Hải Dương: Bắt đối tượng sản xuất pháo trái phép
Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương đang điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đinh Nguyễn Tuấn Anh (SN 2001, thường trú tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và các đối tượng có liên quan để xử lý hành vi sản xuất pháo trái phép.
Thông tin ban đầu, vào lúc 11h20 ngày 27/12, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương phát hiện, bắt quả tang Đinh Nguyễn Tuấn Anh (SN 2001, thường trú tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đang vận chuyển 02 thùng các tông bên trong có 102 quả pháo nổ (trọng lượng 11 kg) đi bán.
Tuấn Anh cùng tang vật vụ án.
Làm việc với Cơ quan điều tra, Đinh Nguyễn Tuấn Anh khai nhận, từ tháng 10/2023, Tuấn Anh đến thành phố Hải Dương tìm việc làm nhưng không tìm được việc. Không có tiền chi tiêu nên Tuấn Anh đã sản xuất pháo nổ đi bán kiếm lời.
Sáng ngày 27/12, Tuấn Anh mua vỏ pháo (bằng giấy hình trụ tròn, đã được cuộn sẵn), thuốc pháo và ngòi pháo với giá 300.000 đồng của một người đàn ông không quen biết tại gầm cầu vượt Phú Lương, thành phố Hải Dương.
Sau đó, Tuấn Anh mang số nguyên liệu trên về phòng trọ ở số nhà 102 phố Hòa Bình, phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương để tự sản xuất pháo.
Đến khoảng 11h15 cùng ngày, Tuấn Anh đã làm được 102 quả pháo nổ (trọng lượng 11kg). Khi Tuấn Anh mang số pháo trên đi bán thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đinh Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Cảnh sát kinh tế còn thu giữ 1 túi thuốc pháo, 2 sợi dây ngòi pháo, 1 đũa tre và 1 thìa nhựa là các công cụ Tuấn Anh dùng để sản xuất pháo nổ.
Đà Nẵng: Bắt đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Sáng 19-12, Công an quận Hải Châu cho biết, vừa phát hiện và bắt quả tang đối tượng Trần Anh Tuấn (SN 1982, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Qua công tác nắm địa bàn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hải Châu) phát hiện Trần Anh Tuấn có nhiều biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán trái phép chất ma túy nên tập trung giám sát, theo dõi.
Đối tượng Trần Anh Tuấn
Đến khoảng 17 giờ 15 ngày 18-12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiến hành bắt quả tang Tuấn tại khu vực đường Đống Đa (phường Thuận Phước), thu giữ 4 viên thuốc lắc, 4 mảnh vỡ viên thuốc lắc, 1 gói ketamine.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Trần Anh Tuấn, lực lượng công an thu 76 viên thuốc lắc, 9 gói ketamine cùng một số tang tài vật liên quan. Qua thử test, Trần Anh Tuấn cho kết quả dương tính với ma túy.
Được biết, Tuấn là đối tượng có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “mua bán trái phép chất ma túy”; đồng thời từng bị đưa đi cai nghiện tập trung.
Tang vật bị thu giữ
Trước đó, ngày 15-12, Công an quận Hải Châu cũng bắt giữ đối tượng Võ Nguyễn Thành Tâm (SN 2002, trú phường An Khê, quận Thanh Khê😉 về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, thu giữ 1 gói ma tuý đá. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Tâm, cơ quan công an thu giữ thêm 2 gói ma tuý.
Mở rộng điều tra, Công an quận Hải Châu tiến hành tạm giữ Lê Trí Thức (SN 1997, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Qua khám xét chỗ ở của Thức tại K87 đường Hoàng Văn Thái (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu), cơ quan công an thu giữ 2 gói ma tuý đá khoảng 80 gram, 1 cân điện tử. Qua thử test, Tâm và Thức đều dương tính với ma tuý.
