Đăng nhập

Cục QLTT tỉnh Sơn La công bố Quyết định thanh tra đối với Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu

Ngày 10/10/2024, Đoàn thanh tra Cục QLTT tỉnh Sơn La tiến hành công bố Quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu

Thực hiện Quyết định số 521/QĐ-BCT ngày 13/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về ban hành Kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại Bộ Công Thương năm 2024. Ngày 10/10/2024, Đoàn thanh tra theo Quyết định số 127/QĐ-QLTTSL ngày 25/9/2024 của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sơn La tiến hành công bố Quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Ông Nguyễn Hải Hà- Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sơn La phát biểu tại buổi công bố

Tham dự buổi công bố Quyết định thanh tra gồm có: ông Nguyễn Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sơn La, đại diện cơ quan thanh tra, người giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; Thành viên Đoàn thanh tra theo Quyết định thanh tra số 127/QĐ-QLTTSL và đại diện Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Ông Phạm Hải Nam - Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu cùng lãnh đạo các bộ phận liên quan nhất trí với nội dung làm việc của Đoàn thanh tra Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La.

Phát biểu tại buổi công bố Quyết định, ông Nguyễn Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sơn La nêu rõ đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch hằng năm được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, đề nghị Công ty cung cấp hồ sơ, tài liệu chính xác, kịp thời theo kỳ thanh tra liên quan nội dung thanh tra, phối hợp tốt với Đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác thanh tra nhằm đánh giá một cách tổng thể các thuận lợi, khó khăn và chấp hành pháp luật của Công ty. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất - kinh doanh chân chính.

Hà Nội: Khởi tố, tạm giam 6 đối tượng bán thuốc xương khớp giả 

Chiều 29/9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, đã khởi tố, tạm giam 6 đối tượng gồm: Trần Huy Hoàng (SN 2002), Dương Văn Tuấn (SN 1998), Dương Văn Huệ (SN 1997), Phùng Văn Hùng (SN 2004), Hoàng Viết Xuân (SN 2003), Nguyễn Duy Hưng (SN 2000), cùng trú tại thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng (Ba Vì về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, qua quá trình nắm tình hình địa bàn và theo dõi các hội nhóm trên mạng xã hội, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Ba Vì đã phát hiện một nhóm đối tượng do Trần Huy Hoàng cầm đầu, đăng tải quảng cáo giả danh một nhà tu hành ở tỉnh Đồng Nai để bán thuốc chữa bệnh xương khớp nhưng không có công dụng nhằm thu lời bất chính.

Đối tượng Trần Huy Hoàng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh thầy tu hành, bán thuốc chữa bệnh.

Trước tính chất phức tạp của vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá ổ nhóm lừa đảo này. Ngày 16/8, Công an huyện Ba Vì bắt giữ 15 đối tượng liên quan; thu giữ gồm 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 1 máy tạo viên thuốc, 16 gói thuốc lá cây, cùng nhiều tài liệu khác.

Các đối tượng trong ổ nhóm tham gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mở rộng vụ án, cơ quan Công an thu giữ thêm 41 hộp thuốc chữa xương khớp và dạ dày từ 15 bị hại ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tổng số đơn hàng mà nhóm này đã giao thành công lên tới hơn 1.400 đơn với tổng trị giá tiền khoảng 2,8 tỷ đồng.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì đang tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ hành vi liên quan của các đối tượng khác.

Lào Cai: Phát hiện xử lý 792 kg khí N2O không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 29/8/2024, Cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết, đã phát hiện xử lý cá nhân kinh doanh 30 bình khí cười N2O không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 22/8/2024, tại khu vực đường Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Lào Cai thực hiện kiểm tra, phát hiện lô hàng gồm 30 bình kim loại hình trụ tròn đều, bên trong mỗi bình có chứa khí, tổng trọng lượng khí là 792 kg.

Hình ảnh KSV Đội QLTT số 5 kiểm đếm tang vật của vụ việc

Ngày 28/8/2024, cơ quan chức năng đã có kết quả giám định, toàn bộ khí chứa trong 30 bình là khí N2O (hay còn gọi là “Khí cười". Chủ sở hữu hàng hoá là ông Đ.T.T; địa chỉ: phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Tại thời điểm kiểm tra, Ông T không có Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, toàn bộ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hoá và tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ

Ngày 17/8/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa triệt xóa đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam qua Thanh Hóa, đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật của vụ án.

