An Giang: Bắt giữ gần 12 tấn phế liệu nhập lậu
Sáng 22.12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ gần 12 tấn phế liệu nhập lậu tại khu vực ấp Khánh Hoà, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Trước đó, khoảng 01h cùng ngày, Tổ công tác thuộc Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang đang trên đường tuần tra kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, khi đến khu vực ấp Khánh Hoà, xã Khánh An, huyện An Phú thì phát hiện dưới bến sông có 7 người đang bốc vác hàng hóa từ một ghe gỗ lên xe ôtô tải có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Ghe gỗ chở phế liệu không hóa đơn chứng từ, được xác định là nhập lậu.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên xe ôtô tải có chứa khoảng 4 tấn phế liệu là nhựa nấu thành cục và dưới ghe gỗ khoảng 8 tấn phế liệu các loại, ước tính trị giá hàng hóa ban đầu khoảng 30 triệu đồng.
Tang vật phế liệu tại thời điểm phát hiện.
Qua làm việc, 7 người khai nhận số phế liệu trên được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam cho đối tượng Lê Văn Minh Hoà (sinh năm 1991, trú xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Hiện vụ việc được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang bàn giao cho Công an huyện An Phú tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
TP. Hồ Chí Minh: Giám sát tiêu hủy hơn 10.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành tiêu hủy hơn 10.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, ngày 13/12/2023, đơn vị này đã tổ chức thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 10.579 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 573.164.500 đồng, thuộc 25 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh ban hành.
Việc tiêu huỷ các sản phẩm vi phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng.
Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy là 6.195 đơn vị sản phẩm quần các loại, áo các loại, vớ (tất), găng tay, nón vải, túi xách… trong đó có 1.083 đơn vị sản phẩm quần, áo, nón các loại có hóa tiết hình rằn ri và 1.315 kg vải các loại, không phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2017/BCT; 1.368 chai dầu gió; 23 chai rượu vang các loại không đủ điều kiện lưu thông thị trường; 1.350 vỏ hộp khóa có in chữ ZANI và hình logo màu đỏ, có kiểu dáng hộp đựng khóa là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp "Hộp đựng khóa" đang được bảo hộ theo Phương án 2 - bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 35821 do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp theo Quyết định số 19508w/QĐ-SHTT ngày 10/11/2022. Phương thức tiêu hủy được áp dụng là hủy hình dạng; đốt tiêu hủy trong lò đốt 02 cấp có hệ thống xử lý đồng bộ.
Cũng tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, ngày 27/11/2023, đại diện Đội Quản lý thị trường số 8 cùng chủ hàng hóa vi phạm và Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc phối hợp, chứng kiến việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đội Quản lý thị trường số 8 ban hành ngày 24/11/2023.
Hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy là 660 kg đường cát vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 15.180.000 đồng. Phương thức tiêu hủy được áp dụng là hòa tan trong nước và chuyển vào hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.
Trước đó, ngày 24/11/2023, tại Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, địa chỉ: số 150 Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11, TP.HCM, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã thực hiện giám sát buộc tiêu hủy đối với 1.911 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 136.330.000 đồng.
Số hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy đợt này thuộc 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục Quản lý thị trường TP.HCM ban hành, gồm các sản phẩm hàng hóa là giày dép, quần áo, ốp lưng điện thoại, phụ tùng xe gắn máy … là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, HONDA ….Phương thức tiêu hủy được áp dụng: cán, hủy hình dạng ban đầu và đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.
Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Quản lý thị thị trường và các đơn vị chức năng theo đúng quy định.
Song song với việc tăng cường công tác phối hợp với các cấp chính quyền, công an và các lực lượng chức năng khác có liên quan tại địa phương, tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, việc giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm là một trong những hoạt động thường xuyên của các Đội Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn các quận, huyện của Thành phố./.
Gia Lai: Bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép 50 kg pháo hoa nổ qua khu vực biên giới
Theo tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh vừa bắt giữ 01 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép số lượng lớn pháo hoa nổ qua khu vực biên giới tỉnh Gia Lai.