Kiên Giang: Kiểm tra, phát hiện lô điện thoại di động có dấu hiệu nhập lậu
Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉn Kiên Giang vừa tiến hành tạm giữ lô hàng điện thoại di động có dấu hiệu nhập lậu, trị giá gần 56 triệu đồng để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Thực hiện Kế hoạch của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Đội QLTT số 5 tăng cường giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa điểm tập kết hàng hóa thuộc địa bàn quản lý. Tuy nhiên, hiện tại trên đia bàn lượng hàng hóa phục vụ dịp Lễ, Tết cuối năm chưa nhiều, qua nguồn tin báo của người dân về hàng hóa nhập lậu là thiết bị điện tử, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh H.N có địa điểm kinh doanh thuộc xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán lô điện thoại di động nhãn hiệu Apple (09 cái), có giá trị 55,9 triệu đồng theo giá niêm yết, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Đội QLTT số 5 kiểm tra tại hộ kinh doanh điện thoại di động
Do lô điện thoại di động trên có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022, Đội QLTT số 5 đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ lô hàng để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ.
Cục QLTT tỉnh Bắc Giang xử lý 39 vụ vi phạm trong tháng 11/2023
Theo Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang, trong tháng 11/2023, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã chủ động, phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra được 100 vụ và xử lý 39 vụ vi phạm.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa tịch thu, tiền thu từ thu lợi bất hợp pháp và trị giá hàng hóa tiêu hủy trong tháng 11 là 435.835.000 đồng.
Trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 385.000.000 đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu 3.100.000 đồng; tiền thu từ thu lợi bất hợp pháp 2.606.000 đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 45.129.000 đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý ước tính 74.019.000 đồng.
Lũy kế thực hiện 11 tháng năm 2023, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm tra được 1.024 vụ và xử lý 545 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa tịch thu, tiền thu từ thu lợi bất hợp pháp và trị giá hàng hóa tiêu hủy là 20.777.827.000 đồng, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 4.601.997.000 đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu 1.117.503.000 đồng; tiền thu từ thu lợi bất hợp pháp 12.480.060.000 đồng và trị giá hàng hóa tiêu hủy 2.573.467.000 đồng.
Trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý ước tính 697.860.000 đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước được 18.199.560.000 đồng.
Phú Yên: Phát hiện số lượng lớn bột tăng lực do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên, Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa phối hợp Công an tỉnh phát hiện phương tiện 01 xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn bột tăng lực, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên thu giữ trang vật trên xe ô tô đầu kéo, biển kiểm soát số 36H-000.53.
Thực hiện Kế hoạch số 39/KH-QLTTPY ngày 14/11/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào ngày 15/11/2023 trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường) tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô đầu kéo, biển kiểm soát số 36H-000.53, rơ moóc 36R-025.83 do Trần Văn Trung (trú tại Thôn 3, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, đồng thời là người quản lý hàng hóa.
Hình ảnh hàng hóa tạm giữ
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 05 mục hàng (có nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật), gồm: 2.000 kg bột uống tăng lực (hiệu ExtraJoss, loại 4g, Product of Indonesia), 600 chai nước uống (hiệu Collagen, loại 50ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài), 180 gói nước uống tinh chất nhau thai heo (hiệu Excelity, nhãn bằng tiếng nước ngoài), 200 công tắc điều khiển không dây (made in China), 240 chai dầu lăn xoa bóp (hiệu Hisamitsu, loại 85ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài). Tại thời điểm kiểm tra, Trần Văn Trung không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành tạm giữ để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Tuyên Quang: Giám sát tiêu huỷ lượng lớn hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Đông, địa chỉ: Thôn Tân Thành, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Hàng hóa vi phạm được tập kết tại Khu xử lý rác thải Nhữ Khê (huyện Yên Sơn-tỉnh Tuyên Quang) để tiêu hủy trứớc sự giám sát của lực lượng chức năng
Ngày 03/11/2023, tại Khu xử lý rác thải Nhữ Khê (huyện Yên Sơn-tỉnhTuyên Quang) Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đã tổ chức giám sát tiêu huỷ lô hàng hóa gần 10.000 đơn vị sản phẩm trị giá gần 600.000.000 đồng là quần áo may sẵn các loại, giầy dép, mỹ phẩm, thực phẩm…vv. Toàn bộ hàng tiêu huỷ là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tham gia buổi giám sát tiêu hủy có sự tham gia của đại diện các đơn vị: Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Tuyên Quang...vv
Toàn bộ số hàng hóa được Công ty vệ sinh môi trường đô thị tỉnh Tuyên Quang xử lý theo quy trình tại Khu xử lý rác thải vừa đảm bảo mất tính năng công dụng của hàng hóa vi phạm vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Số hàng hoá trên là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính hộ kinh doanh Nguyễn Thu Đông tại địa chỉ xã Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã bị Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp cùng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra vào tháng 10 năm 2022.
