Quảng Trị: Bắt hai đối tượng ôm trên 12 nghìn viên ma túy cùng súng ngắn đi tiêu thụ
Công an thành phố Đông Hà phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị bắt 2 nam thanh niên tàng trữ ma túy và súng ngắn.
Tối 25.12, Công an thành phố Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, đã phối hợp với Phòng PA06, PK02 Công an Tỉnh Quảng Trị bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Số ma túy thu giữ.
Trước đó, khoảng 13h10 ngày 20.12, tại kiệt 113, đường Lê Lợi thuộc khu phố 4 (phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), các lực lượng đã bắt quả tang Thái Công Thỏa (29 tuổi, trú tại thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) và Lê Công Tình (32 tuổi, trú tại khu phố 4, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà😉.
Tang vật thu giữ là 12.022 viên ma túy tổng hợp, 1 xe môtô, 3 điện thoại di động và 1 khẩu súng ngắn.
Khẩu súng cơ quan công an thu giữ.
Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận đã cùng nhau vận chuyển và giao số ma túy nói trên vào thành phố Đông Hà.
Công an thành phố Đông Hà đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Thái Công Thỏa, Lê Công Tình để điều tra làm rõ hành vi theo quy định của pháp luật; và bàn giao cho Phòng PC04 – Công an tỉnh Quảng Trị điều tra theo thẩm quyền.
Thừa Thiên Huế😛hát hiện hơn 1 tấn hàng đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 20/12, lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện một kho hàng hóa thực phẩm chứa hơn 1 tấn thực phẩm, bao gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, lõi bắp bò, không tuân thủ quy định và chuẩn bị để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo rằng đội công tác đã tiến hành kiểm tra tại kho hàng có tên "thịt heo bò xuất nhập khẩu tại Huế," đặt tại thôn Xuân Lai (xã Lộc An, huyện Phú Lộc), do bà Hồ Thị Nhiên làm chủ (sinh năm 1993, trú tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc).
Số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi kiểm tra, đội công tác phát hiện hơn 1 tấn thực phẩm bao gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, xương cùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò, v.v., có dấu hiệu vi phạm quy định. Chủ kho không thể xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ kho cũng không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến kinh doanh loại hàng hóa này.
Số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại cơ quan công an, bà Hồ Thị Nhiên thừa nhận rằng số hàng hóa trên được nhập về từ Nga, Ấn Độ, nhưng không có hóa đơn chứng từ đi kèm. Bà Nhiên bán lẻ số thực phẩm này cho các khách hàng là quán ăn, nhà hàng và dịch vụ đám cưới.
Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tây Ninh: Bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển pháo lậu
Lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng là Lê Văn Kiệt (sinh năm 1991) và Hồ Trần Xuân Nam (sinh năm 1979) về hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ cùng tang vật là 188kg pháo các loại.
Ngày 2/12, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Môi trường Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Công an huyện Châu Thành bắt quả tang một đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép.
Cụ thể, lúc 1 giờ 10 ngày 1/12, đối tượng Lê Xuân Vinh (31 tuổi, ngụ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đang tạm trú tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) điều khiển ôtô tải mang biển kiểm soát 61C-010.09 đang vận chuyển hơn 1 tấn pháo nổ các loại thì bị lực lượng chức năng bắt giữ tại ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Lê Xuân Vinh khai nhận số pháo trên được đối tượng nhận vận chuyển thuê từ khu vực biên giới huyện Châu Thành đem đi tiêu thụ. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm điếm số lượng pháo nổ.
Trước đó, ngày 22/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính và Trật tự Xã hội Công an tỉnh Tây Ninh và Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống Ma túy và Tội phạm miền Nam (Đoàn 3) - Cục Phòng Chống Ma túy và Tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Lực lượng Công an huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu triệt phá đường dây vận chuyển pháo nổ qua biên giới qua địa bàn huyện Tân Châu và huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng là Lê Văn Kiệt (sinh năm 1991) và Hồ Trần Xuân Nam (sinh năm 1979) về hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ cùng tang vật là 188kg pháo các loại.
Cụ thể, khi nhận được thông tin có đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép pháo nổ từ khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh đi về hướng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng chức năng đã tổ chức truy đuổi, ngăn chặn.