Lúc 18 giờ 00 phút ngày 03/12/2023, tại khu vực biên giới thôn cửa khẩu xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) chủ trì, phối hợp Công an xã Ia Dom (Công an huyện Đức Cơ) phát hiện 02 đối tượng lạ mặt đang gùi trên lưng bao tải có chứa hàng, di chuyển từ lãnh thổ Campuchia qua biên giới vào Việt Nam liền phát tín hiệu yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên, không những không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng, 02 đối tượng trên nhanh chóng lợi dụng địa hình và đêm tối bỏ chạy thoát thân vào rừng.
Ngay lập tức, lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai đội hình truy đuổi, bắt giữ Phan Thế Sơn (sinh năm 1997, thường trú tại thôn Ia Chía, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cùng tang vật 01 bao tải, chứa 15 hộp giấy (tổng khối lượng khoảng 25 kg, bên ngoài hộp giấy in chữ nước ngoài và nhiều hình ảnh, màu sắc khác nhau), nghi là hộp pháo hoa nổ. Mở rộng kiểm tra tại khu vực bắt giữ đối tượng Phan Thế Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, thu giữ thêm 01 bao tải, chứa 15 hộp giấy (tổng khối lượng khoảng 25 kg, bên ngoài hộp giấy in chữ nước ngoài và nhiều hình ảnh, màu sắc khác nhau), nghi là hộp pháo hoa nổ.
Bước đầu, Phan Thế Sơn khai nhận: Toàn bộ 30 hộp giấy trên (tổng khối lượng 50 kg) đều chứa pháo hoa nổ, có nguồn gốc nước ngoài. Trước đó, Phan Thế Sơn đã sang Campuchia mua số pháo hoa nổ trên từ 01 người đàn ông (chưa rõ tên tuổi, địa chỉ, lai lịch) với giá 4.500.000 đồng rồi vận chuyển về Việt Nam để bán kiếm lời thì bị phát hiện, bắt giữ.
Hiện, vụ việc đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, niêm phong tang vật, hoàn chỉnh thủ tục ban đầu, bàn giao người, tang vật cho Công an huyện Đức Cơ (Công an tỉnh Gia Lai) điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh: Phát hiện, tiêu hủy 1.800 con vịt giống nhập lậu
Ngày 24/11/2023, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện, tiêu hủy 1.800 con vịt giống nhập lậu.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện và tiêu hủy 1.800 con vịt giống nhập lậu từ biên giới Trung Quốc về huyện Bình Liêu.
Đội quản lý thị trường số 8 kiểm tra xe ô tô tải phát hiện 1.800 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: QLTTCC
Cụ thể, chiều tối ngày 23/11, trong quá trình tuần tra kiểm soát, tại khu vực thôn Cầu Sắt (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), Đội Quản lý thị trường số 8 đã phát hiện xe ô tô tải BKS 14C-346.25 vận chuyển 1.800 con vịt giống khoảng 5 ngày tuổi, số vịt trên có tình trạng yếu, trong đó có nhiều con đã chết.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe ô tô tải là ông Tăng Văn Nam (trú tại xã Liên Hồng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Theo ông Nam, số vịt giống trên được ông mua lại từ một người bán hàng không rõ tên tuổi, địa chỉ ở sát biên giới Trung Quốc, khu vực cửa khẩu xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu).
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính 6 triệu đồng đối với ông Nam. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số vịt trên theo quy định.
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, và hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt trên các nền tảng như Lazada, Shopee, TikTok, đã làm tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, cần phải quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website TMĐT để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, vấn nạn hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trên không gian mạng. Nhiều nhãn hiệu lớn trên thế giới đã phản ánh với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về tình trạng hàng nhái của họ xuất hiện trên các sàn TMĐT nổi tiếng.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý đối tượng kinh doanh hàng giả.
Lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường TMĐT, làm cho công tác quản lý và xử lý trở nên phức tạp.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, đề xuất rằng việc chống hàng giả trên các sàn TMĐT đòi hỏi sự chủ động và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tới sự quan trọng của việc xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, giám sát và cảnh báo nguy cơ.
Ngoài ra, ông Bùi Trung Hiếu, đại diện Cục Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế, cho biết rất nhiều sàn TMĐT vẫn vi phạm nghệ thuật thuế, sử dụng các chiêu trò để trốn thuế. Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm này.
