Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán khí cười quy mô lớn
Ngày 18/5/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán hàng cấm - khí cười (N2O) với số lượng cực lớn.
Đường dây này có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh… với phương thức thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã lập chuyên án, tập trung lực lượng, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt xóa.
Bên trong một cơ sở sản xuất trái phép khí N2O mà Công an Thanh Hóa phát hiện, triệt phá.
Khoảng 1h ngày 2/5, tại quán H2 Lounge, ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an thị trấn Bút Sơn tiến hành kiểm tra hành chính 4 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại TP Hà Nội.
Cả 4 đều dương tính với ma túy. Khám xét nơi lưu trú, công an thu giữ 1 bình khí N2O nặng 2,2 kg cùng nhiều tang vật liên quan đến việc sử dụng ma túy.
Cơ quan chức năng làm việc với các đối tượng trong vụ án
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ đối tượng Nguyễn Phương Tây (SN 1985) trú tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, thu giữ 12 túi ma túy đá, 10 túi Ketamin, khoảng 500 viên ma túy hồng phiến, 120 viên ma túy thuốc lắc, 1 túi heroin, 5 túi nước vui.
Khám xét tại một chung cư ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội, lực lượng chức năng còn phát hiện 5 đối tượng có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 20 viên ma túy thuốc lắc, 10 túi Ketamin và 1 bộ dụng cụ dùng vào việc sử dụng ma túy.
Ngoài ra, Công an tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp với Công an TP Hà Nội, Hải Phòng và Công an các xã, phường có liên quan tổ chức bao vây, khám xét khẩn cấp đồng loạt tại 3 nhà xưởng các đối tượng thuê, đặt máy móc để sản xuất khí N2O.
Lực lượng công an đã thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, sang chiết khí N2O; 177 bình kim loại chứa khí nén N2O (mỗi bình chứa khoảng 30kg khí N2O,) tương đương với 5,25 tấn khí; 27 vỏ bình kim loại; khoảng 130kg nguyên liệu dùng để sản xuất khí N2O; các giấy tờ, tài liệu ghi sản lượng và cách thức hoạt động, vận hành máy móc.
Nguyên liệu dùng để sản xuất và thành phẩm là các bình khí N2O mà các đối tượng sản xuất chuẩn bị tuồn ra thị trường.
Khám xét kho xưởng cách khu vực sản xuất khoảng 500m, lực lượng Công an thu giữ khoảng 12 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất khí cười…
Hoạt động tại cơ sở này do Lương Thái Linh cùng các đối tượng Nguyễn Ngọc Bình (SN 1992) trú tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội và Tô Thế Minh Trí (SN 1993) ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng góp vốn mua máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để vận hành, tự sản xuất.
Đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, tạm giữ hình sự 11 đối tượng có liên quan để điều tra, làm rõ về các tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”, “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
TP HCM kiểm tra ATTP nhóm sữa, thực phẩm chức năng
Ngày 21/4, Sở An toàn thực phẩm TP HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
Trong đó, tập trung vào các sản phẩm/nhóm sản phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm/nhóm sản phẩm: Sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt...
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, ATTP, gửi mẫu kiểm nghiệm.
Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được kiểm tra.
Một hoạt động kiểm tra của Sở ATTP TPHCM với sự giám sát của đại biểu HĐND TPHCM.
Theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc nhóm chuyên đề nêu. Nội dung kiểm tra bao gồm toàn bộ hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm, nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, hồ sơ nhập khẩu, tài liệu quảng cáo và giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở cũng là tiêu chí quan trọng. Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá các yếu tố như vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, nhân sự trực tiếp tham gia sản xuất - kinh doanh…
Đối với các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hoặc không đảm bảo an toàn, đoàn sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định.
Các cơ sở có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như GMP, HACCP, ISO 22000, BRC, FSSC 22000… cũng sẽ được kiểm tra chéo để đối chiếu việc thực hiện thực tế với hồ sơ công bố.
Thời gian kiểm tra diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 30/5.
Hải đoàn Biên phòng 18 bắt giữ tàu chở hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ
Ngày 29-3, Biên đội I/25, Hải đoàn Biên phòng 18 (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã dẫn giải tàu BT 92009 TS về cảng của Hải đoàn để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển khoảng 10.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng.
Trước đó, vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 28-3, tại vùng biển tỉnh Bến Tre, Biên đội I/25, Hải đoàn Biên phòng 18, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển được giao, phát hiện tàu BT 92009 TS có nhiều biểu hiện nghi vấn và tiến hành kiểm tra.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện và hàng hóa trên tàu BT 92009TS.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 6 thuyền viên, do ông Lê Hoàng Thi (sinh năm 1985, trú tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng.
Về hàng hóa trên tàu, thuyền trưởng Lê Hoàng Thi khai nhận tàu đang vận chuyển khoảng 10.000 lít dầu chưa rõ chất lượng. Ông Thi không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và tính hợp pháp lô hàng trên.
Dẫn giải tàu BT 92009 TS về cảng.
Lực lượng chức năng Hải đoàn Biên phòng 18 đã lập biên bản, dẫn giải tàu BT 92009 TS về cảng Hải đoàn Biên phòng 18 để tiếp tục tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đắk Nông: Kinh doanh hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều hộ kinh doanh bị xử phạt
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông về việc mở đợt cao điểm kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 13 vụ vi phạm về hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các vi phạm khác trong kinh doanh, xử phạt 105 triệu đồng
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Quản lý thị trường số 4 bằng biện pháp nghiệp vụ đã tiến hành kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý 13 đơn vị, thu nộp ngân sách 105.000.000 đồng. Trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 53.246.000 đồng.
Lực lượng chức năng giám sát, buộc tiêu hủy giày dép giả nhãn hiệu Nike
Hàng hóa buộc tiêu hủy gồm 131 bộ quần áo thể thao giả nhãn hiệu Adidas, 64 đôi giày, dép giả nhãn hiệu Adidas và NiKe; 40kg bò khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bò khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ buộc tiêu hủy
Các đối tượng vi phạm chủ yếu là các đơn vị kinh doanh quần áo tại địa bàn thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil và thị trấn Đức An, huyện Đắk Song. Đối tượng kinh doanh bán bò khô không có nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện khi đối tượng đăng quảng cáo, bán trên môi trường mạng.
Giám sát, buộc tiêu hủy quần áo thể thao giả nhãn hiệu Adidas
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục bám sát địa bàn được phân công để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Đà Nẵng: Tạm giữ hơn 1.640 đơn vị sản phẩm là bánh kẹo các loại nhập lậu
Kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh hàng hoá là bánh kẹo các loại trên địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng; Đội QLTT số 5 tạm giữ hơn 67 thùng hàng hóa với 1.640 đơn vị sản phẩm là bánh kẹo các loại nhập lậu, có trị giá hơn 31 triệu đồng
Ngày 08/01/2025, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 5 quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Phòng thanh tra - Pháp chế, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng thực hiện kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện nhiều hàng hóa là thực phẩm bao gói sẵn nhập lậu
Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh đang kinh doanh 1.640 đơn vị sản phẩm là bánh, kẹo nhập khẩu các loại không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 31.460.000 đồng.
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại hộ kinh doanh
Đội QLTT số 5 đã hoàn thiện hồ sơ và trình Cục trưởng Cục QLTT thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh về hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo quy định; số tiền xử phạt 30.000.000 đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.