Đến 3 giờ ngày 22/11, bắt quả tang Lê Văn Kiệt đang vận chuyển trái phép 160kg pháo nổ các loại trên ôtô mang biển kiểm soát 70A-340.62, tại đoạn đường Đất Sét, thuộc ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Đối tượng Lê Văn Kiệt khai nhận vào lúc 1 giờ 16 phút cùng ngày, đối tượng nhận được điện thoại của một người đàn ông (chưa rõ họ tên, địa chỉ) nói lên khu vực ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu (cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 2km) nhận pháo nổ chở đi giao ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với tiền công là 3 triệu đồng.
Kiệt đồng ý và điều khiển ôtô đến nơi nhận 9 bao tải đựng pháo nổ. Trên đường chở đi giao thì Kiệt bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi và bắt giữ.
Tiếp tục mở rộng, lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính nhà riêng của Hồ Trần Xuân Nam (tại ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu), phát hiện có 28kg pháo nổ mang nhãn hiệu nước ngoài, được giấu trong 2 bao tải.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản phạm tội quả tang đối với Hồ Trần Xuân Nam về hành vi tàng trữ trái phép pháo nổ./.
Đồng Nai: Xử phạt hành vi vận chuyển cát trái phép
Ngày 19/11, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đào Phước Thành (46 tuổi, quê tỉnh Long An) về hành vi vận chuyển cát trái phép, đồng thời tịch thu số cát vi phạm.
Phương tiện của ông Đào Phước Thành vận chuyển cát trái phép
Trước đó, khuya ngày 6/10, Tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh phát hiện phương tiện do ông Thành đang vận chuyển cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai (tại Km32, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa).
Tại thời điểm kiểm tra, ông Thành không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát đang vận chuyển trên phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên Tổ công tác đã tiến hành đưa phương tiện về xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào kết quả điều tra, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đào Phước Thành số tiền 13,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển cát trái phép.
Quảng Trị: Bắt giữ 15 ô tô tải vận chuyển gỗ và đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 29/10, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ 15 ô tô tải vận chuyển số lượng lớn đường kính và hộp gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các phương tiện vận chuyển đường cát ngoại bị các đơn vị Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt giữ.
Cụ thể, sáng 29/10, tại km 40 thuộc Quốc lộ 9 thuộc địa phận khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Tổ công tác của Công an huyện Đakrông và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện 15 ô tô tải có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng xe. Trên các xe có trở 5 hộp gỗ chưa xác định được chủng loại và số lượng lớn đường kính, ước tính khoảng hơn 50 tấn.
Tang vật là các bao đường cát trên 01 trong số các phương tiện vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa này. Trong quá trình làm việc, một số lái xe thiếu hợp tác, gây khó khăn và kéo dài thời gian kiểm tra.
Hiện, toàn bộ các phương tiện, tang vật được Công an huyện Đakrông niêm phong, thu giữ để phục vụ công tác điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường Kiên Giang xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm trong 10 tháng đầu năm 2023
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Kiên Giang đã kiểm tra 895 vụ; phát hiện 209 vụ vi phạm, 64 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 260 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang), chuyển xử lý hình sự 01 vụ; Thu nộp ngân sách 9,83 tỷ đồng; Thống kê 2.214 cơ sở; Ký cam kết 2.952 bản.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai trong toàn lực lượng bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra từ đầu năm như thanh tra, kiểm tra định kỳ đúng tiến độ, đồng thời tăng cường giám sát, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm phát sinh, góp phần bình ổn thị trường nội tỉnh, không làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Qua triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, Cục QLTT Kiên Giang đạt được một số kết quả như: Kiểm tra 895 vụ, đạt 112% kế hoạch năm; phát hiện 209 vụ vi phạm, 64 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 260 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang), chuyển xử lý hình sự 01 vụ; Thu nộp ngân sách 9,83 tỷ đồng; Thống kê 2.214 cơ sở, đạt 111% kế hoạch năm; Ký cam kết 2.952 bản, đạt 105% kế hoạch năm; Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; Phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra trong các đợt tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, … Trong đó, đối với công tác kiểm tra, xử lý, Cục đã tập trung xử lý các vụ việc nổi cộm phát sinh trên địa bàn như hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Cụ thể xử lý: 44 vụ hàng cấm, thu nộp ngân sách 321 triệu đồng; 59 vụ hàng nhập lậu, thu nộp ngân sách 3,1 tỷ đồng; 12 vụ chất lượng, thu nộp ngân sách 1,1 tỷ đồng; 36 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách 969 triệu đồng và nhiều vụ việc khác.
