉ: Tổ 3, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do ông Nguyễn Đình H, sinh năm 1979 làm đại diện.
Hàng hóa là lọc dầu và lọc gió giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI
Kết quả kiểm tra tại khu vực trưng bày, phụ tùng thay thế xe ô tô của Công ty đang kinh doanh hàng hóa gồm có: 48 sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu “HYUNDAI”. Trên sản phẩm không có logo của HYUNDAI hoặc có logo nhưng in không đúng quy cách sản phẩm hàng chính hãng, không có tem chính hãng trên vỏ hộp, bao bì sản phẩm được đóng gói thủ công không theo quy cách tiêu chuẩn hàng chính hãng. Trị giá hàng hóa vi phạm tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là 4.820.000 đồng. Đại diện Công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Căn cứ các dấu hiệu vi phạm Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.
Hình ảnh tiêu huỷ hàng hoá vi phạm
Ngày 20/9/2024, Sau khi kết thúc quá trình thẩm tra, xác minh. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH MTV Kim H, địa chỉ: Tổ 3, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, số tiền 12.000.000 Đồng. Đồng thời buộc tiêu huỷ 48 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI theo quy định của pháp luật.
Việc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhằm xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn hiệu và người tiêu dùng. Góp phần tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân và trong doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xất xứ.
Nghệ An: Phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm kẹo, bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập biên bản xử phạt và đồng thời tiêu hủy hơn 39.000 sản phẩm kẹo, bánh trung thu không rõ nguồn gốc.
Ngày 14/9, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 200 vụ với các vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… dịp Tết Trung thu.
Đoàn liên ngành kiểm tra tại một điểm kinh doanh bánh Trung thu.
Ngày 11/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường tỉnh chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hộ P.T.N. SN 1985, thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phát hiện, thu giữ 1.776 sản phẩm bánh Trung thu các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năg tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Trung thu.
Trước đó, ngày 27/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại đường Phạm Nguyễn Du thuộc phường Vinh Tân, Tp.Vinh. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở kinh doanh có gần 20.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm (như súng, dao&hellip và kẹo, bánh trung thu các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Hiện, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số hàng trên và tiếp tục xác minh, làm rõ.
Tiếp đó, ngày 9/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Đinh Công Tráng (phường Lê Mao, TP.Vinh). Quá trình kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 18.000 đồ chơi Trung thu cho trẻ em không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ,…
Hiện, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Cà Mau: Trao tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả
Ngày 29 tháng 8 năm 2024, Cục quản lý thị trường tỉnh Cà Mau tổ chức lễ trao tặng Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2023, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tỉnh Cà Mau cho các tập thể, cá nhân lập thành tích đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ.
Đ/c Trần Quốc Phương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau công bố Quyết định về việc tặng thưởng Bằng khen về thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023.
Đồng chí Huỳnh Vũ Phong - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau chủ trì buổi lễ,cùng tham dự có Đại tá Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Cục QLTT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Đội QLTT trục thuộc, đại diện các tập thể, cá nhân được khen thưởng, cùng đại diện Báo Cà Mau, Đài Phát thanh – Truyền hình đến dự và đưa tin.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó trưởng BCĐ 389 tỉnh, trao Bằng khen của BCĐ 389 quốc gia cho 2 tập thể.
Đồng chí Trần Quốc Phương – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau đã công bố Quyết định số 15/QĐ-BCĐ389 ngày 26 tháng 3 năm 2024 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về việc tặng thưởng Bằng khen về thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023.
Đ/c Huỳnh Vũ Phong - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ389 tỉnh trao Bằng khen của BCĐ 389 quốc gia cho các cá nhân
Đ/c Huỳnh Vũ Phong - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ389 tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân
Đ/c Huỳnh Văn Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, trao Giấy khen của Cục trưởng Cục QLTT cho các cá nhân
Tại buỗi lễ đã trao Bằng khen của BCĐ 389 quốc gia cho 02 tập thể và 04 cá nhân gồm: Tập thể Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, tập thể Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; 4 cá nhân gồm: Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau; ông Kiều Trung Tính, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh; Thượng tá Cao Anh Kiệt, Trưởng Công an huyện Ngọc Hiển, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, môi trường, Công an tỉnh Cà Mau; Ông Phạm Văn Út, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Cà Mau; Bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau cho 01 tập thể và 05 cá nhân và giấy khen của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cho 04 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày 18 tháng 6 năm 2024 trên địa bàn TP Cà Mau. Đây là vụ việc điển hình trong việc kiểm tra ngăn chặn vi phạm trên thương mại điện tử đã được Cục quản lý thị trường tỉnh phát hiện và xử lý./.
Thanh Hóa: Thu giữ số lượng lớn đồ chơi, thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ngày 28/8/2024, Lực lượng quản lý thị trường thông tin cho biết, vừa phát hiện, thu giữ 1.000 sản phẩm gồm: súng, kiếm nhựa, đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất; 10.000 sản phẩm là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngày 27/8/2024, Đội Quản lý Thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khám nơi cất giấu đối với kho hàng hóa của hộ kinh doanh tạp hóa Thanh Mai do bà Nguyễn Thị Mai, có địa chỉ tại 23/23 Phan Bội Châu, phường ba Đình, TP Thanh Hóa là chủ cửa hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, kiểm đếm, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng hóa gồm 1.000 sản phẩm gồm: súng, kiếm nhựa, đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất; 10.000 sản phẩm là thực phẩm gồm: thạch, kẹo, bim bim, mỳ tôm, mực ăn liền, chân gà... Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết khoảng hơn 40 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng khai nhận, thu mua của các đơn vị về, vận chuyển đi các cửa hàng tạp hóa để bán kiếm lời.
Số hàng hoá là thực phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ
Đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.