Quảng Bình: Bắt giữ 2 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy
Ngày 31/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng đấu tranh, triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh.
Trước đó, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 29/12, tại thôn Nam Đức, xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Lý Hòa, Công an xã Đức Trạch bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị H. (SN 1983, thường trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tạm trú tại xã Đức Trạch) tàng trữ trái phép 230 viên ma túy tổng hợp.
Đối tượng Nguyễn Thị H. và Hồ Đăng C.
Mở rộng điều tra, lực lượng BĐBP tỉnh đã làm rõ đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Quảng Trị ra khu vực biên giới biển tỉnh Quảng Bình tiêu thụ, bắt giữ thêm 2 đối tượng, gồm: Hồ Đăng C. (SN 1983, trú tại thôn Nam Đức, xã Đức Trạch) và Võ Minh P. (SN 1985, ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Các lực lượng phối hợp khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Thị H.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Võ Minh P., lực lượng chức năng thu giữ thêm 20 viên ma túy tổng hợp.
Hiện, BĐBP tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Bình: Thu giữ gần 1.600 chai rượu nhập lậu
Ngày 19/12/2024, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 1.600 chai rượu ngoại nhập lậu đang trên đường từ Quảng Trị ra Hà Nội tiêu thụ.
Theo đó, khoảng 3 giờ 30 phút ngày 18/12/2024, tại Quốc lộ 1A đoạn thuộc địa phận xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp với Phòng CSGT, đón dừng ô tô tải mang BKS 43H-027... do Lê Minh Hiếu (SN 2000, trú tại xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) điều khiển thì phát hiện sự việc.
Số rượu lậu bị thu giữ
Qua kiểm tra, trên xe vận chuyển 1.579 chai rượu mang nhãn mác nước ngoài, không dán tem nhập khẩu và không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
Lực lượng chức năng đang kiểm đếm tang vật thu giữ được.
Bước đầu làm rõ, lái xe Lê Minh Hiếu khai nhận số rượu này được vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ.
Hiện Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Bình đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định.
Nam Định: Thu giữ 1.200 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 3/12, Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ 1.200 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với đối với hộ kinh doanh Tóc Xinh tại thôn Nhân Phú, xã Mỹ Thuận, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Theo đó, sau thời gian theo dõi, quản lý địa bàn kết hợp với tin báo của Nhân dân, ngày 27/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Nam Định tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Tóc Xinh do ông Trần Tuấn Cường là chủ cơ sở.
Lực lượng QLTT tỉnh Nam Định niêm phong hàng hóa vi phạm
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.200 sản phẩm mỹ phẩm đang bày bán tại cửa hàng gồm thuốc nhuộm tóc các loại có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ tổng trị giá gần 50 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên.
Kết quả xác minh cho thấy, toàn bộ số mỹ phẩm trên đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, hộ kinh doanh Tóc Xinh hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thực hiện việc thông báo cho cấp có thẩm quyền nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Tóc Xinh về 2 hành vi: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Hà Nội: Phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng
Đoàn kiểm tra liên ngành do Ban chỉ đạo 389 Thành phố thành lập, giao Cục QLTT Hà Nội chủ trì chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo. Đoàn triển khai liên ngành được triển khai trong thời gian ngắn đã liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn, cụ thể:
Ngày 11/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 (Ban chỉ đạo 389 Thành phố) do Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng tại huyện Hoài Đức.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang sử dụng máy may công nghiệp để may các vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: BMW, Mercedes, Audi, Lexus, Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Hyundai, Kia, Mazda...lên các phụ kiện ô tô.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tạm giữ 1.851 thành phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cao Bằng: Xử phạt 02 cửa hàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên TMĐT
Ngày 31/10/2024, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính đối với hai cửa hàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng thương mại điện tử.
Cụ thể, tại cửa hàng Pixie giày dép, túi xách Nữ và thời trang trẻ em, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hộ kinh doanh bà N.T.H.V về hành vi kinh doanh 05 loại mặt hàng như váy trẻ em, túi xách nữ, ba lô học sinh, giày dép không rõ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 6.620.000 đồng.
Đội QLTT số 5 kiểm tra hộ kinh doanh N.T.H.V
Đối với hộ kinh doanh L.T.P, chủ cửa hàng quần áo CitimodeKenvaCaobang, cơ quan chức năng cũng phát hiện và lập biên bản vi phạm về hành vi kinh doanh 03 loại mặt hàng là quần Baggy nữ, đầm nữ, áo sơ mi nữ không rõ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 11.290.000 đồng.
Đội Quản lý thị trường số 5 đã quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh bà N.T.H.V số tiền 4.000.000 đồng và hộ kinh doanh bà L.T.P số tiền 6.000.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa vi phạm của cả hai hộ kinh doanh đều bị tịch thu để xử lý theo quy định.
Bình Thuận: Phát hiện 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Ngày 14/10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với hộ kinh doanh N.T.H vì đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao.
Trước đó, ngày 11/10/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh N.T.H ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hộ bà H đang kinh doanh lô hàng 1.450 bao thuốc lá điếu gồm: 750 bao thuốc nhãn hiệu Scott, 90 bao thuốc nhãn hiệu Hero, 40 bao thuốc nhãn hiệu 555, 570 bao thuốc nhãn hiệu Jet. Số thuốc lá này không dán tem thuốc lá điếu nhập khẩu trên bao gói, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị lô hàng được tính theo giá niêm yết tại hộ kinh doanh là 24.890.000 đồng.