Trong 02 tháng cuối năm, Cục QLTT Kiên Giang tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, thống kê các đối tượng kinh doanh trên địa bàn, chuẩn bị phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thương nhân chấp hành đúng quy định pháp luật trong kinh doanh. Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, lưu thông hàng hóa, kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, … góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thừa Thiên Huế : Ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, và vận chuyển tôm hùm giống trái phép.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn về việc ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, và vận chuyển tôm hùm giống trái phép nhằm phòng dịch bệnh nguy hiểm có thể xâm nhập vào địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra công văn yêu cầu các cơ quan chức năng và lực lượng an ninh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, và kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, và đường biển. Mục tiêu là phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam.
Trường hợp bắt được các lô hàng tôm hùm giống vận chuyển bất hợp pháp, các đối tượng liên quan sẽ bị xử lý ngay theo quy định hiện hành. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ lập chuyên án đấu tranh chống lại các đối tượng vận chuyển, buôn bán, và nhập lậu tôm hùm giống vào địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép tôm hùm giống.
Ảnh minh họa
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cục quản lý thị trường tỉnh cũng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát lưu thông, phát hiện kịp thời, và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào địa phương, cũng như tôm hùm giống không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông để cảnh báo về nguy cơ của các dịch bệnh nguy hiểm có thể xâm nhập từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, và tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật trái phép.
Hải quan TP. Hồ Chí Minh Tập trung Kiểm Soát và Chống Buôn Lậu các Mặt Hàng Trọng Điểm: iPhone 15, Shisha, Khí Cười, và Thuốc Lá Điện Tử
Sapo: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát và chống buôn lậu các mặt hàng quan trọng như iPhone 15, shisha, khí cười và thuốc lá điện tử trên lãnh thổ để đảm bảo tuân thủ luật pháp và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại Iphone nhập lậu trên tuyến hàng không và Kế hoạch 4663/KH-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến shisha, khí cười, thuốc lá điện tử trên địa bàn, Lãnh đạo Cục Hải quan TP yêu cầu các đơn vị chủ động thu thập thu thập thông tin, trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan nắm vững diễn biến tình hình tại địa bàn quản lý; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá XNK, phương tiện XNC, hành lý của hành khách XNC, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép một số mặt hàng trọng điểm trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp sau đây:
-
Đối với điện thoại iPhone 15: Tăng cường giám sát tình hình địa bàn, thu thập thông tin và lập danh sách các doanh nghiệp, đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, chú ý đến các đối tượng thuộc nhóm hành khách trên các chuyến bay từ các quốc gia như Singapore, Mỹ, Nhật Bản... để phát hiện các rủi ro liên quan đến buôn lậu và vận chuyển trái phép các sản phẩm điện tử. Cần tăng cường soi chiếu hàng hoá và hành lý tại các vị trí soi chiếu để nắm bắt sớm đối tượng nghi vấn trước khi thực hiện kiểm tra thực tế.
-
Đối với shisha, khí cười, thuốc lá điện tử: Thực hiện các biện pháp kiểm tra và kiểm soát hoạt động nhập, xuất khẩu, vận chuyển hàng hoá thông qua đường biển và hàng không. Cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời các việc nhập khẩu shisha, khí cười và thuốc lá điện tử vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành trao đổi thông tin chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Thông báo này thể hiện sự quyết tâm của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ sự an toàn của thị trường và người tiêu dùng, đồng thời chống lại hoạt động buôn lậu và vi phạm pháp luật.
Thái Bình: Xử phạt 1 cơ sở kinh doanh bánh kẹo vi phạm về nhãn hàng hóa
Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã tiến hành kiểm tra và xử lý một cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh kẹo ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, do vi phạm về nhãn hàng hóa. Cơ sở này đã kinh doanh 3.450 gói bánh vi phạm về nhãn hàng hóa với tổng trị giá là 50.768.550 đồng.
Xử lý cơ sở kinh doanh bánh kẹo ở Thái Bình vi phạm về nhãn hàng hóa trị giá hơn 50 triệu đồng.
Vào sáng ngày 21/9, Cục Quản lý thị trường Thái Bình thông tin rằng Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc cục này đã tiến hành kiểm tra và xử lý một cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh kẹo tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, do vi phạm về nhãn hàng hóa. Cơ sở này có tên là Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Sông Ngân và do bà Trần Thị Sông Ngần làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện rằng cơ sở này đang kinh doanh 3.450 gói bánh (bánh gạo lứt, bánh cốm giòn, bánh ngũ cốc) vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng trị giá của các sản phẩm vi phạm là 50.768.550 đồng.