Theo đó, ngày 15-8-2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Cục Hải quan tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành bắt quả tang đối tượng Giàng A Lâu (sinh năm 2002, trú tại bản Trung Thắng, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) khi Lâu đang vận chuyển ma túy.

Đối tượng Giàng A Lâu và tang vật vụ án. 

Tại chỗ, lực lượng Công an đã thu giữ 6 bánh heroin, khoảng 30.000 viên hồng phiến, 1kg ma túy đá và 1kg Ketamine cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Tại cơ quan công an, Giàng A Lâu khai nhận đã được một người thuê vận chuyển số ma túy trên ra Hà Nội tiêu thụ với số tiền công là 50 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra mở rộng.

An Giang: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 750 bao thuốc lá nhập lậu

Sáng ngày 5/8/2024, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Đội Đặc nhiệm vừa chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn bắt giữ đối tượng vận chuyển 750 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Cụ thể, vào lúc 00h45 phút ngày 5/8/2024, Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn đã tổ chức mật phục và phát hiện một nhóm đối tượng đang có hành vi vận chuyển hàng hóa khả nghi từ khu vực biên giới Campuchia về Việt Nam.

Đối tượng Hồ Văn Hiền ( đứng giữa) cùng tang vật

Khi tổ công tác tiến hành kiểm tra, các đối tượng đã bỏ chạy. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã nhanh chóng truy đuổi và bắt giữ được một đối tượng là Hồ Văn Hiền (sinh năm 1985, trú tại tổ 1, khóm Mỹ Hòa, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 3 bọc nilon màu đen chứa tổng cộng 750 bao thuốc lá điếu các loại, ước tính trị giá khoảng 12 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hiền khai nhận đã nhận vận chuyển số thuốc lá trên cho một người đàn ông tên Tuấn với giá 150.000 đồng.

Quảng Bình: Phát hiện gần 3 nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 23/7, Công an tỉnh Quảng Bình thông tin cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và lực lượng quản lý thị trường tỉnh vừa phát hiện vụ vận chuyển gần 3 tấn nội tạng động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, lúc 16 giờ 20 phút ngày 21/7, tại Km643+700m Quốc lộ 1A thuộc địa phận thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đón dừng xe ôtô 38C-16x.xx, do lái xe Lê Tiến Hưng (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh Quảng Bình và lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, bắt vụ vận chuyển gần 3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Trong quá trình kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 244 thùng nội tạng động vật (mề gà có xuất xứ nước ngoài, với tổng khối lượng gần 3 tấn.

Lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa vận chuyển.

Gần 3 tấn mề gà nhập lậu bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Lái xe Lê Tiến Hưng khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được mua từ tỉnh Quảng Trị, sau đó vận chuyển về Hà Tĩnh để tiêu thụ. Khi lái xe đang trên đường vận chuyển thì cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và bắt giữ.

Cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc trên./.

Hà Nội: Phát hiện trên 20 tấn mỹ phẩm, kem đánh răng trẻ em hết hạn sử dụng đang in, dập date mới

Chiều 9/7, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm vừa phát hiện hơn 20 tấn mỹ phẩm, kem đánh răng đã hết hạn sử dụng.

Hơn 20 tấn hàng hoá bị thu giữ.

Cụ thể, chiều ngày 9/7, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an Quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hoá thu giữ.

Lực lượng chức năng xác định chủ hộ kinh doanh là ông Lại Vũ Thắng, sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú số 58 ngõ 401 đường Xuân Đỉnh phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 50.000 sản phẩm với tổng khối lượng trên 20 tấn hàng hoá là mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE... do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu hết hạn sử dụng. 

Hàng hóa hết hạn sử dụng đang bị in, dập hạn sử dụng mới với hạn sử dụng vài năm so với hạn sử dụng đã hết trước đó

Đặc biệt, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa là kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy date cũ đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng vài năm so với hạn sử dụng đã hết trước đó.