Đối với việc ngăn chặn hiệu quả hàng giả trên không gian mạng, các chuyên gia đề xuất:
-
Quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website: Đặt trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lên các chủ sàn, chủ website TMĐT.
-
Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, từ Trung ương đến địa phương, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
-
Ứng dụng công nghệ thông tin: Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để giám sát và phòng tránh các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
-
Phối hợp giữa các cơ quan liên quan: Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, thanh tra, và kiểm tra để kiểm soát hoạt động của các sàn TMĐT.
Với những biện pháp này, hy vọng sẽ giúp ngăn chặn và xử lý triệt để vấn đề hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Bắt giữ đối tượng mua bán hơn 4kg thuốc phiện tại Lào Cai
Công an huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã bắt giữ một đối tượng có hành vi mua bán trái phép hơn 4kg thuốc phiện.
Khoảng 15h10 phút ngày 25/10/2023, tại km16 + 600 đường tỉnh lộ 156, thuộc địa phận thôn Mường Đơ, xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Tổ công tác Công an huyện Bát Xát phối hợp với Công an xã Bản Vược và Chi cục hải quan Bát Xát đã bắt quả tang đối tượng Sùng Seo Phử, sinh năm 1988, trú tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đối tượng Sùng Seo Phử cùng tang vật tại cơ quan công an.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ 5 gói thuốc phiện có trọng lượng là 4,292g, 01 xe mô tô thương hiệu Honda Air Blade với biển kiểm soát 24B2-291.12, 01 điện thoại di động và nhiều giấy tờ có liên quan.
Đối tượng Sùng Seo Phử đã khai nhận rằng anh ta đã mua số thuốc phiện kể trên và mang xuống xã Bản Vược để bán với giá 250 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến thôn Mường Đơ, xã Bản Vược, thì bị kiểm tra và bắt giữ.
Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra và Công an huyện Bát Xát đang tiếp tục điều tra để làm rõ hành vi của đối tượng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Xử phạt 14 cơ sở hành nghề y dược tư nhân
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xử phạt 14 cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn Hà Nội với số tiền tổng cộng là 330,5 triệu đồng. Các xử phạt này liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao gồm việc quảng cáo không đúng quy định, việc vận hành không đảm bảo các quy tắc an toàn và tuân thủ quy định y tế.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xử phạt 14 cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn Hà Nội với tổng số tiền là 330,5 triệu đồng. Các xử phạt này liên quan đến việc vi phạm nhiều quy định trong lĩnh vực y tế.
Hà Nội phạt 14 cơ sở hành nghề y dược tư nhân với 330 triệu đồng.
Một số cơ sở bị xử phạt và mức phạt tương ứng bao gồm:
-
Phòng khám Đa khoa Y Tâm: Cơ sở này thuộc Công ty CP Y tế Y Tâm và bị xử phạt 90 triệu đồng. Họ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 18 tháng do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ.
-
Công ty TNHH Bình An Academy: Cơ sở này bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo 2 sản phẩm mỹ phẩm trên trang web Meduskin.vn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
-
Công ty CP Nha khoa công nghệ cao AIDENT: Cơ sở này bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ đặc biệt, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Họ cũng buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo trên Internet.
-
Công ty CP Dược phẩm Khang Lâm: Cơ sở này bị xử phạt 25 triệu đồng do quảng cáo 3 sản phẩm trên trang web không đúng với giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các xử phạt khác liên quan đến việc không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, và quảng cáo không đúng quy định.
Như vậy, việc xử phạt các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cho cộng đồng.
Phát Hiện và Thu Giữ 60 Bình Khí Cười Vận Chuyển Bất Hợp Pháp tại Lạng Sơn
Công an TP Lạng Sơn đã lập biên bản và tạm giữ bình khí cười sau khi dừng và kiểm tra một xe ô tô phát hiện vận chuyển 60 bình khí N2O, với lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Công an TP Lạng Sơn thông báo vào ngày 16-10 rằng họ đã lập biên bản đối với lái xe ô tô và tạm giữ các tang vật, phương tiện liên quan đến việc vận chuyển 60 bình khí N2O để xử lý theo quy định.