Để xử lý vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 6.250.000 đồng.
Chuyển Công an điều tra và khởi tố hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh linh phụ kiện ô tô, xe máy giả
Việc đưa vào lưu thông các phương tiện có sử dụng phụ tùng ô tô, xe máy giả tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Việc lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý thậm chí chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến phụ tùng, ô tô xe máy giả mạo nhãn hiệu là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm.
Phát giác hàng hoạt vụ việc vi phạm về linh phụ kiện ô tô, xe máy giả
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh tại Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc, địa chỉ 160 Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, TP.HCM ngày 14/7/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP.HCM ghi nhận cơ sở đang trưng bày để bán 05 chiếc xe máy chưa qua sử dụng. Lô hàng được Công ty cổ phần Việt Hàn Motor, địa chỉ 113/9 Ao Đôi, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM xuất bán cho Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc ngày 11/7/2023. Mặc dù có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên, chủ cơ sở chưa xuất trình được Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho xe cơ giới đối với 05 chiếc xe máy trên. Đặc biệt, lực lượng chức năng phát hiện tem, logo “Cub”, “super CUB”, logo “cánh chim” gắn trên sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tang vật Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP.HCM phát hiện thu giữ tại Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc
Nhận thấy nhiều dấu hiệu vi phạm ghi nhận trong quá trình kiểm tra, ngay sau đó, Đội QLTT số 4 tiến hành thẩm tra, xác minh và làm việc đối với Công ty cổ phần Việt Hàn MOTOR - đơn vị bán hàng cho Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc.
Sau thời gian làm việc, kiểm tra hàng hóa, cơ sở, Đội QLTT số 4 đã phát hiện công ty Cổ phần Việt Hàn MOTOR có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể là hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất, lô hàng vi phạm có trị giá gần 130 triệu đồng.
Đội QLTT số 4 đã báo cáo Cục QLTT TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vi phạm của vụ việc kiểm tra nêu trên cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 28/4/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến về tội buôn bán hàng giả quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự.
Trước đó, ngày 25/4/2023, Đội QLTT số 5, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến có trụ sở tại số 6 ngõ 267 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thu Thủy là Giám đốc.
Kết quả kiểm tra, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến đang trưng bày để bán gần 5.300 sản phẩm phụ tùng ô tô gồm dây curoa, cài ba đờ sốc, lọc gió động cơ, má phanh… mang nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu “Honda” đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Liên hệ Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh - đại diện chủ sở hữu quyền cho Honda tại Việt Nam, Đội QLTT số 5 nhận được kết quả toàn bộ số hàng hóa đơn vị thu giữ tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Honda.
Đó chỉ là 02 trong số những vụ việc nổi bật mà lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời đối với mặt hàng linh, phụ kiện ô tô, xe máy giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, ngày 30/12/2022, lực lượng QLTT TP.HCM đã đồng loạt kiểm tra 09 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện âm thanh xe hơi tại đường An Dương Vương, phường 4, quận 5, TP. HCM thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm.
Còn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cuối tháng 9 năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã phát hiện và thu giữ trên 10 tấn phụ tùng ô tô đã qua sử dụng tại 02 kho hàng ở huyện Tiên Lữ.
Trong năm 2022, hàng trăm vụ việc vi phạm tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy đã được phát hiện và xử lý trên địa bàn cả nước. 06 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh như Tiền Giang, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Đắc Nông, Quảng Nam, Bến Tre… cũng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến mặt hàng này, thu giữ lượng lớn sản phẩm vi phạm.
Hiểm họa khôn lường từ sử dụng linh phụ kiện ô tô xe máy giả
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những dòng xe nhái, giả nhãn hiệu có đặc điểm giá thành thấp nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng khi lưu hành.
Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất. Hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi tho kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng. Do đó, thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp…gây tổn thất to lớn cho người dùng. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại, giảm sút lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.
Bản thân cơ quan Quản lý thị trường đang nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi cùng với đó, lực lượng chức năng rất cần sự chung tay của chính những người dân trong công tác tố giác những hành vi có dấu hiệu vi phạm để công tác chống hàng giả được triển khai một cách hiệu quả nhất.