Do vụ việc phức tạp có nhiều hành vi vi phạm, số lượng hàng hóa vi phạm lớn, có dấu hiệu hình sự nên cơ quan Quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự để xử lý theo quy định. Tháng 11/2023, sau khi có kết luận của cơ quan Cảnh sát Điều tra chuyển hồ sơ để xử lý hành chính. Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 424.000.000 đồng đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thu Đông về 08 hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu (hàng hóa là quần áo giầy dép..vv); Kinh doanh hàng hóa nhập lậu (hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm); Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; Buôn bán bao bì mang nhãn hiệu giả mạo; Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (hàng hóa là quần áo, giầy dép…vv); Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (hàng hóa là mỹ phẩm); Kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet).
Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã áp dụng hình phạt bổ xung tịch thu hơn 25.000 đơn vị sản phẩm là quần áo may sẵn các loại, ví, túi xách, đồng hồ điện tử các loại…vv (đã được kiểm nghiệm, đủ điều kiện lưu thông) giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang tiến hành bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Lạng Sơn: Hải quan Chi Ma phối hợp ngăn chặn vận chuyển gà con nhập lậu
Chi Cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn) để ngăn chặn một vụ vận chuyển gà con nhập lậu với số lượng hơn 6.000 con.
Vào lúc 22 giờ 30 phút vào ngày 28/9, trong quá trình tuần tra và kiểm soát tại khu vực mốc 1231, thuộc thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, một tổ công tác đã phát hiện một nhóm đối tượng đang cố gắng vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào Việt Nam.
Tổ công tác kiểm đếm số tang vật.
Khi thấy tổ công tác, các đối tượng đã sử dụng đêm tối và địa hình để tháo chạy và trốn thoát, để lại số lượng lớn hàng hóa tại hiện trường. Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ 38 lồng nhựa, bên trong các lồng này chứa tổng cộng 6.080 con gà con.
Hiện tại, tổ công tác đang tiến hành xác minh và làm rõ tình tiết, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng để tiêu hủy số lượng gà con này theo quy định.
Ngoài ra, trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã bắt giữ 3 thùng carton chứa khoảng 600 con vịt con giống, loại khoảng 3 ngày tuổi, trong đó một số con đã chết.
Lào Cai: Hàng ngàn kilogram chân gà, thịt bò, nầm lợn bốc mùi hôi thối, thương lái vẫn tuồn vào nội địa theo đường tiểu ngạch
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông báo về việc phát hiện hàng ngàn kilogram nầm lợn, chân gà, và thịt bò, bốc mùi hôi thối, đã được lực lượng chức năng đón lõng và "tóm gọn" tại Lào Cai. Lô hàng này được phát hiện tại một khu vực ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khiến người ta cảm nhận mùi hôi thối.
Tại khu vực ngã 3 đường Võ Nguyên Giáp giao tỉnh lộ 156B thuộc Tổ 9 thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã phát hiện 87 bao xác rắn bên trong chứa 2.030 kg chân gà và 1.015 kg thịt bò. Lô hàng này, tại thời điểm kiểm tra, đã bốc mùi hôi thối.