Số thuốc lá lực lượng Quản lý thị trường phát hiện tại hộ kinh doanh của bà N.T.H
Tại thời điểm kiểm tra, bà N.T.H thừa nhận toàn bộ lô hàng 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu nêu trên được bà mua từ một người đàn ông lạ mặt, không rõ lai lịch và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sau khi mua số thuốc trên, bà H chưa kịp bán ra thị trường thì đã bị Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, tạm giữ.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã có tờ trình vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh N.T.H đã có hành vi vi phạm hành chính, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao, quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ) với mức phạt tiền là 80 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại.
Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh lạp xưởng không rõ nguồn gốc
Ngày 27/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết, đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hà Văn Biên tại thị trấn Than Uyên phát hiện kinh doanh lạp xưởng không rõ nguồn gốc...
Qua nắm bắt thu thập xác minh thông tin trên nền tảng mạng xã hội phát hiện một cá nhân thực hiện bán hàng online thông qua hình thức đăng bài trên mạng xã hội bằng tài khoản trang cá nhân "Nguyễn Thị Tươi (Hải sản Biên Tươi)" có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Triển khai công tác kiểm tra, vào hồi 17 giờ 30 phút, ngày 26/9, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Hà Văn Biên, có địa chỉ tại: Đường 15/10, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu…
Đội Quản lý thị trường số 3 (Lai Châu) tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện ông Biên đang bày bán hàng hóa gồm 50 gói lạp xưởng, có trị giá hàng hóa được tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là 4,5 triệu đồng. Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Quá trình làm việc chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng lạp xưởng nói trên.
50 gói lạp xưởng không rõ nguồn gốc bày bán tại hộ kinh doanh Hà Văn Biên, thị trấn Than Uyên
Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng, cùng với đó buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường theo quy định.
Đồng Nai: Phát hiện một điểm bán hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Đồng Nai) vừa kiểm tra và phát hiện một điểm tập kết, kinh doanh hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ tại xã Bình An, huyện Long Thành.
Đội QLTT số 4 thực hiện kiểm tra tại điểm tập kết hàng do ông V.M.Đ làm chủ tại xã Bình An, huyện Long Thành.
Theo đó, vào đầu tháng 9, khi tiến hành kiểm tra đột xuất đối với điểm tập kết hàng hóa (quần áo) do ông V.M.Đ làm chủ (ngụ xã Bình An, huyện Long Thành), lực lượng chức năng phát hiện tại điểm tập kết này đang kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo các loại.
Lực lượng QLTT tiến hành niêm phong, xử lý hàng hóa vi phạm theo quy định.
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 134 triệu đồng.
Đội QLTT số 4 đã thực hiện tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và báo cáo Cục QLTT Đồng Nai xử lý theo quy định.
Kiên Giang: Bắt giữ gần 700kg tôm chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc
Ngày 28/8/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, đã liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép tôm nguyên liệu chứa chất cấm agar.
Cụ thể, vào tối ngày 27/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành khám đồ vật tại khu vực cầu Hè Thu 2, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 536kg tôm sú, tôm thẻ không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ đi kèm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, lô hàng này chứa chất cấm agar.
Trước đó, vào ngày 23/8, tại khu vực đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, đội đã thu giữ thêm 111kg tôm sú chứa chất cấm agar, được cất giấu trong các thùng xốp.
Đội QLTT số 2 khám, phát hiện tang vật là tôm nguyên liệu chứa tạp chất
Với tổng số lượng gần 700kg tôm bị tạm giữ, đây là một con số đáng báo động, cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển thủy sản không đảm bảo chất lượng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Việc sử dụng chất cấm agar trong nuôi trồng thủy sản là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm. Chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ra cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Hiện nay, Đội Quản lý thị trường số 2 đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, truy tìm nguồn gốc của số tôm trên và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Kon Tum: Liên tiếp phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm trong kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ trên 300 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trị giá gần 100 triệu đồng.
Ngày 16/8/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum cho biết, vừa giám sát tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trưng bày để bán trong các cửa hàng trên địa bàn 2 huyện Đăk Hà, Đăk Tô.
Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy sản phẩm vi phạm
Theo thông tin từ Đội QLTT số 2, các sản phẩm giả mạo này chủ yếu là hàng thời trang, phụ kiện, được bày bán tràn lan tại các cửa hàng trên địa bàn. Điều đáng chú ý là nhiều sản phẩm giả mạo được làm rất tinh vi, khó phân biệt với hàng chính hãng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, lực lượng chức năng đã quyết liệt xử lý. Cụ thể, 5 vụ vi phạm đã bị lập biên bản và phạt hành chính với tổng số tiền gần 97 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa giả mạo đã bị tiêu hủy để đảm bảo không còn lưu thông trên thị trường.
Lãnh đạo Đội QLTT số 2 cho biết, đây là một trong những vụ việc điển hình cho thấy quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đấu tranh chống hàng giả. Thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý, lực lượng chức năng không chỉ ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả mà còn răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, Đội QLTT số 2 đã và đang triển khai nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng khác, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.