Sản phẩm mỹ phẩm hết hạn “phù phép” thành hàng cao cấp

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hoá tại cơ sở. Đoàn kiểm tra đang tiến hành kiểm đếm và phân loại hàng hóa, lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Hưng Yên: Công ty Thanh Hà bị phạt 35 triệu đồng vì bán hàng trên web không thông báo

Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Thanh Hà (Hưng Yên) đã bị phạt 35 triệu đồng do vi phạm hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hưng Yên, vào ngày 21/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Thanh Hà.

Kết quả kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện Công ty Thanh Hà đang kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên 3 website là https://nongnghiepthanhha.vn, https://nongnghiephoa.vn, https://nongcutiendam.vn. Các website này đều có chức năng đặt hàng trực tuyến, giỏ hàng và báo giá từng sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, Công ty Thanh Hà đã vi phạm quy định về việc thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.

Website thương mại điện tử bán hàng trực tuyến của Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Thanh Hà tại thời điểm kiểm tra. 

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải thông báo website thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Do vi phạm hành vi trên, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Thanh Hà đã bị Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Hưng Yên) ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35 triệu đồng.

Bắt thêm 3 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả trị giá 2,5 tỷ đồng

Ngày 10/6, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) đã bắt thêm 3 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do Quách Ngọc Giao cầm đầu.

Trước đó, vào tháng 7/2023, PC03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Giao cùng 7 đối tượng khác. Giao được xác định là chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với số lượng lớn, trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

3 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Ba đối tượng mới bị bắt là Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1965), Nguyễn Bảo Xuyên (sinh năm 1991) và Trần Đình Sinh (sinh năm 1983), đều ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Cả ba được Giao thuê in ấn số lượng lớn vỏ hộp các sản phẩm tân dược giả.

Các đối tượng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam tháng 7-2023.

Kết quả điều tra đến nay, PC03 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với 11 đối tượng trong đường dây này. Lực lượng chức năng cũng đã khám xét 19 địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang, thu giữ hơn 500 thùng thuốc tân dược giả, cùng nguyên liệu và công cụ sản xuất.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 02 vụ vi phạm với trị giá tang vật hơn 10 tỷ đồng

Trong tháng 5, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính; thu nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2024, song song với việc triển khai các Kế hoạch công tác năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vàng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế,…; chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của Quản lý thị trường. Kết quả như sau:

Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Tổng số vụ kiểm tra: 464 vụ. Tổng số vụ vi phạm: 418 vụ. Tổng số vụ đã xử lý là 460 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 10.846.048.000 đồng, trong đó tiền thu phạt hành chính là 8.791.262.000 đồng và tiền bán hàng tịch thu là 2.054.786.000 đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 4.120.278.000 đồng.

Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 31 quyết định với tổng số tiền là 490.500.000 đồng.

Trong tháng 5, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 02 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu trị giá tang vật vi phạm hơn 10 tỷ đồng và 01 vụ chuyển trả để xử lý hành chính.

Về công tác phối hợp kiểm tra liên ngành: Lực lượng Quản lý thị trường tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận/huyện, Thành phố Thủ Đức đã kiểm tra 183 vụ, có 09 vụ vi phạm.

Một số vụ điển hình trong tháng:

- Ngày 15/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an Quận 9 kiểm tra doanh nghiệp tư nhân trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, Thành phố Thủ Đức phát hiện tại đây đang kinh doanh 04 đơn vị sản phẩm trang sức vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa hơn 54.000.000 đồng. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 100.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

- Ngày 15/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 18 kiểm tra Hộ kinh doanh gạo ở thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn phát hiện tại đây đang kinh doanh 2 tấn gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt với số tiền là 25.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

- Ngày 16/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 15 kiểm tra Điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại  xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh phát hiện tại đây đang kinh doanh 4.660 đơn vị sản phẩm phụ kiện cửa không có hóa đơn, chứng từ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 42.500.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

- Ngày 26/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty thực phẩm tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức phát hiện tại đây đang kinh doanh 7.800 kg nội tạng đông lạnh các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt với số tiền là 180.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

- Ngày 02/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra Công ty tư nhân trên đường Bình Đông, Phường 14, Quận 8 phát hiện tại đây đang kinh doanh 12.000 cái vòng bi công nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 70.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung thực hiện:

- Duy trì việc phân công công chức giám sát chặt chẽ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố, Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường Thành phố.

- Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,… tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử./.