Chủ sở hữu của hàng hóa này là ông Đinh Hoàng Huy, trú tại xóm Phong Tình, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông này không thể xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.
Cận cảnh hàng ngàn kilogram nầm lợn, chân gà, thịt bò vừa được lực lượng chức năng đón lõng, "tóm gọn" tại Lào Cai. Thời điểm phát hiện, hàng hóa thực phẩm đang bốc mùi hôi thối.
Đồng thời, vào ngày 13/9, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai cũng phát hiện 10 thùng xốp đang được tập kết tại khu vực đường Triệu Quang Phục, Tổ 3, phường Lào Cai, TP Lào Cai. Trong các thùng xốp này, có tổng cộng 406 kg nầm lợn đông lạnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa là 48.720 triệu đồng.
Chủ sở hữu của hàng hóa này là ông Tráng Chu Thái, trú tại thôn Na Hạ, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương.
Hiện lực lượng chức năng đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Long An: Tạm giữ gần 100 sản phẩm quần áo rằn ri không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trong thời gian gần đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An đã tăng cường công tác quản lý địa bàn và giám sát hoạt động kinh doanh đối với mặt hàng quần áo may sẵn. Một trong những mặt hàng được chú ý đặc biệt là quần áo có đặc điểm giống quân trang hoặc quân phục.
Đội quản lý thị trường số 3 phát hiện gần 100 sản phẩm quần áo rằn ri không rõ nguồn gốc xuất xứ (ảnh P.T)
Đội QLTT số 3, trong khu vực TP. Tân An, đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại 2 cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn. Kết quả kiểm tra đã phát hiện gần 100 sản phẩm quần áo có đặc điểm rằn ri giống quân phục. Người đại diện hợp pháp của 2 cơ sở này không thể xuất trình hóa đơn, chứng từ, và trên sản phẩm quần áo cũng không có thông tin xác định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số sản phẩm quần áo rằn ri của 2 cơ sở trên để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Hà Tĩnh: Liên tiếp phát hiện, xử phạt các đối tượng kinh doanh đường nhập lậu
Thực hiện Kế hoạch số 114/KH-QLTTHT ngày 30/5/2023 của Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh về việc tổ chức phong trào thi đua năm 2023; lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống lực lượng QLTT và 5 năm thành lập Tổng Cục QLTT, đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng Cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện tháng cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là mặt hàng đường cát trong mùa nắng nóng.
Từ ngày 10/6/2023 đến ngày 06/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường cài căm cơ sở, nắm bắt nguồn tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phối hợp kịp thời với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ Quốc lộ 1A, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng phương tiện khám, kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 34H-005XX, do ông Nguyễn Hữu N (địa chỉ: Phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), xe ô tô mang biển kiểm soát 34C-278XX, do ông Tăng Văn G (địa chỉ: Phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và xe ô tô mang biển kiểm soát 37H-021XX, do ông Hồ Trọng T (địa chỉ: Xóm 8, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) điều khiển di chuyển trên quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tại thời điểm khám, kiểm tra 03 xe ô tô nói trên phát hiện chở 20.100 kg đường (đựng trong 402 bao; 50 kg/bao) do Thái Lan sản xuất; các lái xe không xuất trình được các giấy tờ có liên quan. Bằng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, các lái xe khai nhận toàn bộ số hàng trên mua trôi nổi trên thị trường về để kinh doanh kiếm lời nên không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 6 đã củng cố hồ sơ, xác minh vụ việc, lập biên bản vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đồng thời tham mưu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền xử phạt 250.000.000 đồng; trịch thu toàn bộ số hàng trị giá 303.000.000 đồng.
Thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 6 sẽ tiếp tục tăng cường công tác cài cắm cơ sở, nắm bắt nguồn tin để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.