Cơ quan Công an lập biên bản xử lý trường hợp vận chuyển khí N20 không hóa đơn, chứng từ
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 15-10, Đội Cảnh sát kinh tế cùng với đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Lạng Sơn đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ và phát hiện một chiếc xe ô tô có biển số kiểm soát 12A-088.62 vận chuyển hàng hóa với biểu hiện nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ.
Tổ công tác đã dừng xe và tiến hành kiểm tra, phát hiện rằng xe đang vận chuyển 60 bình khí N2O. Lái xe là Nguyễn Viết T (sinh năm 1987) và trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã không thể xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số bình khí này.
Tổ công tác đã yêu cầu người điều khiển xe chở toàn bộ số bình khí trên về trụ sở Công an để tiến hành điều tra và làm việc.
Tại trụ sở Công an, lái xe Nguyễn Viết T thú nhận rằng anh đã chở thuê 60 bình khí cười cho một người đàn ông tên Minh từ TP Bắc Ninh về TP Lạng Sơn để giao cho một người khác. Công an TP Lạng Sơn đang tiến hành các biện pháp xử lý việc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Xử phạt Công ty TNHH Xăng dầu Thành Phát bán Xăng RON 95-III không phù hợp quy chuẩn.
Công ty TNHH Xăng dầu Thành Phát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị xử phạt với tổng mức tiền phạt lên đến 567.026.460 đồng do vi phạm hành chính khi bán Xăng RON 95-III không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Quyết định xử phạt này được Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Xăng dầu Thành Phát đã vi phạm quy chuẩn kỹ thuật khi bán Xăng RON 95-III không đạt chất lượng. Công ty này được yêu cầu phải khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt. Điều này bao gồm việc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm, cũng như việc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa có thể gây hại cho sức khỏe con người, động vật, thủy sản nuôi, tài sản, cây trồng và môi trường. Công ty phải tự chi trả mọi chi phí liên quan đến việc khắc phục hậu quả.
Công ty Xăng dầu Thành Phát có trụ sở chính tại số 82B Phước Thắng, phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Trần Văn Trọng, đang giữ chức danh Giám đốc.
Các biện pháp xử phạt này nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn của sản phẩm xăng dầu trên thị trường và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Cục QLTT Nam Định: Tăng cường kiểm tra, xử lý bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định tại văn bản số 410/QLTTNĐ-NVTH ngày 21/8/2023 về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường dịp tết trung thu 2023 và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023, Đội QLTT số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định đã phát hiện và tiến hành kiểm tra đối với 02 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Nam Định đang bày bán 200 sản phẩm bánh trung thu, hàng hóa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Hàng năm, thường từ tháng 7 âm lịch hàng hóa phục vụ tại tỉnh Nam Định lại nhộn nhịp. Thế nhưng năm nay chỉ còn một tuần nữa là tới Trung thu mà thị trường thưa thớt, trầm lắng. Do ảnh hưởng của hậu Covid -19 khiến tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua của người dân năm nay giảm so với những năm trước; hàng hóa phục vụ Trung thu thì nhiều mà sức mua thì lại giảm. Bên cạnh đó, năm nay mặt hàng bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đã được các lực lượng chức năng có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế đến mức thấp nhất.
Đoàn kiểm tra đang tiến hành lập hồ sơ vụ việc
Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định tại văn bản số 410/QLTTNĐ-NVTH ngày 21/8/2023 về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường dịp tết Trung thu 2023 và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định đã tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp tết Trung thu, đặc biệt là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau một thời gian ra quân Đội đã phát hiện và tiến hành kiểm tra đối với 02 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Nam Định đang bày bán 200 sản phẩm bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo, bánh trứng chảy), trên bao bì hàng hóa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Các chủ hộ kinh doanh khai nhận mua số lượng hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường về để bán kiếm lời, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh trên về hành vi vi phạm hành chính “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” với số tiền phạt 1,6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm trên.
Số lượng xử lý trên tuy nhỏ nhưng đã thể hiện sự quyết tâm của Đội Quản lý thị trường số 1 trong việc kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, nếu không ngăn chặn kịp thời có thể gây hậu quả khó lường, góp phần đảm bảo Tết trung thu an toàn.
Trên cơ sở kế hoạch cao điểm, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định tiếp tục nắm bắt địa bàn, nhằm phát hiện kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nhập lậu vì một Trung thu an toàn, vui vẻ.